“Chúng tôi ngắm cảnh hai bên bờ, mỗi ngày một thấy rừng rậm rạp thêm, mỗi ngày thấy núi rừng cao và áp sát bên sông. Hình như sông dần dần hẹp lại, hai bên bờ như xích lại gần thuyền chúng tôi hơn…”. Chỉ ít lâu sau, sẽ đến lượt những tàu chiến Pháp phải xuôi ngược dòng Lô. Hẳn lúc nào bọn giặc trên tàu cũng thấy “hình như” chỗ này chỗ nọ hai bên bờ đang có những họng súng chĩa thẳng vào chúng! (TT)



Nguyễn Kim Hạnh, “Hồi ức ngược dòng Lô”




“Ơi kháng chiến!
Mười năm qua như ngọn lửa
Nghìn năm sau còn đủ sức soi đường”
(Chế Lan Viên)

(…) Không bao lâu chiến sự lan đến, chúng tôi lại xuống thuyền ngược theo dòng Lô lên Chiêm Hóa cách Tuyên Quang khoảng 70 km. Mỗi gia đình một thuyền, đoàn thuyền nối đuôi nhau, mấy ngày lênh đênh sông nước, may không ai bị say. Chúng tôi ngắm cảnh hai bên bờ, mỗi ngày một thấy rừng rậm rạp thêm, mỗi ngày thấy núi rừng cao và áp sát bên sông. Hình như sông dần dần hẹp lại, hai bên bờ như xích lại gần thuyền chúng tôi hơn… Mỗi lần nghe cất lên câu “Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u…” là tôi lại nhớ những ngày lênh đênh trên dòng Sông Lô oai hùng này (…)

Chặng ngược dòng Lô thứ nhất chẳng mất mấy ngày. Nhưng chặng thứ hai thì các gia đình phải ngồi thuyền lênh đênh sông nước chín ngày đêm.

Đoàn thuyền chúng tôi đến ngã ba sông vào một buổi chiều. Đoàn thuyền cặp bến, cầu vồng bắc qua triền núi của bên bờ sông đối diện như thể rúc với xuống hút nước lên trời… Người lớn cũng mừng, trẻ con thì reo lên vì mình đứng gần cầu vồng quá đỗi. Lần này đứng gần cầu vồng làm cho tôi nhớ ngày xưa khi còn bé lắm, mẹ tôi cho ra Đồ Sơn nghỉ mát, khi được đoàn thuyền đánh cá đưa ra rất xa, tôi cũng được nhìn thấy cầu vồng thả vòi xuông biển “hút nước lên trời”. Bà con không cho tôi chỉ tay lên cầu vồng vì sợ “chỉ sẽ bị cụt tay”. Do đó lần này thấy cầu vồng tôi lại nhắc các em “không được chỉ tay” như thể là mình đã có kinh nghiệm và hiểu biết lắm! Còn mẹ tôi bảo, trời mưa có cầu vồng là báo hiệu không mưa nữa. “Mẹ ơi! Rồi đây mình đi ngả nào?” Mẹ tôi chỉ cho tôi: ngả này là Sông Lô, mình đang trên sông Lô, thuyền ta sẽ ngược tiếp trên sông Gâm. Theo tay mẹ tôi chỉ là dẫy nhà bè đỗ dọc con ngòi. Sau này học địa lý tôi được biết sông Gâm và sông Lô gặp nhau ở núi Cao Quang, ki-lô-mét 8 bắc Tuyên Quang. Dãy núi đá vôi sừng sững giữa hai dòng. Kia là cửa ngòi Mục có lũng hẹp dẫn vào thác Đại.

Tôi bắt đầu để ý xem cuộc sống trên nhà nổi. Sau những ngày tù túng trong khoang thuyền mới thấy giá trị của nhà bè. Tha hồ chạy nhảy mà vẫn cứ trôi! Mẹ tôi giải thích cho tôi hiểu ở miền ngược, trời đang khô ráo tự nhiên mưa nguồn đổ về ầm ầm cho nên ở nhà bè rất an toàn, nước lên thì nhà cửa cũng cứ thế mà dâng lên theo. Mẹ tôi rất sợ mưa nguồn nước lũ về gây nguy hiểm chết người, sau này mỗi lần các con hay cháu Hiền đi bộ đội, đóng quân trên biên giới, mẹ tôi luôn dặn cặn kẽ việc đi lại trong mùa mưa. Nhưng tuổi trẻ chưa từng trải nên không thấm những lời người già nói. Chỉ khi mình gặp tai nạn mới nhớ đời! Cháu Hiền suýt bị chết đuối trên sông Kỳ Cùng khi cháu đang làm nghĩa vụ quân sự trên quê bà ngoại. Còn tôi cũng có bài học tương tự, trong lần thiết kế khảo sát tuyến đường dây thông tin phục vụ cơ quan sơ tán về Ba Vì. Đang lúc suối nguồn đổ về, chúng tôi gồng gánh đồ dùng bơi qua, tôi cũng trổ tài cùng mấy cậu thanh niên bơi qua suối. Nào ngờ nước dâng nhanh, con suối bỗng chốc mênh mông như con sông lớn. Thật là hú vía. Bấy giờ vừa thay quần áo vừa nghĩ tới lời mẹ tả về cơn lũ nguồn!

*

… Xa xa thấy một vùng đồi, nhấp nhô những mái nhà ngói đỏ, màu vôi trắng. Người lớn bảo:

- Chiêm Hóa đây rồi!

- Nhưng mình không rẽ vào đâu. Còn phải đi xa nữa.

Chiêm Hóa là một huyện lỵ của tỉnh Tuyên Quang thuộc căn cứ địa cách mạng trước 1945, là nơi Cứu quốc quân đã giương cao ngọn cờ đỏ sao vàng năm cánh từ trước tháng 8 năm 1945.

Đoàn thuyền tiếp tục theo Sông Gâm ngược nguồn. Còn các gia đình chúng tôi rời thuyền, người nào người nấy làm nhiệm vụ đã được phân công. Hồi đầu còn chưa có ba-lô, mỗi đứa trẻ 2 túi đeo hai bên đựng đầy quần áo và những đồ dùng. Mẹ tôi đã có sẵn cái địu để địu em Huy. Sống quen với dân tộc Tày ở Lạng Sơn, mẹ tôi hiểu việc đi rừng, người phụ nữ leo dốc, vượt đèo không thể bế con đi xa được. Theo đúng phong tục dân tộc, mẹ tôi đã may sẵn địu từ bao giờ tôi không được biết. Chỉ thấy mẹ tôi đã dịu em Huy sát lưng mẹ. Vào những năm 60-70, cuộc sơ tán bom Mỹ ở Hà Nội bắt đầu, mẹ tôi lại ngồi máy sẵn địu cho tôi chuẩn bị cõng con. Bà có nhắc đến thế hệ thứ ba phải chứng kiến bom đạn! Hơn ai hết, người mẹ Việt Nam mong muốn hoà bình biết bao!

Chúng tôi rảo bước đi trên đường rừng. Từ cửa rừng trời đang nắng gắt thế mà càng vào sâu trời càng âm u và ẩm ướt. Giữa trưa mà những tia nắng không chiếu nổi qua kẽ lá. Bỗng có tiếng người lớn ồn ào phía trước, trẻ con hai tay ôm hai túi dết hai bên chạy le te lên xem:

- Đâu đâu! Vắt đâu?

- Cho con xem với!

Mọi người ngó vào chân cô Di. Tôi chỉ còn thấy máu chảy. Thế là người lớn lấy bông nhét vào tai trẻ con. Có ai đó bảo:

- Vắt cắn lấy xà-phòng bôi vào là nó nhả ra ngay.

- Hạnh, Lan, hai chị em xắn quần chặt vào để nó không bò lên chân.

(…) Tôi chẳng thấy mệt, cũng không thấy mỏi (…) Mọi điều mới lạ còn đang ở phía trước! Chúng tôi hăm hở dắt tay nhau băng băng đi trước người lớn, theo sau ông Thiết. Thuyền nan đã chờ sẵn, chúng tôi nhanh chóng tản lên các thuyền con ngược theo dòng ngòi. Nước chảy xiết hơn ở trên sông. Có hòn cù lao nổi giữa dòng. Thuyền qua sát cù lao, làm làn cỏ lướt vào mặt, tôi vội kéo bứt được ngọn cỏ xanh. Mùi hương hoa cẩm chướng mát dịu làm tôi bỗng nhớ tới Hà Nội. Ở Hà Nội, mỗi khi ông ngoại có khách mời cơm, mẹ tôi thường mua hoa cẩm chướng về cắm hoa bát và tôi thường theo mẹ tung tăng thả mỗi chỗ ngồi một bông bên chiếc thìa, cạnh bát đũa đã bày sẵn trên đĩa. Lúc đó hương thơm mát dịu của cẩm chướng làm tôi nghĩ đến những nơi xa xăm mênh mông nào đó (có lẽ là những cảnh thiên nhiên ở Sầm Sơn, Đồ Sơn mà cha mẹ cho tôi ra nghỉ trong những dịp hè) với một cảm giác về không khí trong lành. Hôm nay không nhìn thấy bông cẩm chướng nào nhưng mùi cỏ có hương cẩm chướng lại làm tôi nhớ Hà Nội da diết! Nhớ phòng ăn rộng lớn tráng lệ, những bộ bàn ghế sắp đặt ngăn nắp và những khăn trải bàn thêu lịch sự…

Cảnh hùng vĩ của núi rừng Việt Bắc làm tan đi những ký ức, kéo tôi trở lại với thực tại (…)

Khi thuyền cập bến, ông Thiết nói với chú Di:

- Thưa cụ, đây là Ngòi Quãng, gia đình lên trên này, tất cả đã sẵn sàng đón tiếp.

Các gia đình gặp gỡ anh chị em, cô bác tản cư lên trước. Sinh viên đang ổn định để dựng trường lớp và bệnh viện. Chúng tôi ăn cơm, nghỉ ngơi ngay trên đồi của Trường Đại học Y khoa non trẻ của chính quyền non trẻ.


(Trích hồi ký
Tiếp bước chân cha của Nguyễn Kim Hạnh. NKH là con cả của cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên.)