Có thế chứ. Tuy giặc phải tiến chậm lại và chưa gây được thiệt hại lớn cho ta, nhưng quân ta còn chưa đánh được trận nào đáng kể thì tình hình còn tiếp tục nóng thêm. Thình lình, “gió” Đoan Hùng thổi lên mát rượi!

“Đặt pháo ngay sát bờ, ngắm bắn thẳng”. Nghe thì dễ. Nhưng phải nhớ rằng tàu giặc không phải là tấm bia trôi ngoài sông cho ta tập bắn. Mà là cả một pháo đài. Cái pháo đài to di động dưới nước ấy lại được hàng nửa tá pháo đài bay trên trời bay theo sẵn sàng yểm trợ. Trong khi bên ta chỉ có điển hình đúng một khẩu đại bác cũ kỹ, “chắp vá”, “Lục Tỉnh”, có khi “vừa bắn được một phát thì đổ gục”! Nó nhận chỉ vài phát, nhưng có thể “trả” hàng bao nhiêu pháo và bom. Thậm chí, có thể cho quân đổ bộ tìm đánh chỗ ta đặt pháo.

Đánh tàu mà thắng, đó là nhờ mưu trí (khéo chọn trận địa), dũng cảm (không sợ hỏa lực địch) và có tinh thần bất chấp khó khăn (dùng sức người đưa pháo đến, đưa pháo về).

Để biết chi tiết một trận phục kích tàu địch, xin đọc “Bên bờ sông Lô” của Nguyễn Đình Thi.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Trận thắng mở đầu”




Ngày 17, tôi cùng bộ phận chỉ huy nhẹ rời Yên Thông sau khi đã điện lệnh cho trung đoàn 74 (Cao Bằng) và trung đoàn 11 (Lạng Sơn) phải tổ chức phục kích địch trên đường số 4, đồng thời chỉ thị cho Khu X chuyển gấp pháo lên thượng nguồn sông Lô, nơi có địa hình kín đáo thuận lợi cho việc phục kích tàu địch. Anh Hoàng Văn Thái, anh Trần Tử Bình và anh Lê Thiết Hùng cũng lên đường đi mặt trận đường số 3 và mặt trận sông Lô.


Đường tiến công của địch (theo Bảo tàng Lịch sử Việt Nam)


Chúng tôi đi xuôi xuống Bờ Đậu, rẽ qua xã Trung Lương về Đồn Đu (…) Các bản làng đều vắng vẻ. Đồng bào ở đây đã thực hiện vườn không nhà trống, triệt để sơ tán vào rừng, mang theo cả thóc lúa, trâu bò, gia súc. Không nghe thấy tiếng gà gáy, chó sủa. Nơi nào cũng có khẩu hiệu: “Đập tan cuộc tiến công mùa đông của giặc Pháp”. Chỉ còn du kích, dân quân ở lại canh gác làng bản. Nhớ lại những ngày chạy địch lùng càn ở chiến khu trước Cách mạng tháng Tám thì ngày nay, kẻ địch mạnh hơn nhiều lần. Có tin trong các binh đoàn của Pháp, có cả những đội quân được huấn luyện đặc biệt để đánh rừng. Nhưng phía ta lần này, chúng tôi tới đâu cũng được ủy ban kháng chiến báo cáo tình hình địch, cử giao thông dẫn đường. Đồng chí giao thông huyện Phú Lương đưa chúng tôi đi tiếp về phía La Hiên.

Ngày 20 tới địa phận huyện Vũ Nhai. Buổi chiều, chúng tôi đi hết cánh đồng Tràng Xá rồi rẽ vào một bản nhỏ của đồng bào Dao đã được chọn để đặt Bộ chỉ huy nhẹ. Trước nhà là một bãi cỏ dẫn tới một khu rừng có suối trong, chung quanh nhiều núi đá. Gia đình nhà chủ không biết chúng tôi là ai. Đã lâu mới có cán bộ tới, bác chủ nhà đề nghị làm lễ kết nghĩa. Lại nhớ tới những ngày trước Tổng khởi nghĩa cùng đồng bào chích máu gà uống rượu ăn thề suốt đời hoạt động và hy sinh cho cách mạng.

Sang tuần thứ hai, tính từ khi quân Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn, những hoạt động chiến đấu của ta đã tăng lên đáng kể.

Ngày 15, hai tiểu đoàn chủ lực của Bộ có một khẩu pháo phối hợp tiến công vào 200 quân địch đóng tại Chợ Mới. Ngày 21, trên mặt trận đường số 3, một tiểu đoàn của trung đoàn Thủ Đô tiến công một đại đội địch đóng tại Chợ Đồn. Ở cả hai nơi, bộ đội ta chỉ tiêu hao quân địch, không thực hiện được nhiệm vụ tiêu diệt. Nhưng hai trận đánh này cùng với mười bảy trận phục kích nhỏ trên đường Phủ Thông – Bắc Kạn, Chợ Mới – Bắc Kạn đã làm cho quân địch thấy bắt đầu gặp sự chống trả mạnh, không dám sục ra ngoài thị xã và những vị trí đóng quân. Máy bay phải thả dù tiếp tế xuống Bắc Kạn.

Ở phía tây, một tiểu đoàn chủ lực của trung đoàn Hà Tuyên do đồng chí Lê Thùy chỉ huy tích cực bám sát gọng kìm Com-muy-nan, liên tiếp tập kích quân Pháp, khiến chúng phải tiến dè dặt, ngày 20 mới tới Đầm Hồng và phải dừng lại chờ có thêm lực lượng. Ngày 22, tự vệ thị xã Tuyên Quang dùng địa lôi do ta chế tạo đánh một trận ở ki-lô-mét số 7 trên đường số 2, diệt và làm bị thương khá nhiều quân địch. Một tiểu đoàn địch đang tiến lên phía Chiêm Hóa buộc phải quay trở lại.

Cuộc hành binh của quân Pháp đã bị chậm nhiều so với kế hoạch.

Hàng ngày, tôi vẫn báo cáo kịp thời những diễn biến chiến sự với Bác và anh Trường Chinh. Đề phòng quân địch nhảy dù bất ngờ, Bác đã từ Điềm Mạc lên Khuổi Tát.

Ngày 22, có tin quân của Bô-phrê đã có mặt ở Đài Thị và quân của Com-muy-nan cũng sắp tới đây. Như vậy kế hoạch Lê-a sắp kết thúc, và kế hoạch Clốc-lo có thể sẽ bắt đầu với cuộc vây ép khu tứ giác Tuyên Quang - Đài Thị - Bắc Kạn - Thái Nguyên, mà điểm trung tâm là Chợ Chu. Tôi viết thư hỏa tốc đề nghị Bác và anh Trường Chinh di chuyển ngay theo kế hoạch đã bàn. Đúng lúc Bác đang mệt. Anh Trường Chinh rất phân vân. Nhưng Bác nói cứ làm theo kế hoạch. Đường lên làng Cóc rậm rạp, Bác phải bỏ ngựa, ở nhiều đoạn phải rẽ lau vạch cỏ mà đi. Bản Cóc là một cơ sở cách mạng lâu ngày của ta ở vùng cao, có nhiều đồng chí người Dao trung kiên. Được tin Bác đã lên tới nơi, tôi rất yên tâm.

Tôi quyết định đi gấp lên mặt trận đường số 4.

*

Con đường từ Đình Cả lên Bình Gia nằm giữa hai triền núi đá. Những ngọn núi đá nối tiếp nhau, xanh xanh nhấp nhô. Bản làng rải rác ở chân núi với những ngôi nhà sàn bốn mái. Cảnh đẹp và thanh bình đôi lúc làm quên đi tình hình gay gắt của chiến tranh.

Suốt dọc đường, mỗi lần nghỉ chân, cán bộ tác chiến lại dùng điện thoại liên lạc với các mặt trận để nắm tin tức.

Chiều ngày 25, qua Bắc Sơn, trong lúc chúng tôi đang nghỉ chân thì đồng chí cán bộ tác chiến chạy tới:

- Báo cáo anh, có tin chiến thắng lớn trên mặt trận sông Lô!

Từ ngày địch đánh lên Tuyên Quang, tôi luôn trông chờ tin chiến thắng từ phía sông Lô. Địa hình hiểm trở của con sông rất thuận lợi cho những trận phục kích bằng pháo binh. Chúng ta đã có kế hoạch chuẩn bị từ trước. Nhưng cho tới nay, pháo ta sau nhiều lần khai hỏa vẫn chưa gây cho địch những tổn thất đáng kể. Anh em báo cáo là tàu địch cơ động nên khó bắn trúng. Mà trước tiên, pháo của ta toàn là đồ chắp vá, không bảo đảm kỹ thuật. Tại Bình Ca, khẩu pháo vừa bắn được một phát thì đổ gục: bánh pháo do ta tự chế không chịu nổi sức giật nên bị gãy. Có khẩu pháo được ghép từ những bộ phận ta thu được ở sáu tỉnh, được đặt tên là khẩu Lục Tỉnh. Có khẩu riêng nòng pháo đã phải ghép nối từ hai chiếc nòng khác nhau, anh em thường gọi là pháo nối nòng.

Đồng chí cán bộ tác chiến cho biết, trưa nay pháo binh ta đã bắn chìm hai tàu chiến địch tại Đoan Hùng và bắn gây thiệt hại nặng cho hai chiếc khác.

- Báo cáo rõ hơn! – Tôi nói.

- Mười hai giờ trưa nay, một đoàn tàu địch năm chiếc từ Tuyên Quang xuống lọt vào trận địa phục kích của trung đội Xuân Canh (tức trung đội trước ở pháo đài Xuân Canh ngoại thành Hà Nội) và trung đội Lục Tỉnh, anh em đã bắn chìm tại chỗ hai chiếc, toàn bộ quân địch chết đuối, bắn hỏng nặng hai chiếc nữa, còn một chiếc quay đầu chạy trở lại Tuyên Quang.

- Đánh bằng cách nào?

- Báo cáo anh, những lần trước, anh em sợ địch lao lên bờ đánh hỏng pháo nên đặt pháo ở xa bắn cầu vồng, đạn chỉ rơi gần mục tiêu. Trận này anh em có bộ binh bảo vệ, đặt pháo ngay sát bờ, ngắm bắn thẳng vào tàu địch, nên trúng.

Sau trận này, tuyến đường thủy sông Lô của địch bị cắt mười ngày. Địch phải thả dù tiếp tế cho Tuyên Quang và Chiêm Hóa. Báo chí và đài phát thanh của Pháp gọi đây là “thảm họa Đoan Hùng”.

Tin chiến thắng Đoan Hùng như một luồng gió mát thổi lan khắp Việt Bắc. Bộ Tổng chỉ huy lập tức gửi điện cho Khu X biểu dương chiến công của pháo binh trên mặt trận sông Lô và nhắc cố gắng tiếp tục sáng tạo những cách đánh mới, tiêu diệt nhiều tàu chiến và tàu vận tải của địch trên sông Lô, sông Gâm, góp phần vào nỗ lực bẻ gãy gọng kìm phía tây. Chiến thắng Đoan Hùng mở đầu cho những chiến thắng oanh liệt của bộ đội chủ lực ta trong chiến dịch Việt Bắc.


(Trích hồi ký
Chiến đấu trong vòng vây in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 467-471. Nhan đề phần trích tạm đặt.)