Còn lâu lắm quân ta mới bắt đầu có pháo cao xạ. Khẩu súng đã nhả đạn bắn rơi chiếc Junker-52 ấy bất quá một khẩu trung liên. Coi như anh linh Hùm Thiêng Yên Thế đã “dẫn” đạn tới chính xác một chỗ hiểm nào đó trên máy bay địch, có thể là đầu tên giặc lái! Máy bay lao xuống đất thường cháy, nhưng lần này không được cháy, phải nằm đó đợi ta tới thu bản kế hoạch tiến công! Chiến sĩ Nguyễn Danh Lộc đã làm một cuộc chạy bộ xuyên rừng đích đáng quá chừng!

Nó muốn đánh thật lớn để tiêu diệt kháng chiến thật nhanh. Nhưng kháng chiến không tập trung quân chủ lực còn rất yếu của mình để đánh lớn với nó. Mà khôn ngoan làm ngược hẳn lại: thay vì lập đại đoàn, ta lập đại đội! Và tổ chức dân quân. Ta bắt nó phải chia nhỏ quân nó ra để đánh nhỏ với mình. Và ta rình đánh những cánh quân nhỏ đang di chuyển của nó bằng quân lớn nhất của mình là “tiểu đoàn tập trung”…

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Tấm bản đồ Đề Thám”



Ngày 8 tháng 10 (năm 1947), quân Pháp chiếm Chợ Đồn.

Ngày 9 tháng 10, một tiểu đoàn quân dù nhảy xuống thị xã Cao Bằng.

Ngày 10 tháng 10, 35 tàu chiến địch từ Hà Nội theo sông Hồng tiến lên Sơn Tây.

Cùng ngày, trên đường số 4, quân Pháp tiến tới Thất Khê.

Bộ Tổng chỉ huy điện gấp cho Khu X tích cực đánh địch trên sông, đồng thời điều một tiểu đoàn chủ lực của Bộ, tiểu đoàn 18, tiến nhanh về phía Bình Ca, kiên quyết bảo vệ cửa ngõ phía tây của Việt Bắc, cũng là của an toàn khu. Tôi gửi cho tiểu đoàn trưởng Vũ Phương và chính trị viên tiểu đoàn Hồng Cư một mệnh lệnh viết tay: “Tiểu đoàn 18 sống chết với con đường Bình Ca – Thái Nguyên”.

Ngày 11, Hội đồng Chính phủ do Bác chủ tọa họp giữa tiếng máy bay địch gầm rú bắn phá. Tôi báo cáo tình hình chiến sự. Toàn thể thành viên chính phủ biểu thị quyết tâm kháng chiến và niềm tin vào thắng lợi.

Ngày 12, bộ binh Pháp hành quân tiến đến thị xã Cao Bằng. Tàu chiến, ca-nô địch cũng lên tới thị xã Tuyên Quang.

Các đài phát thanh phương Tây vẫn chưa hề đả động đến cuộc tiến công.

Trong tuần đầu, bộ đội thiên về đánh tập trung, vận động từ xa tới, chuẩn bị vội vã, đánh địch không đạt nhiều hiệu quả. Pháo binh mấy lần bỏ lỡ cơ hội tiêu diệt tàu địch trên sông Lô. Ở Phan Dư, pháo để xa, báo động chậm, cơ động tới gần bờ sông thì tàu địch đã đi qua. Ở Ngọc Chúc, pháo mới bắn được hai phát thì gục nòng. Riêng ở Bình Ca, ngày 12, pháo ta bắn chìm một tàu LCVP. Đây là chiến công đầu tiên trên sông Lô. Cùng ngày, tiểu đoàn 18 đánh bại cuộc tiến công đổ bộ của địch tại bến Bình Ca.

Ở thị xã Cao Bằng, ta đã kịp thời di chuyển cơ quan, tài sản ra ngoài; nhưng khi địch nhảy dù, trung đoàn 74 đang phân tán làm nhiệm vụ phá hoại nhà cửa, không có bộ phận trực chiến nên chỉ đánh nhỏ tiêu hao địch. Đặc biệt, bộ đội Cao Bằng bắn rơi được một máy bay.

Dân quân du kích đã có một số hoạt động đánh địch nhảy dù và phục kích những toán địch nống ra như ở Thanh Mai (Bắc Kạn), Đề Thám (Cao Bằng). Những “tổ chim sẻ” đã mang cái chết bất ngờ cho quân địch. Tuy nhiên, phong trào du kích còn chưa phát triển mạnh.

Cường độ phát triển từng ngày của cuộc tiến công chứng tỏ tính chiến lược và quy mô rộng lớn chưa từng có của nó. Địch đang đi tìm một trận đánh quyết định ở ngay tại căn cứ địa của ta.

Lực lượng bộ đội ở khu căn cứ lúc này không quá ít. Nhưng trừ trung đoàn Thủ Đô và trung đoàn Lạng Sơn đã được thử thách ít nhiều, tất cả những đơn vị khác đều chưa qua chiến đấu. Trình độ trang bị, tổ chức của ta chưa cho phép tiến hành những trận đánh lớn để ngăn chặn quân địch, hoặc tiêu diệt quân địch tại những thị xã chúng vừa chiếm đóng. Những trận tập kích đầu tiên của bộ đội ta vào những vị trí đóng quân của địch tới lúc đó đều chưa đạt được kết quả đáng kể. Mấy ngày qua, các khu, các tỉnh đều báo cáo về, ở những nơi có bộ đội, nhân dân rất bình tĩnh chuẩn bị chiến đấu, ở những nơi nào chỉ có du kích, mặc dù anh em hăng hái, nhưng đồng bào tỏ ra lo lắng.

Tôi đã nhận thấy cách đối phó thích hợp nhất với cuộc tiến công chiến lược của địch là thực hiện ngay công thức “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”. Việc này cần làm ở tất cả các khu, trước hết là ngay tại Việt Bắc. Cần đưa gấp những đại đội độc lập về các địa phương để làm nòng cốt phát động chiến tranh du kích khắp nơi. Các tiểu đoàn chủ lực thì lưu động tác chiến trên chiến trường từng địa phương, trước mắt là tập trung vào những đường giao thông huyết mạch.

Tôi trao đổi những điều trên với anh Thái và giao nhiệm vụ cho Bộ Tổng tham mưu dự thảo gấp một bản huấn lệnh về “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”.

Tối 13, cán bộ phòng 2 mang tới cho tôi một tài liệu vô giá trong lúc này: bản kế hoạch tiến công Việt Bắc của Pháp kèm theo bản đồ.

Sáng ngày 9 tháng 10, khi quân Pháp nhảy dù xuống Cao Bằng, đại đội trợ chiến của trung đoàn 74, bố trí trên đồi thiên văn, đã bắn rơi một máy bay Junker-52. Xác máy bay rơi xuống xã Đề Thám. Máy bay này chở một số sĩ quan tham mưu của bộ chỉ huy chiến dịch Việt Bắc đi thị sát chiến trường. Những người đi trên máy bay đều chết, trong đó có thiếu tá Lăm-be, đặc phái viên của Bộ chỉ huy quân đội viễn chinh ở miền bắc Đông Dương. Trong số những tài liệu thu được từ máy bay có bản kế hoạch tiến công Việt Bắc. Một chiến sĩ liên lạc, đồng chí Nguyễn Danh Lộc, đã chạy bộ xuyên rừng suốt bốn ngày đêm đưa tài liệu này về Bộ Tổng tham mưu.

Anh Hoàng Văn Thái gọi điện thoại báo cáo vắn tắt những nhận xét của cơ quan tham mưu sau khi nghiên cứu bản kế hoạch. Tôi bảo anh Thái chuẩn bị cuộc họp của các cơ quan tham mưu, chính trị vào sáng hôm sau và nhắc anh Văn Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Chính trị, tặng thưởng huân chương cho đại đội trợ chiến trung đoàn 74 đã bắn hạ máy bay địch, thu được bản kế hoạch quan trọng, và khen thưởng đồng chí Nguyễn Danh Lộc.

Tôi cho thắp thêm một ngọn đèn dầu thứ hai trên bàn làm việc.

Tài liệu gồm một bản kế hoạch tiến công và một bản đồ Việt Bắc.

Kế hoạch tiến công Việt Bắc gồm hai cuộc hành binh lớn mang mật danh Lê-a và Clô-clo.

Cuộc hành binh bước một lấy tên là Lê-a hình thành hai gọng kìm bao vây toàn bộ căn cứ địa Việt Bắc, bao gồm năm tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Binh đoàn B xuất phát ở hướng đông, từ Lạng Sơn tiến lên Cao Bằng, rồi vòng xuống hợp vây với cánh quân hướng tây, bắt liên lạc với cánh quân Bắc Kạn. Binh đoàn C ở hướng tây, xuất phát từ Hà Nội theo sông Hồng, đến Việt Trì, theo sông Lô lên Tuyên Quang, rồi theo sông Gâm tiến lên gặp binh đoàn B. Sau này chúng tôi biết, binh đoàn B do Bô-phrê chỉ huy; binh đoàn C do Com-muy-nan chỉ huy; hợp điểm của hai gọng kìm này sẽ là Đài Thị. Tiếp đó sẽ là cuộc hành binh bước hai lấy tên là Clô-clo, quân địch sẽ tập trung càn quét khu tam giác Bắc Kạn – Chợ Chu – Chợ Mới và phía tây đường số 3.

Theo tính toán của cơ quan tham mưu ta, gọng kìm phía tây dài 270 ki-lô-mét, gọng kìm phía đông dài tới 420 ki-lô-mét. Bộ chỉ huy Pháp dự kiến hai cánh quân sẽ gặp nhau vào ngày 13 ở Đài Thị.

Hôm ấy đã là ngày 13! Cả hai cánh quân Pháp đều còn ở khá xa Đài Thị. Cánh phía đông chỉ mới đến gần hồ Ba Bể, còn phải qua Bản Thi rồi mới tới Đài Thị. Còn cánh quân phía tây mới đến Tuyên Quang, cách Đài Thị xa.

Như vậy, kế hoạch Lê-a của địch đã không được thực hiện đúng thời gian. Kế hoạch Clô-clo do đó, sẽ phải chậm lại. Khoảng thời gian này là vô cùng quý giá đối với ta (…)

*

Sáng 14, anh Trường Chinh tới văn phòng Bộ Tổng chỉ huy (…)

Chúng tôi nhận định (…) Địch đã tạo được sự bất ngờ, gây cho ta những thiệt hại về vật chất ở Bắc Kạn, Cao Bằng, Chợ Đồn, Tuyên Quang (…) Chiến tranh du kích tại các địa phương chưa mạnh. Bộ đội chưa đánh được trận nào đáng kể. Việc phá hoại đường sá và các thị xã, thị trấn ở trong khu căn cứ chưa triệt để. Ở một số nơi nhân dân có phần hoang mang.

Tuy nhiên (…) Địch đã thất bại ngay từ đầu trong âm mưu chủ yếu là muốn chụp bắt cơ quan lãnh đạo của kháng chiến. Cuộc tiến công của địch không diễn ra cùng một lúc, nên trừ thị xã Bắc Kạn bị bất ngờ, ở những nơi khác ta đều đã có đề phòng. Lực lượng của địch bị rải ra trên một địa bàn quá rộng, lại là rừng núi, tiếp tế khó khăn, các phương tiện kỹ thuật khó phát huy được hết sức mạnh, sẽ bộc lộ nhiều sơ hở. Hai gọng kìm tiến công của địch quá dài, không thể thực hiện được nhiệm vụ bao vây căn cứ địa. Chủ trương hợp vây của địch so với kế hoạch đã bị chậm lại nhiều. Nếu ta phá hoại đường sá triệt để thì việc di chuyển của cơ giới sẽ gặp nhiều khó khăn. Những mũi tiến công của địch dọc theo trục đường, trục sông rất dễ bẻ gãy. Điều cần đề phòng là kế hoạch Clô-clo, vì những mũi dùi lùng sục địch dự định đều nằm trong khu căn cứ của ta.

Tôi đề nghị:

- Phân tán hai phần ba bộ đội chủ lực, đưa các đại đội về địa phương cùng dân quân phát động chiến tranh du kích rộng rãi, bao vây và tiêu hao địch ở những nơi chúng mới đặt chân tới. Tiếp tục động viên và giúp đỡ nhân dân gặt hết lúa mới chín, phân tán kho tàng, triệt để làm vườn không nhà trống, phá hoại các đường giao thông quan trọng.

- Bố trí quân chủ lực ở những vị trí hiểm yếu, trước hết là dọc đường số 4, dọc đường số 2 ven sông Lô và đường số 3, sẵn sàng tập kích, từng bước làm tê liệt và bẻ gãy hai gọng kìm chủ yếu của địch.

- Cơ quan chỉ huy chia thành hai bộ phận: bộ phận nặng ở lại căn cứ đi sâu vào phía núi, bộ phận nhẹ chuyển ra ngoài khu vực bị uy hiếp, vừa chỉ đạo các chiến trường toàn quốc, vừa chỉ đạo ba mặt trận ở Việt Bắc. Tôi phụ trách bộ phận chỉ huy nhẹ và sẽ đi mặt trận đường số 4; anh Thái đi mặt trận đường số 3; anh Trần Tử Bình và anh Lê Thiết Hùng đi mặt trận sông Lô; anh Văn Tiến Dũng phụ trách bộ phận nặng ở lại căn cứ.

Bác và Thường vụ Trung ương sẽ ở lại an toàn khu vì nhân dân tại đây đã có truyền thống và kinh nghiệm bảo vệ cán bộ từ thời hoạt động bí mật. Trước mắt, chuyển lên vùng cao và khi cần thiết sẽ chuyển tới nơi an toàn hơn, về phía Bản Cóc.

Anh Trường Chinh nhất trí với những đề nghị của Bộ Tổng chỉ huy (…)

Cuộc họp Thường vụ Trung ương chiều 14 có Bác cùng dự (…) Hội nghị nhận định: Cuộc tiến công lần này của Pháp không chứng tỏ địch mạnh, mà vì yếu nên phải mạo hiểm. Địch sẽ gặp nhiều khó khăn to lớn, nếu ta biết lợi dụng khai thác những chỗ yếu của địch thì nhất định cuộc tiến công sẽ thất bại. Thường vụ nhất trí thực hiện ngay công thức “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, tổ chức ba mặt trận, cơ quan lãnh đạo (chính trị) sẽ ở lại khu căn cứ (…)

Bác kết thúc cuộc họp:

- Tình hình cực kỳ rối ren về chính trị ở Pháp và phong trào đấu tranh ở các nước thuộc địa đã dẫn Pháp đến chỗ muốn sớm kết thúc chiến tranh Đông Dương. Chúng chỉ tiến công ồ ạt lúc đầu. Nếu ta thực hiện được đánh địch khắp nơi, buộc chúng dàn mỏng lực lượng đối phó, chúng sẽ thất bại. Giữ gìn được chủ lực qua mùa đông này là coi như thắng lợi. Nếu chuyến này chúng không thắng nhanh để kết thúc chiến tranh thì cục diện sẽ đổi mới có lợi cho ta.

Ngày hôm sau, 15 tháng 10 (năm 1947), theo tinh thần buổi họp, Thường vụ Trung ương ra bản chỉ thị Phải phá cuộc tiến công mùa đông của giặc Pháp cho quân và dân cả nước.

Cùng ngày, Bộ Tổng chỉ huy ra Huấn lệnh ĐB/101, nêu những nguyên tắc mới về tổ chức bộ đội và bố trí lực lượng, về nhiệm vụ của các đại đội độc lập và tiểu đoàn tập trung: “Cuộc tiến công Việt Bắc lần này, địch hành binh táo bạo bằng quân nhảy dù chiếm đóng ngay hậu phương ta làm tình hình chiến sự thay đổi. Về chiến lược hiện nay không có phân biệt hậu phương và tiền phương… Vì nhu cầu phát động du kích chiến tranh rộng rãi nên kế hoạch bố trí và tác chiến cần phải thích hợp với tình thế… Thực hiện ngay việc lấy đại đội làm đơn vị bố trí trên các chiến trường địa phương… Bộ đội chủ lực tập trung thành từng tiểu đoàn thì luôn cơ động ở gần mặt trận hoặc đường giao thông quan trọng, mỗi tiểu đoàn phụ trách một khu vực… Nhiệm vụ của các đại đội độc lập là: quấy rối tiêu diệt từng bộ phận nhỏ của địch, đôn đốc phá hoại trong địa phương, giúp đỡ vũ trang tuyên truyền và phối hợp tác chiến với dân quân trong địa phương mình khi địch đến, phối hợp với bộ đội lưu động đánh những trận lớn. Nhiệm vụ của các tiểu đoàn tập trung là: phối hợp với các đại đội độc lập và du kích địa phương tiêu diệt địch ở những vị trí lẻ hay khi địch đang vận chuyển trên đường giao thông”.


(Trích hồi ký
Chiến đấu trong vòng vây in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 462-467. Nhan đề phần trích tạm đặt.)