Giặc táo bạo ngoài dự kiến. Nó đã nhảy xuống rất đúng chỗ và đúng lúc, mà không biết. Tưởng tượng Tổng bí thư hay Tổng tham mưu trưởng (hay cả hai!) bị địch bắt!

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Bất ngờ! Hú vía!”



Cuối mùa hè (năm 1947), cơ quan Bộ Tổng chỉ huy dời về Yên Thông, không xa Điềm Mạc nơi Bác ở.

Hồi này, chúng tôi vẫn còn ở chung với đồng bào. Vùng này ruộng ít, dân nghèo. Những ngôi nhà nằm rải rác trên những vạt đất bằng, phía sau là đồi cọ hoặc rừng vầu, phía trước là những mảnh ruộng nhỏ. Xa xa, dãy núi Hồng chạy dài tới Phú Minh. Để giữ bí mật, cơ quan thường di chuyển. Có khi tôi phải làm việc trong một căn buồng chứa nông cụ của đồng bào.

Vào cuối thu, chuẩn bị đối phó với cuộc tiến công lớn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, tư tưởng có phần căng thẳng (…)

Ngày 6 tháng Mười, theo chương trình đã định, tôi tranh thủ đi Tuyên Quang và Chiêm Hóa. Tại Chiêm Hóa có trường đại học với những nhà trí thức kháng chiến tiêu biểu và một số xưởng máy, kho tàng quan trọng của ta. Đây cũng là một điểm xung yếu của Việt Bắc. Tôi đã nhiều lần hẹn anh Nguyễn Văn Huyên, anh Tôn Thất Tùng… lên thăm Chiêm Hóa, biết là các anh đang mong khi sắp bước vào mùa khô.

Đường lên Chiêm Hóa chưa phá hoại. Xe đưa chúng tôi từ Yên Thông qua Phú Minh sang Tuyên Quang rồi ngược đường số 2. Con đường trước đây vắng vẻ, nay từng quãng lại có một quán hàng, một dãy phố kháng chiến. Cư dân mới của những ngôi nhà tre nứa ẩn dưới lùm cây, hầu hết là gia đình cán bộ từ xuôi lên. Mỗi ngôi nhà đơn sơ này vừa là trạm liên lạc đối với những cán bộ từ xa về bỡ ngỡ, vừa là trạm kiểm soát với những kẻ lạ mặt tới dò la. Mạng lưới bảo vệ lỏng lẻo này thực ra rất hữu hiệu.

Tới Chiêm Hóa, vừa bàn với các anh về việc sơ tán cơ quan, kho tàng khi có chiến sự và tổ chức những trạm quân y để phục vụ mặt trận thì có điện khẩn: quân Pháp vừa nhảy dù xuống thị xã Bắc Kạn. Cuộc tiến công mùa khô của địch đã bắt đầu từ một thị xã nằm sâu giữa lòng Việt Bắc! Mọi người tỏ vẻ lo lắng. Trước khi mượn được mấy con ngựa để trở về gấp, tôi nói với anh Huyên và anh Tùng: “Theo kinh nghiệm của ông cha ta, khi giặc tới ào ào như nước, như lửa, thì không đáng sợ!”.

Đầu tháng Mười, Bộ Tổng chỉ huy đã trao nhiệm vụ tác chiến cho các khu ở Bắc bộ trong trường hợp địch đánh lên Việt Bắc. Trong mệnh lệnh, dự kiến hướng chính của cuộc tiến công sẽ là Thái Nguyên qua Phúc Yên, và Tuyên Quang qua Vĩnh Yên, Phú Thọ; hướng kiềm chế phối hợp sẽ là Bắc Giang, Lạng Sơn ở phía đông và Hòa Bình, Sơn La ở phía tây. Nhiệm vụ được phân công cho bộ đội chủ lực của Bộ và của Khu I, Khu X là đánh địch ở hướng chính. Còn các khu khác thì có nhiệm vụ đánh địch trên các hướng kiềm chế, đồng thời đẩy mạnh hoạt động để phối hợp khắp chiến trường, nhất là trên đường số 5.

Những đơn vị của Bộ và các khu đang lên đường chuẩn bị làm nhiệm vụ.

Cuộc tiến công của địch bắt đầu từ Bắc Kạn là ngoài dự kiến của ta. Một số cơ quan tập trung ở thị xã và vùng ven: ty ngân khố, cơ sở in giấy bạc, trường võ bị Trần Quốc Tuấn, bộ phận dự bị Đài Tiếng Nói Việt Nam và một số nhà máy, kho tàng. Điều khiến tôi đặc biệt lo lắng là anh Trường Chinh vừa lên đây công tác và anh Hoàng Văn Thái cũng đang có mặt ở thị xã. Những con đường nối liền với Bắc Kạn đều chưa phá hoại.

Trên đường về, tôi gặp tỉnh ủy và ủy ban tỉnh Tuyên Quang nhắc hoàn thành gấp việc phá hoại thị xã, đường sá, kiểm tra kế hoạch tác chiến dọc sông Lô và đường bộ lên Tuyên Quang. Tôi tạt vào Thanh La chỉ thị cho anh Phan Mỹ và anh Trần Duy Hưng bàn với các anh trong Chính phủ thực hiện quân sự hóa cơ quan và chuẩn bị phân tán di chuyển.

Sáng ngày 8, tôi về tới sở chỉ huy. Không khí cơ quan khẩn trương. Những tài liệu quan trọng đang được bỏ vào hòm sắt.

Đồng chí trưởng phòng tác chiến báo cáo: 8 giờ 15 phút và 10 giờ sáng ngày 7 tháng 10, quân Pháp đã nhảy dù hai đợt xuống thị xã Bắc Kạn, trinh sát đếm được khoảng 800 dù. 14 giờ 30, khoảng 200 quân Pháp nhảy dù xuống Chợ Mới, chỉ cách an toàn khu hai chục ki-lô-mét đường chim bay. Tham mưu đã thông báo tin tức cụ thể về địch cho tất cả các quân khu, các tỉnh, các đơn vị chủ lực và chỉ thị báo ngay về Bộ những diễn biến mới của tình hình. Trong buổi hội ý, đồng chí Trần Hiệu, phụ trách công tác tình báo cũng có mặt nhưng không cung cấp được thêm tin tức gì vể địch. Công tác này đối với ta còn quá mới mẻ. Đài phát thanh của các nước phương Tây cũng chưa hề đưa tin tức gì về cuộc tiến công của Pháp.

Thường vụ đã có điện cho tỉnh ủy Bắc Kạn phải lãnh đạo các lực lượng vũ trang tích cực đánh địch, bảo vệ cơ quan, sơ tán kho tàng, lãnh đạo nhân dân làm vườn không nhà trống, và đã điện cho các địa phương trên cả nước báo tin địch đang tiến công Việt Bắc, các khu ủy và quân khu ủy phải lãnh đạo bộ đội đánh mạnh để chia sẻ lực lượng địch, phá kế hoạch tiến công của chúng (…)

Tôi chỉ thị cơ quan tham mưu cử ngay người lên Bắc Kạn tìm anh Trường Chinh và anh Hoàng Văn Thái, tập trung mọi khả năng, phương tiện theo dõi địch, phát hiện kịp thời ý đồ và kế hoạch cuộc tiến công; ra lệnh cho trung đoàn 72 đang ở Bắc Kạn cùng với một tiểu đoàn chủ lực của Bộ làm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan, phát động chiến tranh du kích, đánh địch khi chúng lấn ra và vận động trên các đường Bắc Kạn – Chợ Mới, Bắc Kạn – Phủ Thông.

Tôi thông qua dự thảo Quân lệnh tiêu diệt địch để bảo vệ Việt Bắc và Nhật lệnh của Bộ Tổng chỉ huy kêu gọi quân và dân cả nước chiến đấu phá tan kế hoạch tiến công mùa Đông của giặc Pháp. Sau đó, tôi đi gấp sang Điềm Mạc.

Bác và Thường vụ đang rất lo lắng vì chưa có tin về anh Trường Chinh và một số cán bộ bị kẹt ở thị xã.

Tôi báo cáo về tình hình trong ngày và một số việc đã làm của Bộ Tổng chỉ huy. Với tin mới về cánh quân lớn của địch xuất hiện trên đường số 4 trưa nay, dự đoán địch sẽ đánh chiếm Cao Bằng rồi bắt liên lạc với quân dù ở Bắc Kạn. Cao Bằng đã có chuẩn bị, sẽ không rơi vào tình thế bị động như ở Bắc Kạn. Căn cứ địa Việt Bắc đang ở thế bị uy hiếp từ hai phía đông và tây. Hướng tây, địch sẽ chiếm Lào Cai và Hà Giang để phong tỏa biên giới phía bắc nước ta. Có thể sẽ có một cánh quân tiến theo đường số 2 và sông Lô lên Tuyên Quang, bộ đội Khu X đã bố trí đánh địch ở hướng này.

Bác hỏi: Địch có thể huy động bao nhiêu quân vào cuộc tiến công?

Tôi đáp: Theo tin tức gần đây, Van-luy được tăng viện hai vạn quân.

Bác nói: Nước Pháp không đủ sức để theo đuổi một cuộc chiến tranh lâu dài. Chúng phải cố gắng đánh một đòn quân sự quyết định tạo điều kiện cho Bô-la-e đưa Bảo Đại về để tìm cách kết thúc chiến tranh. Dù Van-luy có huy động được cả hai vạn quân vào cuộc tiến công này thì với địa bàn rừng núi hiểm trở của Việt Bắc, với tinh thần cách mạng của đồng bào các dân tộc ở căn cứ địa, cũng không có gì đáng ngại…

Chiều mồng 9, anh Thái từ Bắc Kạn trở về. Địch nhảy dù trong lúc anh đang nói chuyện với bộ đội và học sinh trường võ bị trên sân vận động thị xã. Lực lượng bộ đội ở đây chỉ có một tiểu đoàn tân binh. Lần đầu gặp quân dù, mặc dù còn bỡ ngỡ, lúng túng, bộ đội đã chiến đấu bảo vệ cho các cơ quan và nhân dân rút ra ngoài. Trên đường về, anh Thái đã ghé vào những cơ sở sản xuất của quân giới, quân y và cơ sở dự bị của Đài Tiếng Nói Việt Nam chỉ đạo việc di chuyển gấp. Khi về tới cơ quan Bộ, anh mới biết anh Trường Chinh cũng có mặt tại Bắc Kạn.

Chúng tôi trao đổi dự kiến về những diễn biến sắp tới. Sau khi nối liền Cao Bằng với Bắc Kạn, địch sẽ từ đó đánh lan rộng, có thể đánh xuống hướng nam, nơi có an toàn khu. Tôi chỉ thị điều động gấp những lực lượng của Bộ ở trung du về để chuyển lên hướng bắc, lệnh cho trường Võ bị Trần Quốc Tuấn bế giảng và đưa cán bộ về các đơn vị kịp thời tham gia chiến đấu.

Tôi nói: “Địch mở đầu cuộc tiến công lớn bằng cách nhảy dù xuống Bắc Kạn nhằm chụp bắt và tiêu diệt cơ quan đầu não của kháng chiến. Chúng lầm tưởng Bắc Kạn là thủ đô chính trị mới của ta. Chúng gây cho ta một số thiệt hại nhưng đã không đạt được mục đích mà lại mất thế bất ngờ ở cả trên chiến trường Việt Bắc. Nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ cơ quan lãnh đạo bằng mọi giá. Cần bám sát mọi động tĩnh của địch để điều chỉnh kế hoạch tác chiến, giành lại chủ động. Trước mắt đôn đốc đánh địch trên đường số 4, số 3 và sẵn sàng chiến đấu trên hướng đường số 2 và sông Lô”.

Tối hôm đó, cơ quan tham mưu gọi điện thoại mừng rỡ báo tin một đơn vị bộ đội đã gặp anh Trường Chinh ở phía nam Chợ Đồn. Tôi thở phào nhẹ nhõm.

Nửa đêm mồng 9, anh Trường Chinh về tới nhà. Anh kể, khi máy bay tới ném bom, bắn phá, anh đang làm việc với tỉnh ủy phải tạm lánh xuống hầm. Lát sau, địch nhảy dù xuống đúng khu vực trú ẩn. Chúng đi lại nhiều lần trên nóc hầm mà không biết có người bên dưới. Trời tối, anh cùng với cán bộ và đồng bào tìm đường rút ra ngoài. Kinh nghiệm nhiều năm hoạt động bí mật đã giúp đồng chí Tổng bí thư thoát hiểm.



Chiến đấu trong vòng vây in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 458-462. Nhan đề phần trích tạm đặt.>