Tàu chiếm nước ta xong, chỉ cần đối xử với dân ta y như đối xử với dân Tàu, là dân ta sẽ không kháng chiến chứ gì?

Không, dân ta sẽ vẫn kháng chiến, vì thấy mình khác Tàu, không muốn Tàu cai trị mình.

Khác biệt văn hóa còn, thì còn ý chí kháng chiến. Để ổn định lâu dài, ngoại xâm phải tiêu diệt văn hóa bản địa.

Chu Đệ hiểu vai trò của văn hóa nhưng không am tường tình hình địa phương. Văn hóa Việt Nam không nằm trong sách hay trên bia, mà “trốn” trong làng xóm. Muốn diệt nó thì phải phá cho tan làng xóm đi. Thay vì bảo đốt sách đập bia, y nên chỉ dụ: “Lập tức đưa thật nhiều dân Tàu xuống ở. Không cho ở riêng, bắt phải vào làng xóm địch mà ở, sinh hoạt trà trộn, kết hôn qui mô với dân địch, bắt theo phong tục Tàu. “Chớ để sót lại” dù chỉ “một mảnh” phong tục Việt nào!”.

Tưởng tượng khởi nghĩa Lam Sơn đã thất bại và quân Tàu đã đốt được hết sách, đập được hết bia. Thời Bắc thuộc mới có thể khá dài, nhưng mỗi khi có cơ hội người Việt Nam sẽ lại vùng lên, y như trong hơn nghìn năm Bắc thuộc cũ.
(Thu Tứ)



Trần Ngọc Thêm, “Ðốt sách, đập bia”




Chỉ dụ của Minh Thành Tổ gửi Chu Năng và Trương Phụ ngày 21-8-1406 (...) “Một khi binh lính đã vào nước Nam (...) thì hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến các loại ca lý dân gian, các sách dạy trẻ nhỏ (...) một mảnh, một chữ phải đốt hết. Khắp trong nước (...) các bia do An Nam dựng thì phải phá hủy tất cả, một chữ cũng chớ để sót lại.”

Chín tháng sau (...) lại gửi chỉ dụ thúc giục: “Nhiều lần đã bảo các ngươi rằng phàm An Nam có tất thảy sách vở văn tự gì, kể cả các câu ca lý dân gian, các sách dạy trẻ, và tất cả các bia mà xứ ấy dựng lên, thì dù một mảnh, một chữ, hễ trông thấy là phải phá hủy ngay lập tức, chớ để sót lại!”.


(Trần Ngọc Thêm,
Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, nxb. TPHCM, 2001)