Cuộc kháng chiến 30 năm đuổi giặc này ra khỏi non sông, rồi làm cho non sông bị giặc kia chia cắt trở lại liền một dải. Cuộc kháng chiến ấy còn giúp các miền cao vốn lạ lùng đối với đồng bào miền xuôi trở nên quen thuộc, thân thương, giúp hai miền Nam, Bắc rất xa nhau trở nên gần gũi trong lòng đồng bào ở cả hai “đầu”…

Chế Lan Viên có đôi câu thơ:

“Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!”

Đất mở lâu rồi. Trong thế kỷ 20, giặc giúp tâm hồn đồng bào cũng mở rộng theo.
(Thu Tứ)



Khuất Quang Thụy, “Nỗi nhớ”




Sáng nay tôi gặp lại tuổi thơ
Trong sắc hoa gạo đỏ
Cây gạo đã già như một câu chuyện cổ
Vẫn thơ ngây những chuỗi cười giòn
Đôi chim sáo lại về làm tổ
Cho bao đứa trẻ trong làng mỏi cổ nhìn lên

Sáng nay tôi gặp em
E thẹn rẽ vào lối ngõ
(như mang theo một nửa mùa xuân đi về lối đó)
Lẽ nào tôi chẳng nhìn theo
Hoa xoan rơi trong mắt
Hoa xoan rơi nhắc một điều có thật
Sớm nay tôi trở về đây

Những liên tưởng này ngộ nghĩnh lắm thay
Hoa gạo đỏ như một chùm đạn lửa
Và em
Giống như người em gái đó
Tôi gặp ở đâu trong rừng xa phương nam

Hoa xoan rơi nhắc một chiều tím ngắt bằng lăng
Treo võng tôi nằm đợi giờ ra trận
Cả quê hương với dáng hình rất thật
Cũng ngỡ ngàng như đã gặp nơi đâu

Đi giữa quê hương mà lòng dạ xôn xao
Những tưởng về đây hết cồn cào thương nhớ
Cái phương trời ta sống qua những năm đạn lửa
Trọn đời hồ dễ dám quên.


Hà Sơn Bình, 1976