Nghe bao nhiêu lần rồi chuyện người Việt xưa xăm mình để xuống nước giao long khỏi hại.

Mới chợt nghĩ: dù xăm kỹ tới đâu, ta chắc cũng không tài nào nom giống giao long... con. Ai đó thử xăm cùng mình, rồi xuống ao cá sấu lội mấy vòng xem sao!

Cá sấu sông Nile hung dữ có tiếng, không nghe nói người Ai-cập xưa có tục xăm mình. Nam bộ đầu thế kỷ trước đầy cá sấu, trong
Hương rừng Cà Mau không thấy người Việt khai hoang xăm mình. Cá sấu có mặt khắp thế giới, vậy mà xưa nay hình như không ai khác nẩy sáng kiến xăm mình để ngụy trang...

Nhưng nếu không nhằm ngụy trang, thì con cháu Hùng Vương công phu xăm mình để làm gì? Nếu là cho đẹp thì tổ tiên ta đã sáng kiến mốt này trước người Mỹ hàng hăm mấy thế kỷ. Dân tộc thôi xăm mình đâu vào đời Trần. Bây giờ một số đồng bào do bắt chước Mỹ mà ngẫu nhiên phục hồi mốt cổ.

(Thu Tứ)



Lĩnh Nam chích quái, “Xăm cho khỏi bị hại...”




Thiên “Hồng Bàng truyện” trong Lĩnh Nam trích quái (của Trần Thế Pháp) chép rằng, thời Hùng Vương “dân miền chân núi làm nghề chài cá, thường hay bị giao long làm hại, mới kêu với Hùng Vương, Hùng Vương nói: Loài ở chân núi với loài thủy tộc khác nhau. Loài kia ưa đồng loại mà giết dị loại cho nên làm hại. Bèn khiến người ta lấy mực mà xăm mình thành hình trạng thủy quái, từ đó không có cái nạn bị giao xà làm hại nữa. Cái tục xăm mình của người Bách Việt là bắt đầu từ đó.”


(Theo Ðào Duy Anh,
Lịch sử cổ đại Việt Nam, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, 2005, tr. 204. Sách này tập hợp ba tác phẩm khác nhau của Đào Duy Anh: Cổ sử Việt Nam (1957), Lịch sử cổ đại Việt Nam (1957), Vấn đề hình thành của dân tộc Việt Nam (1957). Nhan đề phần trích tạm đặt.)