“Chế Lan Viên nghĩ về thơ” (1)




Trong số các thi sĩ Việt Nam nổi tiếng, Chế Lan Viên hay nghĩ nhất.

Người nghĩ về đủ thứ đề tài, đặc biệt thật nhiều về thơ, thường khi vừa nghĩ vừa gieo luôn cái trực giác độc đáo của mình ra thành vần.

Những bài thơ về thơ của Chế Lan Viên được chú ý quá, khiến có lẽ ta gần như quên rằng thi sĩ cũng đã không ít lần phát biểu trầm tư nghệ thuật bằng cách như mọi người, tức là bằng thứ lời không phải thơ.

Sau đây chúng tôi xin trích dẫn một số lời ấy.

*

“Bất cứ thơ nào cũng là để đi đến trái tim người”.

Lời thơ có nghĩa, nên thơ ít nhiều phải đi qua óc. Nhưng thơ đích thực không dừng lại ở óc, mà tiếp tục “đi đến trái tim người”. Thơ qua óc, để lại chút nghĩa làm kỷ niệm. Thơ đến lòng, để lòng ôm lấy lời thơ mà rung động miên man.

“Khi ta nói cô diễn viên kia đóng kịch rất hồn nhiên, nhờ cô đã tập vất vả hàng trăm lần, thì ai cũng đồng ý. Nhưng khi nói về thơ, thì người ta cứ muốn nhà thơ, mở miệng ra là thành thơ... vọt một cái thành thơ”.

Tại sao có nếp nghĩ diễn viên phái vất vả mới đóng “nên kịch”, còn thi sĩ chỉ cần… vọt miệng là “nên thơ”? Chắc vì công phu nhập vai dễ hình dung, trong khi quá trình sáng tạo nghệ thuật ít người quen thuộc. Thơ đâu có phải châu ngọc nằm sẵn trong bụng, chỉ chờ phun nhả! Thi sĩ cũng như trai, phải bồi đắp mới nên “viên” đấy chứ. Thi sĩ hơn trai vì bồi được hơn một, nhưng dù nhiều chớ tưởng từ đâu rơi rụng vào…

“Trí tuệ làm cho thơ khô đi ư? Anh ngỡ chất liệu sống mà nhồi nhét không đúng cách vào thơ, không làm chết thơ đi đấy chắc? (...) Ðừng có nói trái tim cao hơn bộ óc!”.

Quả thực loại thơ ấy của Chế Lan Viên “sống” và “ướt”. Hễ có tài thơ, thì trí tuệ cũng nên thơ.

“Trong lúc sáng tác ta đừng tìm cách để “lộ” cái ta ra, cũng đừng tìm cách “giấu” nó. Cứ tự nhiên, hồn nhiên (…) Thế rồi trong khi ta ngỡ là chỉ (…) thì ta đã vô tình (…) cả ta trong ấy”.

“Cả ta”? Thiết tưởng “trong ấy” không có cái gì khác ngoài “ta”. “Sơn thủy hữu tình”, ấy là tình ta. Mắt ai kia tình tứ, ấy cũng là tình ta v.v. “Khi ta ngỡ là” lột được tinh thần của cái gì đó, thì thực ra là ta đã nhập chính mình vào trong nó.

“Nội dung quyết định hình thức là vật lộn cùng hình thức để nói được nội dung”.

Cuộc “vật lộn” bắt đầu với việc chọn thể thơ. Tứ quyết định thể. Nhưng tứ hoàn chỉnh đã có đâu. Bắt đầu, nhà thơ chỉ mới có một bào thai tứ (xem Huy Cận). Thể cơ bản là lâm thời, sau khi làm xong bài, hay được một số câu, nhà thơ có thể cảm thấy không ổn và chọn thể khác, làm lại. Thể nào thích hợp với nội dung nào, điều ấy không phải hoàn toàn nhất định. Chẳng hạn song thất lục bát thường được xem là sở trường về diễn tâm trạng (cung nữ, chinh phụ v.v.), nhưng Phan Huy Vịnh và Tản Đà đem dùng để kể lại câu chuyện trong “Tỳ bà hành” và “Trường hận ca” vẫn rất thành công.

“Nhất dáng, nhì da, thứ ba khuôn mặt (...) Thơ cũng vậy. Trước hết phải đẹp toàn bài. Phải được toàn bài. Phải có ý của toàn bài. Toàn bài phải nhằm cái gì đã rồi mới nói đến câu. Một bài thơ mà ghép nhiều câu hay lại chưa chắc đã là một bài hay (...) thơ phải được tổng thể, hay tổng thể đã rồi mới bàn đến câu. Nó như cái dáng chung của người đẹp (...) Tổng thể bài thơ như cái quạt thì câu thơ như cái nan quạt và tứ thơ như cái đinh găm các nan quạt lại. Không có cái đinh (...) thì (...) không thành quạt”.

So sánh cái nọ với cái kia bao giờ cũng chỉ đại khái. Chớ nên thắc mắc “da” và “khuôn mặt” của thơ chúng ở đâu, hay nếu nan quạt là câu thơ, đinh quạt là tứ thơ, thì giấy phất quạt là cái gì của thơ?

“Chúng ta rất mừng khi thấy một nghệ thuật nào đó có gốc rễ sâu trong quá khứ dân tộc. Nhưng nghệ thuật cũng như cái cây vậy, nếu rễ ăn sâu nhưng cây đã ruỗng đã già thì có nghĩa gì. Theo tôi, không phải cái gì cổ nhất thì dân tộc nhất (...) Dân tộc, theo tôi nghĩ, cũng không bắt buộc là phải xuất xứ, sinh sản ngay từ trong dân tộc ấy (…) Ta hay nhầm lẫn “vin vào cái gốc”, “giữ vững cái gốc”, với “bo bo lấy gốc”. Bo bo lấy gốc thì không tiếp thu cái mới, tiếp thu hiện đại được! Mà “mới”, “hiện đại”, là nhu cầu cấp thiết của tất cả (…) nghệ thuật nào muốn tồn tại”.

Nghệ thuật là một biểu hiện của văn hóa. Năm 1938, khi nêu những đặc tính căn bản của văn hóa dân tộc, Đào Duy Anh viết: “Đừng nên xem những tính chất ấy (...) là bất di bất dịch”.(1) Thử nghĩ. Tại sao “đừng…”? Bởi văn hóa là do môi trường sinh hoạt. Môi trường đổi ít thì đặc tính căn bản không đổi. Nhưng môi trường đổi nhiều tới mức nào đó thì đặc tính căn bản sẽ đổi. Từ lúc ấy, ta có một nền văn hóa khác. Năm nay 2023. Nghệ thuật ráo riết tiếp thu cái nghĩ suy luận ngự trị văn hóa mới, tưởng như vẫn còn, nhưng thực ra… Chế Lan Viên từng dự phóng “Thơ thế kỷ 21”. Có đâu người ơi. Chỉ ít lâu sau khi người hóa hư không thì thơ cũng bắt đầu diễn biến hóa hư không. Người thật cởi mở, đã tạo ra được nhiều hoa mới và đẹp, có ngờ chăng đó là những đóa nở rất gần phút cuối cùng của một Nước Thơ…

“Chúng ta phải thắng một cái hồn nhiên thấp để đến một cái hồn nhiên cao hơn, thắng một cái hồn nhiên cũ để đến một cái hồn nhiên mới”.

Nghệ thuật bao giờ cũng hồn nhiên, nhưng không phải cứ hồn nhiên là nghệ thuật. Từ hồn nhiên lục bát phôi thai chưa có tính nghệ thuật, ta đi rất lâu mới đến hồn nhiên Truyện Kiều đầy tính nghệ thuật. Lục bát đến Kiều là đến đỉnh, nhưng tuy hay vậy mà không diễn được cho thực hiệu quả tình cảm của Nguyễn Công Trứ. Nên Nguyễn mới “thắng cái hồn nhiên cũ” là lục bát “để đến cái hồn nhiên mới” là hát nói. Thấp lên cao, cũ được thêm mới, cứ thế… Cho đến cái lúc ta không còn hồn nhiên nữa. Mất hồn nhiên là mất nghệ thuật, nói chi đến “thắng”. Lúc đó, coi như đã đến rồi.

“Làm thơ với trái tim, với chất sống, không đủ. Phải có văn hóa nữa”.

Miếng ngon là cả một truyền thống ẩm thực chứ đâu phải chỉ là thịt. Thơ hay là cả một truyền thống thơ chứ đâu phải chỉ là “trái tim”, “chất sống”.

“Một nhà thơ tồi nhất cũng có thể có một câu thơ hay”.

“Một con én không làm nên mùa xuân”. Nhưng cứ vào thăm đi, không thấy xuân, biết đâu thấy én (một con). Nói vậy, chứ đã biết “nhà” ấy thuộc loại “tồi nhất” mà đụng thơ của “nhà” vẫn cố đọc vì mong thấy được một câu hay, tưởng hiếm ai làm được.

“Văn xuôi (...) phản ánh được nhiều mặt (…) Thơ (...) bé nhưng là bé hạt tiêu”.

Văn xuôi diễn cách nhìn sự sống. Thơ “bản thân là sự sống” (Xuân Diệu). Đằng tả, đằng gợi, không so sánh lớn bé được.

“Muốn có thơ hay thì phải sống, phải trải, phải chiêm nghiệm (...) Nghĩa là cái đầu vào phải nặng, phải khá. Chớ suốt ngày trà lá nói dóc, tán phét mà đòi thơ hay thì không có đâu (...) Con ong (...) cho đời (...) mật, còn con nhặng (...) có khi cũng hao hao giống ong (...) bay qua cả một mùa hoa cũng chẳng làm được trò trống gì, có khi lại làm thối hoa ra cũng chưa biết chừng”.

Ờ nhỉ, nghệ sĩ như con ong. Xuân Diệu say sưa “hút nhụy của mỗi giờ tình tự”, rồi làm ra những dòng “mật” đọc rất dễ say... Mỗi khoảng thời gian sống, có thể một cái hoa! Thời gian sôi nổi tình tự với “em”, thời gian rạo rực cảm nghe đất trời, thời gian đau đáu nhớ quê, thời gian dạt dào yêu nước, thời gian rưng rưng trước bất hạnh v.v., hiển nhiên đều hoa cả. Nhưng thời gian uống rượu quay thìa ở Khâm Thiên, thời gian nằm canh ngọn đèn dầu lạc, thời gian đi thăm dân cho biết sự tình v.v., cũng hoa chẳng kém, như Nguyễn Tuân tiền chiến đã chứng tỏ bằng những trang “mật” gợi cảm lạ lùng...

Trời sinh làm ong
Thì anh phải bay tìm hoa hút nhụy
Không phải để về ngủ kỹ
Mà để trăn trở, thao thức, tìm cách
                   biến tinh túy của hoa
                   thành tinh túy của mình
Giọt nhụy trót vào rồi
Phải làm sao cho ra giọt mật, nhé anh.



Thu Tứ
Viết năm 2014
Sửa tháng 7-2023
















________
Nguồn trích dẫn:
-
Chế Lan Viên - Thơ văn chọn lọc, Sở Thông tin Nghĩa - Bình, 1988.
-
Các nhà văn nói về văn, nxb. Tác Phẩm Mới, 1985.
- “Chế Lan Viên nói về thơ”, báo
Văn Nghệ, số 15/11/2003.
(1) Trong
Việt Nam văn hóa sử cương.