Dâu hóa sậy che dân hóa quân! Sậy đã giúp nghĩa quân Nguyễn Thiện Thuật. Có lẽ hồi giữa thế kỷ VI sậy đã giúp Triệu Quang Phục đánh Trần Bá Tiên. Không chỉ riêng sậy có công với kháng chiến: “Ai có thể ngờ những mảng bèo ở Hồ Tây lại có thể làm cái công tác che giấu và bảo vệ cán bộ”. Đến sậy với bèo cũng biết giúp nước. Thế mà người lại có kẻ chuyên đi bán nước. (Thu Tứ)



“Bãi sậy ven sông Hồng”

Quang Dũng




Một anh trung đội trưởng dân quân ngày xưa có chiến đấu ở vùng bãi sậy nổi tiếng này cùng tôi đi dọc bờ bãi của khúc sông Hồng, suốt từ giáp địa phận An Dương lên đến những bãi cát lún bàn chân trông ngay sang đất Xuân Canh của Vĩnh Phú.

Anh bạn đồng hành khoát tay và mở đầu câu chuyện chính của chúng tôi về cái bãi sậy nổi tiếng đã chìm sâu dưới lòng sông hàng chục năm nay…

*

Ngày ấy, từ Tằm Xá trở lên đến cây gạo Phú Gia, bến đò Su, cái bãi sậy ấy nằm dài ba cây số mà bề rộng thì trên một cây. Đầu tiên nó là bãi dâu của mấy xã. Tằm Xá thì có làng ở trên bãi nên đất trồng còn có ít, nhưng Nhật Tân làng chính là ở trong đê nên chủ yếu kinh tế trông vào nghề trồng dâu nuôi tằm ở cánh bãi này. Trên cánh bãi bạt ngàn ấy ruộng dâu cứ xanh mướt. Lúa lốc và ngô xen nhau là cái cảnh bờ bãi rất quen thuộc của Nhật Tân ngày ấy.

Phú Gia ở mạn trên cũng chèo thuyền sang cày đất làm cỏ. Đó là cái cảnh từ trước năm 1946. Kịp đến kháng chiến toàn quốc nổ ra, quân Pháp từ cửa Ô Yên Phụ kéo lên ngày mồng bốn Tết. Nhân dân bỏ quê hương ruộng đồng mà tản cư kéo ngược lên mãi Sơn Tây Phủ Quốc, người đi gần thì tới Chèm hay Cổ Ngõa rồi nán lại chờ đợi tình hình. Nhưng mỗi ngày giặc mỗi lấn dần, người tránh giặc ngày càng đi xa. Bãi dâu xanh mướt của Nhật Tân cũng bị bỏ hoang, một giống sậy bắt đầu mọc lên, lấn hết đất trồng dâu và phủ kín cả những mảng lớn trồng ngô, lốc. Không có gì nhanh và khỏe bằng cái sức lấn của thiên nhiên ấy. Chỉ một thời gian là cây sậy đã cao hơn một thước, rồi sau những trận mưa năm 1948 cây sậy đã thành rừng cao hai thước, che kín đầu người. Thân sậy có cây đường kính đã ba phân. Đồng bào tản cư, lác đác trở về, đã thấy sậy thành rừng choán hết bãi dâu và không còn thấy dấu của những ruộng ngô, lốc nữa. Mọi người mới rủ nhau sang bãi kiếm sậy về đan phên để làm kế độ nhật.

Những ngày ấy, ở phía bắc thành phố chúng ta đang diễn ra những ngày giành dân, gây cơ sở, một công tác mà kẻ địch rất lo ngại và chống lại ta một cách gay gắt. Địch mới đóng những bốt cầu Chèm, bốt Phú Xá, bốt Nhật Tân và Quảng Bá, nhưng cán bộ và du kích ta cũng lại bám dân và đánh tỉa, tiêu hao lực lượng của chúng ngay từ những buổi chúng còn chưa yên cơ sở. Chẳng mấy ngày là không có xe đổ và tiếng mìn nổ làm cho địch ăn không ngon, ngủ không yên. Chi bộ Nhật Tân nhận định thấy ngay sự lợi hại của bãi sậy ở giữa sông Hồng nên đã chủ trương giữ rừng sậy không để nhân dân phá dần lấy vật liệu đan phên nữa. Vì thế mà Nhật Tân có một bãi sậy càng ngày càng rậm rạp, du kích và cán bộ ta đêm đêm làm chủ và ngay cả ban ngày cũng quanh quẩn ở những quãng dày đặc nhất.

Những người hoạt động nội thành mỗi khi nghĩ đến phía tây và phía bắc của Hà Nội, là nghĩ ngay đến Hồ Tây và bãi sậy sông Hồng. Ai có thể ngờ những mảng bèo ở Hồ Tây lại có thể làm cái công tác che giấu và bảo vệ cán bộ. Người cán bộ nội thành có những lối đi ngay trước mắt địch mà chúng không hề biết. Anh nằm ở ven hồ thì cái mảng bèo rộng có khi hàng mấy mẫu kia đi lừ lừ trên mặt nước theo hướng gió nào, anh phải nắm được. Gió nam thì bèo dạt về phía Nhật Tân, Quảng Bá hay Trích Sài. Gặp lúc nổi gió bấc thì cả mảng bèo lại dạt về lối Cổ Ngư hay trường Bưởi. Nghe có động, cán bộ lao ngay xuống hồ, chui vào mảng bèo lớn, lặn và náu trong bèo và đi ngầm trong đó. Lắm lúc anh đội một khoang bèo, nhẹ nhàng đẩy cả mảng bèo che cho anh vượt quãng hồ từ Cổ Ngư sang đến Quảng Bá. Tới đây, anh kín đáo vào những hầm đào dưới gốc tre, chờ trời nhá nhem tối, vượt một vài chặng nguy hiểm nữa là có thể bơi sông Hồng mà vào bãi sậy. Vào đến bãi sậy là sống rồi. Anh có thể nằm úp mặt trên nền cát âm ấm bên những thân cây sậy che kín đáo cho mình mà thở sau một cuộc chạy và bơi qua hồ, qua sông mệt đứt hơi.

Những cây sậy ken nhau dày đặc đã tạo ra thế hiểm cứ cho cán bộ và du kích vùng địch hậu. Cây nào bé nhất cũng là cao một thước rưỡi. Cây to nhất có thể cao trên ba thước. Sậy phát triển chèn ép cây dâu bị bỏ hoang, dâu lụi đi nhanh chóng. Có cây sậy to như cây mía bầu cỡ lớn nhất. Địch cũng thấy được sự nguy hiểm của cái bãi sậy nên chúng ít dám sục sạo. Nó cũng đã một vài lần vây càn nhưng không có kết quả gì. Mỗi lần vây chúng huy động hàng nghìn quân. Phải có một cánh quân bọc mé sông con bằng ca-nô. Một mũi phải đem từ Hà Nội lên Chèm rồi đổ quân sang Phú Xá, một mũi phải đánh thốc ở mạn Từ Liêm lên. Bãi sậy rậm rạp đã thành nơi trú chân sát Hà Nội của nhiều cơ quan các ngành: cơ quan tiếp liệu của quân khu Việt Bắc cũng nằm trong rừng sậy um tùm ấy. Một trung đội lúc ẩn lúc hiện phụ trách đánh địch từ Yên Phụ đến Chèm. Vũ khí của trung đội này gồm những thứ mà đọc lên ta nhớ lại hình ảnh của những ngày đầu kháng chiến. Tuy trang bị rất thô sơ như vậy, nhưng lực lượng ta vẫn làm cho Tây khốn khổ đối phó mà vẫn không sao giữ nổi được sự an ninh mà chúng mong muốn. Ven Hồ Tây, Phú Gia, Quảng An, ta đánh trận nào cũng đều có xe đổ, Tây chết.

Chiều đến là bãi sậy lại đầy sinh khí. Trong những lán làm ngay bằng cây sậy, những cuộc họp lại bắt đầu. Cơ quan tiếp phẩm thì chuẩn bị để khẩn trương mang hàng ra vùng tự do. Cán bộ vào địch hậu thì rẽ thân sậy mà đi những lối riêng cho bí mật mà vào trong lòng giặc. Đơn vị sắp đi phục kích, thì sau một ngày ngủ no mắt ở những lán sậy, đã vùng dậy quây quanh nồi cơm thơm phức và ăn xong đã lách cách đeo súng, thắt chặt bao đạn, hàng một len lách trong rừng sậy mà chuẩn bị sang sông trên những cái thuyền thúng hai người khiêng từ những bụi cây kín mít, thả xuống nước. Bên kia bờ có ánh bật lửa. Đó là mật hiệu gọi đò vào bãi. Đó là hiệu cho biết tình hình sang sông có an toàn hay không của trinh sát ta bên kia bờ. Ban ngày bãi sậy lầm lì và yên lặng, nhưng đêm đến nhộn nhịp đủ thứ hoạt động. Người ra báo cáo, người ra đem chỉ thị mới, và cả những người dẫn bọn tề ác đem sang bãi sậy trú chân rồi sẽ mang ra vùng tự do của ta. Công tác há tề trừ gian, nhờ có bãi sậy làm căn cứ mà ta hoạt động được ráo riết, bọn tề sợ lắm.

Một điều mà bất cứ người cán bộ nào cũng nhớ sâu sắc là lòng dân đối với cách mạng. Nhà bà cụ Tuân có một cây hương ở giữa sân ngay sát vệ đê. Ở bãi sậy quân ta đi có nhiều lối, mà lối vào nhà bà cụ Tuân cũng là một lối hay đi. Bọn ở trên bốt đã đánh hơi thấy điều ấy nên một hôm chúng đem quân xuống vây quanh nhà cụ Tuân và ra lệnh không ai được ra khỏi nhà hoặc đi đi lại lại trong sân. Anh em ta mỗi khi về, thường xem trên cây hương nhà cụ Tuân có ngọn đèn con thắp hay không rồi mới đi. Có đèn tức là đường thông suốt, không có gì đáng ngại. Nếu có động, cụ Tuân chỉ việc tắt ngọn đèn con là ta sẽ đi lối khác. Hôm nay, địch cấm không cho ai ra sân nên ngọn đèn không tắt được. Chúng bố trí một khẩu súng máy, nòng sẵn sàng nhả đạn. Đúng hôm ấy, ban chỉ huy xã đội lại có việc gấp cần sang sông. Cụ Tuân nghe tiếng chân người từ mé bến đò, thấy tình hình nguy cấp, vội tru tréo giả làm như hốt hoảng mà kêu tướng lên:

“Ối ông xếp bốt ơi, Việt Minh về đông quá! Ối ông xếp bốt ơi…”.

Ta thấy vậy, biết là có động bèn không đi lối ấy nữa. Bọn ở bốt thấy hụt mẻ lưới, tức quá, bắt cả nhà cụ Tuân giải về nhà thờ Liễu Giai. Chúng đem bốn người ra tra tấn giam giữ hàng tháng mới thả cho về. Đồng bào hết lòng che chở kháng chiến như vậy, không quản gì nguy hiểm có thể xảy đến cho mình.

Địch thấy trước mũi chúng cái bãi sậy đầy bí hiểm như ngang tàng thách thức, chúng vừa tức vừa sợ. Lắm hôm ta và giặc cách nhau không xa, chửi nhau vang cả rừng sậy. Nó chửi ta là Việt Minh cộng sản, ta chửi nó là đồ bán nước.

Địch đã làm nhiều cách để hòng phá bãi sậy. Chúng bắt dân các xã vùng trong đê ra phía sông Hồng và dồn cả người ở Quảng An và Phú Gia xuống đi phá sậy. Đồng bào bị thúc sau lưng, cứ đi dò dẫm và mỗi khi nghe tiếng súng ở trong rừng sậy bắn ra, lại chui bờ rúc bụi, chạy nháo nhào. Hễ thấy những chỗ đúng là nắp hầm của ta, đồng bào vội chặt ít bó sậy dập đi và hò hét kéo nhau sang lối khác. Thỉnh thoảng lại có một quả mìn nổ dọa, thế là đồng bào nằm rạp hết xuống, thằng Tây hò hét thế nào cũng không tiến nữa, cuối cùng đành chịu.

Năm 1951, địch lập bốt Tằm Xá và thực hiện đến cùng việc bắt dân các xã phá sậy. Bãi sậy của sông Hồng làm cho địch phải ngày đêm lo sợ, đến năm ấy mới dần thưa. Nhưng tới năm ấy thì ta đã có nhiều cơ sở gấp bội và không cần nương náu ở trong bãi sậy để mà tiêu diệt sinh lực địch nữa. Ta đã có một rừng sậy khác kiên cố và dày đặc hơn, đó là lòng người dân ngoại thành Hà Nội đối với cuộc kháng chiến…