Lý do: “… lớn lên trong vùng địch chiếm đóng, chứng kiến những áp bức, bóc lột và bất công do thực dân Pháp và bè lũ tay sai gây ra (…) Thực tế ấy đã hun đúc trong lớp trẻ chúng tôi chí căm hờn quân xâm lược và tinh thần yêu nước”.

Nhưng “chúng tôi” là… Thì sao? Ở cái vùng đất rất cổ này, phụ nữ ta vẫn quen sinh hoạt ngang hàng với đàn ông. “Liền anh” đâu, “liền chị” đó, đã hát quan họ chung thì “giặc đến nhà” cũng vác đòn gánh ra mà đánh chung.

Nhớ “Bên kia sông Đuống”:

“… Con bắt đầu xuất kích
Trại giặc bắt đầu run trong sương
Dao loé giữa chợ
Gậy lùa cuối thôn (…)

Thợ cấy đánh giặc (…)

Ðể con đi giết giặc
Lấy máu nó rửa thù này
Lấy súng nó cầm chắc tay”.

Nhớ “Những bàn tay đẹp” (của Nam Cao):

“Những ngón tay búp măng muồn muột chít vào nhau. Những bàn tay nhỏ nhắn này đã từng cầm súng bắn Tây, ném lựu đạn vào Tây, hoa mã tấu lăn xả vào Tây. Nó vẫn không kém mềm mại chút nào. Trước kia, hẳn là nó đưa thoi rất nhẹ nhàng. Và ẵm em rất khéo.”

(Thu Tứ)



Tiểu đội Trưng Trắc (Bắc Ninh)







Đó là 19 nữ chiến sĩ thuộc bộ đội chủ lực tỉnh Bắc Ninh những năm kháng chiến chống Pháp. Chung lòng căm thù giặc và tinh thần yêu nước, những cô gái quê hương quan họ đã anh dũng, kiên cường chiến đấu và phục vụ chiến đấu góp công cùng quân và dân ta đánh thắng giặc Pháp xâm lược, giải phóng quê hương, xứng danh phụ nữ Việt Nam “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.

Chúng tôi may mắn và vinh dự được gặp bà Trần Thị Kỷ, nguyên chiến sĩ Tiểu đội Trưng Trắc, ở phường Tiền An (thành phố Bắc Ninh). Sắp bước sang tuổi 85 nhưng bà vẫn mạnh khỏe, tinh anh lắm. Sau tuần nước vối, bằng giọng hào sảng, bà chia sẻ: “Thế hệ chúng tôi lớn lên trong vùng địch chiếm đóng, chứng kiến những áp bức, bóc lột và bất công do thực dân Pháp và bè lũ tay sai gây ra. Anh rể tôi vì thiếu hai hào thuế thân mà chúng kẹp tay tra tấn dã man. Thực tế ấy đã hun đúc trong lớp trẻ chúng tôi chí căm hờn quân xâm lược và tinh thần yêu nước”.

Mười bảy tuổi, bà Kỷ làm liên lạc cho cách mạng, rồi tham gia phá kho thóc của Nhật, sau đó cùng dân tộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945. Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, bà là chiến sĩ Tiểu đội Trưng Trắc, sau đó biên chế về Đại đội 551 (Tiểu đoàn Thiên Đức).

Phận nữ nhi theo nghiệp nhà binh thật nhiều gian truân. Bà Kỷ chia sẻ: “Ngày đầu cũng hồi hộp, lo sợ lắm. Sợ mà vẫn xung phong. Đi nhiều thành quen, hết sợ. Là quân y, nhưng tôi thường xung phong lên tuyến xung kích 1 trực tiếp đưa thương binh ra ngoài để anh em rảnh tay chiến đấu”.

Vượt lên trên hiểm nguy, gian khổ, thiếu thốn, bà Kỷ luôn bình tĩnh, gan dạ, sát cánh đồng đội vận động đánh địch lúc ngày, khi đêm, đánh ở Bắc phần, đánh sang Nam phần tỉnh Bắc Ninh, nhiều lần hành quân cơ động qua tận Hiệp Hòa (Bắc Giang). Trong đời quân ngũ, bà đã tham gia hơn 50 trận đánh, mỗi trận là một kỷ niệm không thể nào quên. Cuối năm 1949, bà Kỷ trong đội hình Đại đội 551 phối hợp với du kích Tiên Du mai phục đánh địch tại đầu thôn Ném Thượng, xã Khắc Niệm huyện Tiên Du (nay thuộc thành phố Bắc Ninh). Trong trận này, quân ta phải “độn thổ” (mai phục dưới hầm) ba đêm liền mới gặp địch, tiêu diệt và bắt sống hơn mười tên, thu nhiều súng, đạn…

Nhắc đến Tiểu đội Trưng Trắc, bà Kỷ sôi nổi hẳn lên. Bà trân trọng, thân mật nhắc đến từng người, điểm lại những chiến công của một thời oanh liệt.

Ngày ấy, hưởng ứng lời hiệu triệu chống thực dân Pháp xâm lược, những cô gái tuổi mới mười tám, đôi mươi đã hăng hái tình nguyện tham gia đội du kích Ngọc Thụy ngay từ những ngày đầu. Các chị được tổ chức thành tiểu đội mang tên vị nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc với 19 thành viên. Năm 1947, Tiểu đội Trưng Trắc giữ nguyên đội hình biên chế vào Đại đội Nghĩa Quân, đơn vị chủ lực đầu tiên của bộ đội Bắc Ninh.

Sát cánh cùng anh em, các chị đã làm đủ công việc, từ đánh phục kích, đánh địch lấn ra các thôn, xã, đến tuyên truyền trong dân, giúp đồng bào gặt hái, cất giấu lúa thóc và tham gia công tác bình dân học vụ.

Bà Kỷ cho biết: “Với lợi thế là phụ nữ, các đội viên thường cải dạng để trinh sát nơi đóng quân của địch. Tháng 7-1947, chị Đinh Thị Sửu cùng một chiến sĩ xung phong nhận phá cầu Đuống bằng cách thả mìn hẹn giờ xuôi dòng. Rất tiếc mìn qua cầu một đoạn mới nổ. Ngày 26-6-1948, chị Lê Thị Toản cùng một em liên lạc lẫn vào dân đi chợ, dùng đòn gánh đánh trọng thương một tên lính ngụy ngay giữa chợ Đồng Đoài (Thuận Thành), cướp một khẩu tiểu liên rồi rút an toàn…”.

Tháng 9-1949, Tiểu đoàn Thiên Đức chính thức thành lập. Theo yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Tiểu đội Trưng Trắc được bố trí lại. Các chị được chia về nhiều đơn vị làm quân y, hậu cần, quản lý, đi học... Dù ở đâu, trong vị trí công tác nào, các chị cũng đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm tròn nhiệm vụ.

Danh sách đội viên tiểu đội Trưng Trắc:

Lê Thị Tâm (tiểu đội trưởng), Nguyễn Thị Mứt (chính trị viên, từng bị địch bắt, tù đày), Nguyễn Thị Dung (tức Bé), Hoàng Thị Dũng (tức Mùi), Hồ Thị Gái (tức Mạnh), Nguyễn Thị Kít (tức Thúy), Đặng Thị Lẫm (tức Liên), Hoàng Thị Múi (tức Vân, liệt sĩ), Phạm Thị Phái (tức Hải), Nguyễn Thị Quỳnh, Nguyễn Thị Sâm (liệt sĩ), Đinh Thị Sửu (bị địch bắt, tù đày), Phạm Thị Thoa (bị địch bắt, tù đày), Hà Thị Tỏi (liệt sĩ), Lê Thị Toản, Nguyễn Thị Trình (bị địch bắt, tù đày), Nguyễn Thị Uyển, Trần Thị Kỷ, Chu Thị Hồng Tuấn


(Ngô Phú và Bảo Anh, “Tiểu đội Trưng Trắc ngày ấy...”, trang
baobacninh.com.vn)