Nó mạnh ta yếu, nên ta không cố giữ bất cứ vùng nào cho bằng được mà sẵn sàng cho nó “tạm chiếm”. Ta rút quân lớn nhưng để quân nhỏ lại liên tục quậy đằng sau lưng nó để nó không thể huy động toàn lực lượng đuổi theo quân lớn của ta…

Mục tiêu là lấy thật ít cầm chân thật nhiều. Đạt hay không tùy có “bám chắc vào dân” được hay không.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Đại đội Nghĩa Quân”



Sau Hội nghị quân sự lần thứ tư, theo dự tính tôi sẽ đi thăm Tuyên Quang, Chiêm Hóa trước khi bước vào mùa khô. Nhưng trong những ngày hội nghị, anh Nguyễn Khang, Bí thư Khu XII, đã nói tới những hiện tượng mới về cuộc chiến đấu của ta ở vùng đất bị chiếm Nam phần Bắc Ninh khiến tôi rất quan tâm. Tôi quyết định lên đường đi thăm Khu XII trước. Chiến khu XII lúc này gồm các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Ninh, Hòn Gai, Quảng Yên (kể cả Đông Triều và Chí Linh).

Đây là chuyến về trung du đầu tiên của tôi kể từ ngày trở lên Việt Bắc. Trải qua mấy tháng, quang cảnh đã thay đổi nhiều. Tôi cùng với mấy đồng chí phụ tá cho ngựa đi nước kiệu. Dọc đường, chỉ dăm ba cây số lại gặp một “thị trấn” mới: Phú Minh, Ba Giăng, Cù Vân, Đại Từ, Quán Triều… Những cửa hàng xén, hàng cơm, hàng giải khát, hiệu ảnh, hiệu cắt tóc, chỉ nhìn qua cũng biết là của người dưới xuôi tản cư lên. Khách hàng phần lớn là bộ đội. Những cán bộ, chiến sĩ trẻ măng, đã có màu da mai mái của núi rừng. Không khí các phố mới này đầm ấm, vui vẻ. Hình như ai nấy đều có niềm tự hào kín đáo mình đang có mặt tại đất thánh của cách mạng.

Trên những nền nhà phá hoại của thị xã Thái Nguyên đã mọc lên nhiều ngôi nhà bằng tre nứa, khá sáng sủa. Lại có những ngôi hàng với những tên thanh lịch, nổi tiếng của Thủ đô. Cuộc sống vẫn cứ sinh sôi. Trong cửa hàng, những cô gái tản cư đang chuyện trò cùng với những anh bộ đội trẻ.

Qua thị xã Thái Nguyên, bắt đầu nhìn thấy chân trời. Núi rừng lùi dần về phía sau. Những quả đồi thấp dần. Những cánh đồng lúa của vùng trung du trải dài trước mắt. Chúng tôi đi theo đường sông Máng về Yên Thế. Quê hương của cụ Đề Thám đang mùa cam. Những vườn cam xanh mướt trĩu quả vàng. Bắc Giang vẫn là một tỉnh tự do.

Sau khi nghe tình hình chung, tôi yêu cầu Khu ủy cử cán bộ báo cáo kỹ về cuộc chiến đấu tại Nam phần Bắc Ninh.

Đây là vùng đất ở phía đông bắc sông Hồng, tiếp giáp với Hà Nội. Lại nghe nhắc tới những tên quen thuộc: cầu Long Biên, cầu Đuống, cầu Bây, cầu Chui, Gia Lâm, Trâu Quỳ… Địch càn quét bốn huyện ở Nam phần rất quyết liệt. Từ cuối tháng tư, bộ đội của trung đoàn Bắc Bắc đã bị bật khỏi đây.

Tôi chú ý tới một hiện tượng lạ: một đại đội chủ lực độc lập của tỉnh từ đó tới nay vẫn ở lại trong vùng tạm chiếm!

Đơn vị này gốc gác là một trăm cán bộ và chiến sĩ của đại đội tự vệ Ngọc Thụy (Gia Lâm), trong đó có nhiều công nhân của nhà máy xe lửa Gia Lâm đã tham gia những đội quyết tử chiến đấu từ đêm 19 tháng 12. Tỉnh đã bổ sung vào đây một trung đội tự vệ của thị xã Bắc Ninh và gần một trăm chiến sĩ du kích được tuyển lựa từ các xã. Đại đội được tổ chức thành năm trung đội, trong đó có tiểu đội tự vệ công giáo làng Ái Mộ và một tiểu đội nữ, được đặt tên là tiểu đội Trưng Trắc.

Đại đội được phối thuộc chiến đấu với một tiểu đoàn chủ lực của trung đoàn Bắc Bắc. Khi địch tiến công lớn, tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho toàn thể bộ đội rút lui. Người liên lạc mang lệnh cho đại đội bị thương. Vì vậy, họ mất liên lạc với tiểu đoàn, nằm lọt lại giữa vòng vây. Mọi người tưởng rằng đại đội này đã bị địch tiêu diệt. Ít lâu sau, được tin họ vẫn tồn tại và tiếp tục cuộc chiến đấu trong lòng địch, trung đoàn ra lệnh cho đại đội rút lui. Nhưng cả đơn vị từ cán bộ đến chiến sĩ đều xin ở lại tiếp tục chiến đấu để giữ gìn phong trào. Họ đoan chắc với cấp trên là kẻ địch không thể nào tiêu diệt được mình. Dân quân, nhân dân các huyện Nam phần nhất trí đề nghị với tỉnh cho đại đội ở lại và hứa sẽ chăm lo về đời sống cho các chiến sĩ.

Đại đội này tồn tại vì đã bám chắc vào dân, dựa vào những làng chiến đấu, khi tập trung, khi phân tán thành từng trung đội, tiểu đội chiến đấu với quân địch. Kẻ địch biết một bộ phận quân ta còn ở lại, ráo riết lùng sục, tìm mọi cách để tiêu diệt hoặc đẩy ra ngoài. Nhưng chúng đã không làm được việc đó. Với đại đội này, phong trào chiến tranh du kích không những được duy trì mà còn phát triển. Những toán quân địch hành quân lẻ bị tiêu diệt. Chính quyền địch ở nhiều thôn xã rất e sợ bộ đội và du kích. Nhiều tên tề ác bị trừ khử. Số khá đông trở thành tề hai mặt, bề ngoài nhận làm việc cho địch, nhưng bên trong vẫn chịu sự điều khiển, chi phối của ta. Nhờ có đại đội này, bô đội chủ lực của tỉnh lại có điều kiện thuận lợi vào ra vùng tạm chiếm, tổ chức những trận tập kích, phục kích ở sâu trong lòng địch.

Với tinh thần hăng hái chiến đấu bảo vệ dân và giữ gìn kỷ luật quần chúng, đại đội được nhân dân các huyện Nam phần Bắc Ninh yêu mến và tin cậy. Các đồng chí ở tỉnh đã chọn cho đại đội một cái tên thích hợp: Đại đội Nghĩa Quân.

Bắc Ninh đã có truyền thống tổ chức làng kháng chiến từ trước ngày Tổng khởi nghĩa. Quân Nhật và lính bảo an không dễ gì lọt vào những làng này. Sau ngày 19 tháng 12 năm 1946, làng kháng chiến được phát triển khá rộng rãi. Đi đầu là Đình Bảng, Tú He, Làng Giàng. Mỗi làng có một trận địa hầm hào, công sự tác chiến, mìn, chông, cạm bẫy. Dân quân tự vệ canh phòng cẩn mật, kiểm soát chặt chẽ người ra vào. Mặc dù chỉ là những trận địa đơn độc, nhiều khi nằm lọt giữa những trận càn lớn, dân quân, du kích với vũ khí, đạn dược không nhiều, dựa vào hầm hào đã không ít lần cầm chân được quân địch. Làng chiến đấu xã Ái Quốc, làng Cam nằm giáp đê sông Đuống, đã gây cho địch nhiều thương vong, buộc địch phải bỏ dở cuộc càn. Riêng làng chiến đấu Đình Bảng ở Bắc phần Bắc Ninh trong suốt sáu tháng chiến đấu chưa lần nào để cho kẻ địch lọt qua lũy tre xanh.

Như vậy là không ít vấn đề nêu trong nghị quyết đã được thực hiện với nhiều sáng tạo ở cơ sở. Những khả năng rất to lớn đã mở ra cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Tôi bàn với các anh ở Khu ủy và trong Bộ chỉ huy tiếp tục phát triển những đại đội độc lập kiểu Đại đội Nghĩa Quân, đem kinh nghiệm của đại đội này vận dụng ở những vùng địch mới lấn chiếm, đồng thời mở rộng việc xây dựng làng chiến đấu.

*

Thực tế chiến đấu ở Nam phần Bắc Ninh như một trang sách mới mở ra trước mắt tôi. Những ngày chiến đấu chống Nhật ở Cao – Bắc – Lạng, tôi đã nhận thấy đơn vị trung đội rất thích hợp với công tác vận động vũ trang tuyên truyền, nhưng phải là đơn vị đại đội mới đủ sức mạnh để tồn tại và tiến hành những hoạt động quân sự có hiệu quả trong vùng địch kiểm soát. Hội nghị quân sự lần thứ tư đã có quyết định “để lại đơn vị đại đội hoạt động ở vùng sau lưng địch”. Quyết định này rất xác đáng. Muốn phát động chiến tranh du kích rộng khắp không thể thiếu vai trò đại đội độc lập ở mỗi địa phương.


(Trích hồi ký
Chiến đấu trong vòng vây in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 452-455. Nhan đề phần trích tạm đặt.)