Bài ký này viết ngày 3 tháng 1 năm 1947 (12 tháng Chạp năm Bính Tuất). Toàn quốc kháng chiến bắt đầu mới được hai tuần, còn sáu tuần nữa trung đoàn Thủ Đô mới rút qua bên kia sông Hồng. Viết ở Hà Nội. Nguyễn Tuân vẫn còn... Phải thế chứ. Cái con người đã lớn lên nơi phố cổ, đi hát cô đầu ở Khâm Thiên không biết bao nhiêu chầu, đi chong không biết bao nhiêu đèn dầu lạc trong các tiệm hút Hà thành, đi ngồi rượu, cà-phê đến thủng cả đệm ghế nhà hàng Thủy Tạ, đi bộ lang thang đến mòn cả những vỉa hè sẽ vào tranh Phái..., con người ấy mà không nấn ná để thấy Hà Nội kháng chiến như thế nào thì rồi phải lấy làm tiếc cho mình biết đến chừng nào. Sắp tới Tết. Đâu đó chiến sự vừa tạm ngưng. Một người Thủ đô đứng đối mặt mình với “mặt phố kín bưng”, đối mắt mình với “con mắt (mới trổ) đầy bột gạch” của “những cái nhà bịt cửa”, lang thang giữa “bừa bộn cuội, đá, đất, quện với nhựa đường nát, đánh đống từng dãy”, “khom mình chui các lỗ tường đục, luồn qua mọi căn nhà”... Nguyễn đã sẵn sàng lên đường. (Thu Tứ)



“Sau đêm 19 tháng 12”

Nguyễn Tuân




Cánh đồng mùa khô sáng, điểm hằng hà sa số những đốm to màu. Người thủ đô chan hòa đồng quê.

Hàng nước nào cũng thành ra quán “Biên Thùy”, mặt hàng ngổn ngang dồi, chả, tiết canh chó. Để giúp du kích đi về được kín tiếng, nhân dân đã vui vẻ hóa kiếp cho gia súc. Một tửu đồ hỏi chủ quán: “Lẫn thịt chó tây không đấy?”.

Dưới dòng sông Nhuệ, mui đò ngang đò dọc phủ lá kín. Trên mọi ngả đường, bao nhiêu xe hơi cũng đều phủ lá phủ cành xanh.

Nhiều trẻ em, trông những cây lưu động ấy ở trên thủy cả ở trên bộ, lấy làm thích lắm, cười đùa như không biết đến cái đau khổ của chiến tranh.

Tôi muốn ôm các em vào lòng mà thủ thỉ: “Rồi đây, chiến tranh sẽ lấy mất của các em những cái gì là thân nhất của ấu thơ. Các em, rất có thể lắm - sẽ lạc mất cả cha lẫn mẹ. Mất cha mẹ, anh em, nhưng không nô lệ và rồi các em sẽ được trưởng thành trong Độc lập của dân tộc”.

Trăng tháng chạp trong sáng như trăng đêm hè. Lặng lẽ bên chướng lũy, người chiến sĩ bồn chồn lấy cái lưỡi lê đâm vào mặt trăng in rõ nơi vũng nước đọng hầm đào. “Sáng như ban ngày thế này thì khó mà tập kích tấn công”. Trời hãy đừng đẹp như thế này nữa, hãy u ám đi và mưa phùn nhiều vào. Đấy là kinh cầu nguyện đêm nay của tự vệ sao vuông và du kích. Bao giờ tiêu diệt hết lũ giặc rồi thì trăng hãy sáng vằng vặc.

Các làng sát đường cái đua nhau tập quân sự. Dưới trăng tỏ, lớp mồ hôi người làng bóng loáng và những làn da tái bóng như thép lạnh. Dao găm, dao bảy, quắm và mã tấu vung lên. Rồi ầm ầm tiếng hát những khúc hành quân của thời đại. Lũ lượt gồng gánh, những khối đen đặc ấy trườn vào tận trong lòng nội thành. Các anh ấy, cầm xẻng, cuốc, các chị ấy gánh cơm nắm nước lọ đi theo sau. Gà gáy sáng chấm dứt những công tác phá hoại. Cả cái làng lấm láp ấy lại rút ra để đêm sau, đến lượt làng khác được cắt phiên tiếp tục những việc của công binh.

Đường các khu phố nội thành bừa bộn cuội, đá, đất, quện với nhựa đường nát, đánh đống từng dãy. Những chân cột đèn gục xuống như than tiếc cho hoa lệ cũ. Các cột bê-tông của đèn, điện thoại bắt tay nhau qua lòng phố vắng. Đường sắt tàu điện bị bóc từng đoạn dài, đầu sắt bị quật ngỏng lên như đầu rắn. Nhiều dây thép tam cố to như thừng bện, tha hồ quấn lấy gạch lề phố, ngang nhiên như dây leo trong rừng thẳm. Mặt phố kín bưng. Con người lúc bỏ đô thị đã gắn vào cuộc đời khép lại sau lưng một cái xích sắt, một ổ khóa đồng. Những cái nhà bịt cửa ấy, trổ một con mắt đầy bột gạch mà nhìn ra phố vắng.

Góc phố, đầu vẹo phố là mục tiêu của đường đạn, ít cái còn được nguyên vẹn. Hồi tường ở đây chằng chịt lỗ chỗ như mặt người lên đậu hoa. Ụ đất và chướng lũy nhiều và cao. Cái nào trông cũng nâu nâu lù lù như cổng Ô Quan Chưởng.

Đi từ khu phố này qua khu phố khác, giờ chúng ta lại không cần đến đường cái ngoài trời. Chỉ cứ khom mình chui các lỗ tường đục, luồn qua mọi căn nhà. Sự thầm kín thân mật của mọi từng lớp con người đã phơi bầy ra. Hòm tủ tung toé, đồ ăn thức dùng bừa bộn vứt lại.

Rạp hát cải lương Hàng Bạc, đông người nấp quá, đến nỗi có người ngồi nguyên ba ngày liền trên ghế dài mà nhìn như thế, nhìn trở vào một cái sân khấu vắng.

Lộn ra ngoại thành, đến ấp Thái Hà, anh thanh niên sinh viên nay làm võ trang tuyên truyền khu Đống Đa ấy vốc một nắm đạn cho vào sác-dơ, bắt chuyện: “Anh còn nhớ đến chuyện Ba-lê thất thủ, Ba-lê mất hôm 14-6-40? Chỉ có chín hôm mà mất thủ đô Pháp. Lúc đoàn cơ giới quân Hít-le tiến vào, trong số người ở lại Ba-lê, chỉ có nhà giải phẫu Bernard là dám tuẫn tiết. Ông đã nhìn đoàn thiết giáp của phát-xít, đau đớn kêu lên: Tôi không chịu được, tôi chết”.


Hà Nội, 3-1-47