Khuyết danh, “Người Thái - Hội tung còn”




Vào những dịp lễ Tết, nhất là vào dịp đón xuân, mừng năm mới, cùng với những nghi thức “xên bản xên mường” đồng bào Thái Điện Biên thường tổ chức những trò chơi dân gian sôi nổi, mộc mạc, đậm chất dân dã vùng Tây Bắc, trong đó tung còn là một trò chơi được đặc biệt ưa thích và tham gia rất đông đảo.





Để chuẩn bị cho hội tung còn, người ta tìm một bãi đất trống, đủ rộng để làm sân có chiều dài từ 40-50m, chiều rộng khoảng 25-30m. Giữa sân, người ta trồng một cây tre thẳng, cao, có ngọn, trên đỉnh có một vòng tròn, dán giấy hai mặt: một mặt màu vàng tượng trưng cho mặt trăng, một mặt màu đỏ tượng trưng cho mặt trời. Chiếc vòng tròn này được gọi là “phông còn” và nó còn mang ý nghĩa là vật linh của người con gái. Khi “phông còn” bị quả còn xuyên thủng là biểu hiện mở đầu cho sự sinh sản bảo tồn nòi giống của cộng đồng. Đường kính của “phông còn” tùy thuộc vào độ cao của cây cột, thường khoảng 0,60-0,70m.





“Quả còn” được làm bằng vải, kết nhiều mảnh màu lại với nhau thành một cái túi, bọc chặt lấy các hạt bông giống, thóc giống. Có nơi người ta còn nhồi cả vào đó một ít đất cát tượng trưng cho nguồn gốc của sự tồn tại và phát triển. Dây quả còn dài 0,50-0,80m, xuyên qua thân lên đến đỉnh quả, có đính những chùm tua cách nhau 5-10cm. Chùm tua làm bằng vải đủ các màu xanh, đỏ, tím, vàng được cắt thành miếng nhỏ rồi khâu lại với nhau, mỗi chùm từ 6-7 miếng. Để có đủ số quả còn cho ngày hội, trước đó người ta đã giao cho các gia đình trong bản chuẩn bị. Mỗi nhà được làm từ hai đến ba quả, nhà nào cũng cố làm để quả còn của mình được xem là đẹp nhất hội.

Mở đầu hội còn, người ta chuẩn bị lễ vật gồm một thủ lợn, bốn chân giò, một cái đuôi, lòng lợn mỗi thứ một ít, một con gà trống, một chai rượu, ba chén nước, một bát gạo, một gói muối, một bát canh hoặc nước luộc thịt lợn gà, một bát cắm hương và ba quả còn đặt trên mâm. Sau khi đặt lên bàn cúng, thầy mo thắp hương, chắp tay vái ba vái và khấn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, và xin phép thần linh cho mở hội còn. Cúng xong, thầy mo tung ba quả còn lộc cho mọi người xô nhau để lấy, ai giành được thì may mắn sẽ về với người ấy cả năm.





Hội còn đã mở, người ta chọn một người đủ tài đức, có uy tín với dân bản, làm người tung những quả còn đầu tiên lên phông còn. Khi phông được ném thủng người ta cho rằng lời cầu nguyện đã được then, được các thần linh chấp nhận, may mắn sẽ về nhiều trong năm mới. Thầy mo lấy quả còn vừa lọt qua phông, rạch múi, lấy hạt giống ban phát cho mọi người để lấy may, sau đó mọi người bắt đầu cuộc chơi.

Tung còn hiện có hai cách chơi là tung còn vòng (toọt cón zôống) và tung còn đôi (toọt cón trér). Riêng tung còn đôi chỉ giành cho thanh niên nam nữ “trai chưa vợ, gái chưa chồng” (báo, xao). Tung còn đôi còn được xem như nét giao duyên tốt đẹp mà qua đó rất nhiều đôi nam nữ đã nên vợ nên chồng.





Trò chơi tung còn mỗi độ xuân về là một nét văn hóa độc đáo của người Thái Điện Biên nói riêng và của dân tộc Thái Tây Bắc nói chung.


(Sở Văn hóa Thông tin Điện Biên)