Nó sẽ đánh đâu? Ta đỡ thế nào? Thế nào là ta thắng?

Hội nghị giải đáp hai câu hỏi sau xác đáng. Còn câu một, đa số đoán là đồng bằng quanh Hà Nội, nếu Việt Bắc thì không đến Bắc Kạn. Đợi xem.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Dự đoán Thu Đông 1947”



Hội nghị quân sự lần thứ tư họp vào ba ngày 27, 28, 29 tháng Chín (năm 1947). Mùa khô đã tới. Cuộc tiến công lớn có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Hội nghị này có nhiệm vụ khó khăn là phán đoán ý đồ tiến công của địch và bàn kế hoạch làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của chúng.

Chúng ta đã chú ý sớm đến công tác tình báo, nhưng vì thiếu kinh nghiệm, tổ chức chưa ổn định nên chưa đáp ứng được yêu cầu tìm hiểu âm mưu chiến lược của địch. Nguồn tin tức chủ yếu vẫn là dựa vào báo chí, đài phát thanh của Pháp và phương Tây, hoạt động của những chính khách, tướng lĩnh Pháp và sự động tĩnh của quân viễn chinh trên các chiến trường. Tới tháng Chín, chúng ta có tin địch đưa thêm 20.000 quân tăng viện, trong đó có quân dù và binh lính Bắc Phi. Xa-lăng đã thay Đép-bơ làm chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở miền bắc Đông Dương. Xa-lăng đã có mặt ở Đông Dương từ lâu, khá am hiểu vùng rừng núi phía bắc Việt Nam. Có tin Xa-lăng nhiều lần đi máy bay thị sát biên giới phía bắc, vùng đông bắc và vùng trung du; quân dù, quân Bắc Phi và quân ngụy đang được huấn luyện để có thể đánh sâu vào rừng núi Bắc bộ.

Tôi báo cáo tình hình các mặt trận, so sánh lực lượng giữa ta và địch, những phán đoán về địch mà ta lấy làm chắc, rồi nêu lên một số nhận định và dự kiến.

Hội nghị nhanh chóng thống nhất nhận định cuộc tiến công của địch trong Thu Đông này nhằm chụp bắt cơ quan đầu não của kháng chiến, đánh quỵ bộ đội chủ lực ta, phá các căn cứ, để tạo điều kiện cho một chính quyền tay sai ra đời, sau đó sẽ biến dần chiến tranh xâm lược thành một cuộc chiến tranh dùng người Việt đánh người Việt. Như vậy, Bắc bộ sẽ là chiến trường chính. Ở Trung bộ, địch có thể chia cắt chiến trường thành nhiều đoạn rồi càn quét. Ở Nam bộ, quân Pháp và quân ngụy sẽ mở những trận càn quét lớn.

Nhưng khi phán đoán cuộc tiến công chiến lược chính của địch nhắm vào đâu thì ý kiến phân tán giữa ba hướng: đồng bằng, Việt Bắc và Khu IV (Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình - Trị - Thiên).

Một số người cho rằng địch sẽ đánh đồng bằng vì đây là vùng đông dân, nhiều lương thực, nằm bao quanh Hà Nội, phát huy được tối đa sức mạnh của cơ giới, sẽ tạo nhiều thuận lợi cho Pháp lập một chính quyền bù nhìn. Một số khác cho rằng địch sẽ đánh Việt Bắc vì muốn kết thúc nhanh chiến tranh, chúng phải đánh thẳng vào cơ quan đầu não và nơi tập trung bộ đội chủ lực của ta. Có những người cho rằng Pháp sẽ đánh Khu IV là vùng tự do rộng lớn của ta hiện nay để mở rộng phạm vi chiếm đóng, nối liền miền Bắc với phần còn lại của miền Trung. Nhiều người cho rằng đánh đồng bằng hoặc Khu IV, địch sẽ có thể giành thắng lợi với ít khó khăn hơn nhiều so với chiến trường Việt Bắc toàn rừng núi và là nơi ta tập trung chủ lực.

Sau khi thảo luận tiếp, đa số cho rằng địch có thể đánh đồng bằng trước, nếu mạo hiểm mới đánh lên Việt Bắc. Ở Việt Bắc chỉ còn một số thị xã chưa phá hoại, trong đó có Bắc Kạn. Nhiều ý kiến cho rằng quân Pháp sẽ không nhảy dù xuống đây, vì Bắc Kạn ở quá xa và nằm sâu trong vùng căn cứ của ta giữa rừng núi.

Hội nghị chuyển sang bàn cách đối phó với cuộc tiến công mới của địch.

Với so sánh lực lượng, ta không thể chấp nhận một trận đánh quyết định với chủ lực của địch, mà cần làm thất bại âm mưu của địch nhằm tiêu diệt chủ lực ta. Ta chủ trương sẽ kiên quyết giữ gìn chủ lực đi đôi với tiêu diệt từng bộ phận quân địch, bảo vệ căn cứ nhưng không cố thủ, thực hiện phối hợp chiến đấu giữa các khu và trên toàn quốc, phá tan âm mưu lập ngụy quyền.

Về cách đánh, Hội nghị nhấn mạnh: Kiên quyết phát động chiến tranh du kích, tập trung bộ đội để đánh vận động, vừa dùng đơn vị đại đội để hoạt động trên chiến trường của mỗi địa phương, vừa tập trung chủ lực đánh vận động. Bộ đội ta cần tránh phòng ngự chính diện, phải ở lại vùng sau lưng địch để chiến đấu, tập trung và phân tán nhanh chóng. Lực lượng vũ trang ta nhất định không để kẻ địch tiêu diệt, bao giờ cũng phải bảo tồn lực lượng chứ không giữ đất bằng mọi giá.

Hội nghị đã giải đáp một câu hỏi được nêu lên: Thế nào là thắng trong trận đánh sắp tới?

“Nếu chúng ta đối phó với cuộc tiến công mùa Đông mà giữ gìn được phần lớn lực lượng là ta nắm phần thắng. Việc tiêu hao và tiêu diệt địch sẽ làm gia tăng phần thắng”.


(Trích hồi ký
Chiến đấu trong vòng vây in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 450-452. Nhan đề phần trích tạm đặt.)