“Ðế và vương”

Trương Chính v.v.




Theo quan niệm chính thống về thể chế của Trung Quốc, thì thoạt đầu “thiên tử” “thay trời trị dân” đều xưng là vương. Vương là người có thể giao tiếp với trời, có thể điều hòa mối quan hệ giữa trời, đất, người, cho nên được biểu thị bằng ba vạch ngang và một vạch dọc thông suốt nối liền (đây nói về cách viết chữ vương). Còn bên dưới, các nước chư hầu, chỉ được xưng theo chức tước phong, do thiên tử ban cho, như công, hầu, bá, tử, nam mà thôi. Nhưng từ khi nhà Chu suy yếu, vua chư hầu phần lớn đều xưng vương cả. Ðến khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi, thống nhất trung nguyên, thì ông ta tự xưng là đế, hoàng đế. Từ đó về sau, vua các triều đại của Trung Quốc nhất loạt xưng là đế hết. Vương trở thành tước phân phong cho hoàng thân, quốc thích và công thần, chứ không có ý nghĩa làm chủ một nước nữa.

Ở ta, thời Bắc thuộc, những vị anh hùng dân tộc phất cờ khởi nghĩa, đánh đuổi giặc ngoại xâm (...) cũng đã có vị xưng đế: Lý Nam đế, Mai Hắc đế. Từ Ðinh Tiên Hoàng trở về sau thì xưng hoàng đế hết... (...) Ðó là một cách khẳng định quyền tự chủ, độc lập, thống nhất và bình đẳng với các triều đại (...) phương Bắc.


(Trương Chính và Ðặng Ðức Siêu,
Sổ tay văn hóa Việt Nam, nxb. Văn Hóa, 1978)