Đại khái như hai người giành nhau lái một cái xe. Ta lái thì xe tới cái chỗ ta muốn nó tới. Trong một trận đánh, chỗ ấy là thắng lợi hay tổn thất ít nhất. Còn trong cả cuộc kháng chiến thì dĩ nhiên cái chỗ muốn tới là độc lập, thống nhất. (Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Phải giành và giữ chủ động”




Hạ tuần tháng tám (năm 1947), tôi đi Bắc Kạn và Cao Bằng (...)

Thị xã Bắc Kạn đã có những bãi cọc tre chống nhảy dù, nhưng vẫn mang không khí một đại hậu phương ở xa mặt trận.

Từ Bắc Kạn đi lên luôn luôn nhìn thấy dãy núi Cứu Quốc cao ngất trời. Chưa hết mùa hè. Tiết trời Việt Bắc còn oi ả. Nhưng qua khỏi Nà Phạc, không khí cao nguyên mỗi lúc càng trong trẻo, tươi mát. Những bông hoa sử quân tử, hoa cúc dại nở rộ hai bên đường.

Tới thị xã Cao Bằng, tôi cảm thấy như trở lại quê nhà. Các đồng chí cũ và bà con cơ sở từ nhiều nơi được tin kéo tới rất đông (...) Trong buổi làm việc với tỉnh ủy, ủy ban và chỉ huy quân sự tỉnh, tôi nhấn mạnh khả năng sớm muộn quân Pháp sẽ đánh chiếm Cao Bằng để bít kín biên giới phía bắc nước ta, cần tiến hành gấp việc phá hoại thị xã, triệt để thực hiện “vườn không nhà trống”, khi địch tới bộ đội và nhân dân Cao Bằng phải chiến đấu xứng đáng là cái nôi cách mạng của Việt Bắc, được Bác Hồ trực tiếp đào luyện (...)

*

Hội nghị quân sự lần thứ ba, trung tuần tháng sáu (...) thống nhất nêu lên 11 nguyên tắc chính.

Nguyên tắc thứ nhất: Giữ vững chủ động.

Thực tế chiến đấu suốt thời gian qua ở khắp nơi nơi đều chứng tỏ, cũng với so sánh lực lượng như vậy, nhưng kết quả sẽ hoàn toàn khác nếu quyền chủ động thuộc về ta (...) Chủ động trong tiến công và trong rút lui, nếu không đem lại thắng lợi thì cũng hạn chế tới mức thấp nhất những tổn thất. Nghị quyết viết: “Cả về chiến lược lẫn chiến thuật, chúng ta phải đi đến chỗ giữ vững quyền chủ động: tác chiến của bộ đội chỉ một phần nhỏ là đối phó với các cuộc hành binh của địch, còn phần lớn là phải do một kế hoạch ta định trước để phá tan những kế hoạch của địch và thực hiện những ý định của ta”.

Ở đây cũng nên nói thêm. Ba mươi năm kháng chiến, có thể thấy rõ là một quá trình giành và giữ vững quyền chủ động về chiến lược, chiến thuật giữa ta và quân địch, thắng lợi sẽ đến với bên nào nắm chắc được quyền chủ động (...) Nguyên tắc đầu tiên này chi phối hầu hết những nguyên tắc tiếp theo (...)

Nguyên tắc thứ hai: Hiểu rõ lực lượng của ta và lực lượng của địch.

Trong tác chiến, cán bộ chỉ huy của ta đã bộc lộ rõ hai nhược điểm: không rõ tinh thần, năng lực của bộ đội, hiệu lực của những vũ khí hiện có; không nắm vững tình hình địch. Nghị quyết nhấn mạnh: “Hai khuyết điểm này cần phải chú ý sửa chữa ngay, nếu không thì không thể có một sự dùng binh hợp lý”. Đây chính là điều ông cha ta đã nói từ xưa: “Biết mình biết người, trăm trận đánh trăm trận thắng”. Lúc này nó càng thấm thía, do so sánh lực lượng quá chênh lệch giữa ta và địch, một sự chênh lệch nhân dân ta chưa từng gặp trong lịch sử chống xâm lăng.

Nguyên tắc thứ ba: Biết dùng lực lượng dự bị.

Muốn giữ được quyền chủ động trong tác chiến thì phải có lực lượng dự bị và phải biết sử dụng lực lượng đó. Nghị quyết quy định: “Mỗi đơn vị chuẩn bị tác chiến đều phải có một bộ phận dự bị. Mỗi khu phải có chủ lực tức là lực lượng dự bị của khu. Bộ Tổng chỉ huy phải có chủ lực do Bộ trực tiếp điều khiển, tức là lực lượng dự bị toàn quốc”.

Nguyên tắc thứ tư: Biết tập trung binh lực, biết điều động kịp thời.

Nguyên tắc thứ năm: Phải giấu lực lượng của mình, làm sai lạc phán đoán của địch.

Nguyên tắc thứ sáu: Phải đánh bất thần, xuất kỳ bất ý, lợi dụng những nhược điểm của địch.

Nguyên tắc thứ bảy: Phải thực hiện sự phối hợp về chiến lược và chiến thuật.

Nguyên tắc thứ tám: Phải phối hợp bộ đội chủ lực với dân quân du kích, tự vệ.

Nguyên tắc thứ chín: Phải nặng về tiêu diệt chiến.

Nguyên tắc thứ mười: Phải có kế hoạch thiết thực, rành mạch.

Nguyên tắc thứ mười một: Phải tiến cho kịp địch và hơn địch.

Cuộc chiến đấu quá không cân sức không cho phép ta phạm sai lầm ngay từ đầu trên những nguyên tắc lớn. Ngày nay nhìn lại, có thể nói rằng tất cả những nguyên tắc lớn đề ra từ những tháng đầu kháng chiến toàn quốc, đã được chúng ta vận dụng trong suốt hai cuộc chiến tranh.


(Trích hồi ký
Chiến đấu trong vòng vây in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006. Nhan đề phần trích tạm đặt.)