Bánh cũng như người: hễ “hợp hoan với nhau” thì kết quả là “một đứa trẻ”! Chất bùi (được “nâng cao” bằng muối) của đậu nổi lên trong chất “u huyền, thơ mộng” của bánh: đẹp lưỡi quá. Bánh khoái chưa ăn đã khoái! (Thu Tứ)



“Bánh khoái”

Vũ Bằng




Cũng mỡ màng, nhưng không có hành chưng, còn một thứ bánh nữa thỉnh thoảng ăn cũng thú lắm, là bánh khoái.

Bánh khoái cũng quấy như bánh đúc, nhưng không có nước vôi, và nát hơn bánh đúc nhiều.

Ngay trước khi xảy ra chiến tranh, bánh khoái chợ Mơ có tiếng là ngon: người ăn ngồi ngay trên một cái ghế dài cạnh gánh hàng; bánh múc ra bát là ăn ngay, trong lúc khói bốc lên nghi ngút.

Đây cũng là một thứ quà buổi trưa của Hà Nội; người bán đi rong phố phường lấy vải bông và buồm, đậy nồi bánh cẩn thận để giữ bánh nóng lâu. Ăn một hai bát, tỉnh người ra trông thấy. Nhưng bánh này ngon và được chuộng, một phần lớn cũng vì có bánh dầy cắt nhỏ - thứ bánh dầy Mơ, ăn mềm mà có rắc đậu ở trên mặt, chứ không phải là thứ bánh dầy to, nhẵn, bóng những mỡ, rất phổ thông hiện giờ, mà người ta vẫn gọi là bánh dầy Quán Gánh.

Thứ bánh dầy Mơ này bây giờ ít thấy, ngày trước bán một xu hai chiếc, và có hai thứ nhân: đậu hay đường.

Trong bánh khoái nóng hổi, người ta cắt vào mấy miếng bánh dầy Mơ; trộn đều lên cho bánh khoái và bánh dầy hợp hoan với nhau rồi ăn, ta vừa thấy vui mắt (vì đậu vàng nổi lên như nhị sen trong một cái ao trắng muốt) mà lại êm giọng, ngầy ngậy như mùi da thịt một đứa trẻ bụ bẫm, và bùi một cách thanh thanh.

Ăn bánh khoái rưới nước mắm hay trộn với ruốc, tức là làm phí cả bánh đi, mà người ăn lại còn bị coi là tục.

Cái thú ăn bánh khoái là nó nát mà chính lại ráo rẻ: nhởn nha xúc lên đầu đũa ăn từng miếng nhỏ, có vẻ như ăn một bát yến chay - mà cái vị mặn của muối không có công dụng gì khác hơn là nâng cao chất bùi của đậu bánh dầy cho nó nổi lên, như một nghệ sĩ tài tình điểm một hai nét vàng vào một bức vẽ sương sớm cho nổi cảnh sắc u huyền, thơ mộng.


(Trong
Miếng ngon Hà Nội)