Tháng Tư năm 1940 là lúc Hội nghị Trung ương lần thứ sáu vừa họp xong. Đảng chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất Dân tộc Phản đế Đông Dương để đấu tranh giải phóng các dân tộc Đông Dương. Các cán bộ Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp sắp sửa lên đường vượt biên giới sang Tàu gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Lúc ấy, Tố Hữu đang ở trong tù.

Bất kể “ngoài” hay “trong” và mặc “sóng tung hay gió quật thâm người”, “mỗi đứa chúng mình” cứ “tay bình tĩnh (...) ghìm ôm vững lái” hoặc “cứ cắm cổ bơi chèo”. “Bão (còn) rốc thổi già trên biển loạn” rất lâu, nhưng “đoàn ghe ta” rồi sẽ tới bến!

Giữa đám “bạn thuyền” có một “bạn” vừa chèo vừa gieo những vần đầu tiên của một dòng thơ cách mạng rồi sẽ chảy rất ào ạt trong suốt bao nhiêu năm.
(Thu Tứ)



“Giờ quyết định”

Tố Hữu




Không thể nữa, lưng chừng hay tính toán
Trọn đời ta rút gọn ở giờ này
Bão đã rốc thổi già trên biển loạn
Sống là đây mà chết cũng là đây

Không thể nữa, lơi chèo hay quay lái
Đằng sau kia còn bãi cát nào đâu?
Chỉ ghê gớm núi chồm trên sóng dại
Chực quăng ta vào mỏm đá nhô đầu

Không thể nữa cầu xin êm gió nước:
Gió vô tri và nước cũng điên cuồng
Phật vẫn lặng như ngàn năm thủa trước
Và Trời hay Thiên chúa chỉ hư không

Không thể nữa, không bao giờ được nữa!
Đoàn ghe ta chỉ sống ở trăm tay
Bão cố xé cho đoàn ta tan rã
Thì mau lên, riết chặt mối ngàn dây!

Xích sát lại, cập kề nhau vững chắc
Dầu sóng tung hay gió quật thâm người
Da rét, mặc! Tả tơi quần áo, mặc
Phải gắng lên: mỗi đứa chúng mình ơi!

Tay bình tĩnh cứ ghìm ôm vững lái
Còn bao nhiêu cứ cắm cổ bơi chèo
Không một tiếng thở dài buông rã rợi
Không một lời để chán nản thầm gieo!

Dầu phải chết một phần ta, cứ chết!
Không kêu ca, không tiếc hối, than phiền
Quyết không để cả đoàn tan nát hết
Bạn thuyền ơi! Nỗ lực bơi chèo lên!


Tháng 4-1940