Ngẫu nhiên, trong các vũ khí hiện đại thì những món có khả năng sát thương tầm trung dễ chế tạo nhất. Đại bác hiển nhiên quá khó, mà súng lục, súng trường, súng liên thanh, cùng đạn của tất cả loại súng ấy, cũng hoàn toàn nằm ngoài khả năng của “kỹ nghệ quốc phòng” mới ra đời. Chế được lựu đạn, súng cối, ba-dô-ca, đã đủ là kỳ tích rồi!

Thua giặc không biết bao nhiêu về vật chất, mà hơn giặc không biết bao nhiêu về tinh thần, là quân kháng chiến Việt Nam.
(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Lo ăn, lo mặc, lo súng ống...”




Mùa hè năm đó (1947), chúng ta đã làm được khá nhiều việc.

Chính phủ kháng chiến phải đặt những cơ sở ban đầu cho nền kinh tế tự túc trong chiến tranh. Không thể để sản xuất đình đốn. Phải đảm bảo nhu cầu ăn mặc cho nhân dân và lực lượng vũ trang (...)

Bộ Quốc phòng dành hẳn một lực lượng bộ đội trực tiếp tăng gia sản xuất, và tổ chức những nông trường đầu tiên. Bộ đội ở đâu đều tổ chức sản xuất ngay ở đó với quy mô nhỏ. Vấn đề bảo vệ sản xuất trở nên khẩn trương. Giặc Pháp phá hoại mùa màng, cướp thóc lúa, nông cụ, giết trâu bò để triệt nguồn lương thực của ta. Bộ đội, du kích có nhiệm vụ đánh địch hỗ trợ nhân dân thu hoạch mùa màng, cất giấu thóc lúa.

Bác gửi thư nhắc đồng bào giữ gìn đê điều: “Chúng ta phải ra sức ngăn giặc lụt cũng như chống giặc ngoại xâm...

Lụt thì lút cả làng,
Muốn cho khỏi lụt thiếp chàng cùng lo” (...)

Vì nhiều vùng có chiến sự nên diện tích trồng lúa bị thu hẹp. Nhưng lượng thóc trong cả nước so với năm trước không giảm bao nhiêu, diện tích trồng màu lại tăng khá nhiều.

Chính phủ chủ trương mở mang, khuyến khích thủ công nghiệp và tiểu công nghiệp, đặc biệt chú trọng kỹ nghệ chế tạo vũ khí và khai thác nguyên liệu. Phương châm phát triển lúc này là: “Tổ chức quy mô nhỏ, phân tán, dùng công cụ sản xuất thô sơ kết hợp với máy móc, dựa vào dân, dựa vào nguyên liệu trong nước, địa phương tự lập, sản xuất tự cấp, tự túc”.

Đến đầu tháng Sáu, ta đã tổ chức được gần hai trăm trại sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, tiểu công nghiệp, thu hút bốn vạn đồng bào tản cư (...)

(Ngoài) các nhà máy quốc phòng (trực thuộc Bộ Tổng chỉ huy) còn có những xưởng vũ khí của dân quân, của công an, của Tổng liên đoàn ở các khu, các tỉnh. Cán bộ, chiến sĩ quân giới đã “tái sinh” nhiều máy móc hư hỏng, cải biến những máy móc không thích hợp, khai thác nguyên liệu làm thuốc đen, thu nhặt bom đạn chưa nổ của địch, mò vớt súng đạn, thủy lôi dưới lòng sông. Sáu tháng cuối năm 1947, quân giới từ Khu V trở ra sản xuất được khoảng 130.000 tấn vũ khí các loại. Ở Nam bộ các cơ sở sản xuất vũ khí đã được tổ chức từ năm trước và được tiếp tục duy trì, trong điều kiện hết sức khó khăn (...)

Tổng số vệ quốc quân ngày toàn quốc kháng chiến là 85.000 người đã tăng lên đến 120.000 người (...)

Nhưng trang bị vẫn chưa cải tiến được bao nhiêu. Ngoài một số vũ khí ta mới sản xuất như ba-dô-ca, súng cối, lựu đạn chống tăng, bộ đội vẫn sử dụng những súng cũ, đạn rất ít. Toàn quân lúc này có khoảng ba vạn khẩu súng, hầu hết là súng trường với gần hai chục kiểu. Quần áo bộ đội phần lớn do anh em mang từ gia đình đi. Nhiều đơn vị thành lập một thời gian dài vẫn không đủ quần áo cấp cho bộ đội. Các chiến sĩ tự sắm dép cao-su, làm lấy mũ nan, bi-đông, bát, ba-lô, giỏ lựu đạn bằng vật liệu tre mây (...)


(Trích hồi ký
Chiến đấu trong vòng vây in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006)