Đẻ, rồi phải nuôi nữa, mới được. Lý tưởng đẻ ra dũng cảm, nhưng một mình lý tưởng không nuôi nổi dũng cảm. Phải có “những cách đánh địch có hiệu quả” cùng nuôi nữa, thì dũng cảm mới sống nổi. Đánh giặc cứu nước, tốt. Nhưng tướng phải chỉ huy sao cho đánh có hy vọng thắng thì quân mới khỏi “bỏ đồng đội, bỏ đơn vị chạy dài”. (Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Lòng dũng cảm phải nuôi”




Ngày mới được Bác trao nhiệm vụ tổ chức đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tôi thường tự hỏi: cái gì khiến người chiến sĩ bật dậy xung phong trước làn đạn của kẻ thù? Qua các trận đánh, đã thấy đó là lòng dũng cảm bắt nguồn từ một lý tưởng. Trên khắp các mặt trận, quân và dân ta đã chứng tỏ một tinh thần cực kỳ dũng cảm. Nhưng cũng đã có những hiện tượng buộc ta phải suy nghĩ. Một số cán bộ, chiến sĩ có quá trình rèn luyện, nhưng khi mặt trận bất thần vỡ đã hốt hoảng bỏ đồng đội, bỏ đơn vị chạy dài. Trong khi đó, các chiến sĩ trung đoàn Thủ đô, phần lớn là những người dân mới cầm vũ khí, được lệnh rút khỏi thành phố đã tình nguyện ở lại giữa vòng vây tiếp tục chiến đấu. Điều cần rút ra là tinh thần dũng cảm càng thật sự bền vững khi người chiến sĩ có một phương pháp đánh địch và bảo vệ mình có hiệu quả. Người chỉ huy không thể chỉ đòi hỏi, trông chờ ở tinh thần dũng cảm của chiến sĩ hay cán bộ cấp dưới, mà phải luôn luôn tìm ra trong những tình huống biến động của chiến tranh, biện pháp hiệu quả để giành chiến thắng với tổn thất ít nhất. Đó chính là cách nuôi dưỡng và phát huy tinh thần dũng cảm của bộ đội. Quá trình chỉ huy chính là quá trình tìm hiểu, phát hiện và sáng tạo những cách đánh địch có hiệu quả nhất.


(Trích hồi ký
Chiến đấu trong vòng vây in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 440. Nhan đề phần trích tạm đặt.)