“Khương thôn”

của Đỗ Phủ




Cái người mà vợ con đinh ninh chẳng bao giờ còn gặp lại, bỗng thấy bước vào nhà, người ấy có lẽ chính là Đỗ Phủ, bởi ông có lần đã bị loạn quân bắt. Tưởng tượng cảnh một gia đình mừng mừng tủi tủi, sụt sụt sùi sùi, rồi hàng xóm kéo qua ngắm cảnh đoàn viên bất ngờ cảm động cũng đua nhau sụt sụt sùi sùi. Trong nhà không có ai làm đổ nước mà nền có chỗ ướt, trời không mưa mà ngoài sân cũng có chỗ ướt! Đêm khuya, đèn đã tắt rồi lại được thắp lên để vợ chồng cùng “trông nhau mà tưởng như còn trong mơ!” (thơ Tố Hữu, bài “Lại về”).

Nguyên văn

Tranh vanh xích vân tây
Nhật cước há bình địa
Sài môn điểu tước táo
Qui khách thiên lý chí
Thê noa quái ngã tại
Kinh định hoàn thức lệ
Thế loạn tao phiêu đãng
Sinh hoàn ngẫu nhiên toại
Lân nhân mãn tường đầu
Cảm thán diệc hư hi
Dạ lan cánh bỉnh chúc
Tương đối như mộng mị.


Dịch nghĩa

Phía tây lưng trời có mây đỏ
Mặt trời đã xuống tận đất
Ngoài cổng sài chim kêu ríu rít
Người từ ngàn dặm về đến nơi
Vợ con sửng sốt, không ngờ còn sống
Hết bàng hoàng, lại (luôn tay) chùi nước mắt
Ðời loạn, bị trôi giạt
Ðược sống trở về là chuyện tình cờ
Hàng xóm chen chúc đầu tường
Ai cũng xúc động sụt sùi
Ðêm khuya lại thắp đèn lên
Nhìn nhau mà tưởng như trong mộng.

Dịch thơ

Xa trông mây rực phương đoài
Đồng quê le lói một đôi nắng tàn
Cổng sài chim chóc kêu ran
Như vui đón khách dặm ngàn về đây
Nhà ra, miệng há mặt ngây
Qua cơn sửng sốt, lệ đầy chan chan
Đinh ninh hồn đã suối vàng
Hay đâu còn có hân hoan phút này
Ngẩn ngơ ngẫu nhĩ sum vầy
Chen nhau chòm xóm cũng lây sụt sùi...
Mặt kề mặt, lạ chưa nguôi
Canh khuya thắp lại đèn soi tận tường!


Bản dịch thơ khác

Mái tây mây đỏ cao dần
Đất bằng thông thống đường chân mặt trời
Tiếng chim xáo xác cửa sài
Dặm nghìn, khách đã tới nơi quê nhà
Vợ con đâu tưởng còn ta
Tan cơn ngơ ngác, lau qua giọt hồng
Loạn ly gặp bước bềnh bồng
Sống về, may lại còn trông có rày!
Tường bên hàng xóm đứng đầy
Thở than cũng muốn dãi bày tình thương
Đèn xanh chong suốt đêm trường
Nhìn nhau còn tưởng mơ màng thấy nhau.
(Ngô Tất Tố)



Thu Tứ