Người hóa “chó”. Rồi chó có khi giả “cừu”, giả “chim”!

Từ “nơi làm thịt người” lên “Hỏa Lò”...

“Cái bến sông vắng tanh”, hình như quá xa xôi.

(Thu Tứ)



Nguyễn Đình Thi, Vỡ bờ (21)



Khắc ngất đi từng hồi lâu. Trí óc anh chìm vào một bóng đêm lúc thì đỏ ngùn ngụt, lúc thì đen kịt, đầy những hình ảnh kỳ quái và hỗn độn. Một đôi lúc Khắc chập chờn thấy như có mặt nước vỗ lõng bõng chung quanh. Đây là cái bến đò, nơi anh định đánh lừa đưa tụi mật thám đến. Cái bến sông vắng tanh, bên bờ rậm rạp lau sậy, chỉ chạy được chừng vài chục bước là có thể lẩn được xuống bãi lau kín như rừng. Ý nghĩ ấy phảng phất bay qua. Khắc muốn nói một câu gì nhưng miệng anh cứng lại, không theo ý muốn của anh nữa. Từ trong cổ họng Khắc chỉ bật ra những tiếng rên hừ hừ, rồi tất cả lại tối sầm quay tít như chong chóng và kêu vang lên ù ù. Khắc vật vã, thoi thóp trên hai tấm ván xà-lim.

*

Liền bốn ngày, Khắc bị tra dữ dội. Quay điện khan, treo ngón tay cái lên truyền điện giật cho “nhảy đầm”, treo một chân lên chấn song sắt ở khung cửa sổ trong xà-lim, đổ hàng thùng nước vào mồm vào mũi cho trương bụng lên rồi quay điện, những thứ cực hình làm cho Khắc chết đi sống lại đã bao nhiêu lần.

Nằm cùm, mỗi lần nghe ngoài cổng ngục xích sắt kêu loảng xoảng rồi cánh cổng mở rít ken két, Khắc lại rùng mình ghê rợn. Mỗi trận tra tấn hãi hùng, vẫn chỉ quanh đi quẩn lại mấy câu hỏi và mấy câu trả lời:

- Cơ quan mày ở đâu?

- Tôi không có cơ quan.

- Báo in ở đâu?

- Tôi không biết.

- Cơ quan xứ ủy ở đâu?

- Tôi không biết.

- Mày đã tổ chức những đứa nào?

- Tôi chưa tổ chức được ai cả.

Rút cục, vẫn chỉ có một “đầu mối” là cái người lạ mặt, mặc quần áo tây, đội mũ phớt đen, tên là Hoàn, mà Khắc nói có hẹn sẽ gặp anh tháng tới.

Sau mỗi trận tra, Khắc lại chết ngất, mê man. Và mỗi đêm, cứ khoảng gần sáng, vào “tua” của người gác ngục trẻ tuổi, thì Khắc lại được một người tù đầu trọc vào xoa bóp, cho anh ăn sữa, có hôm cho anh uống cả mật gấu nữa. Những lúc ấy, Khắc cảm động, muốn rơi nước mắt. Nhưng anh vẫn chưa hiểu người tù ấy là thế nào. Có lúc hơi tỉnh, nằm suy nghĩ, anh tự bảo mình phải cẩn thận. Biết đâu, lại chẳng phải một người “cừu”. Bọn mật thám thường hay dùng lối cho “cừu” giả làm người cùng bị bắt, tìm cách khiến mình sinh cảm tình, rồi khéo léo moi chuyện. Sữa ấy, mật gấu ấy ở đâu ra? Mặt khác, căn cứ vào những câu nói chuyện với người gác ngục mà Khắc thoáng nghe được trong lúc nửa tỉnh nửa mê thì có vẻ đúng là người tốt. Trong con mắt nhìn, trên vẻ mặt thật thà của người tù, có những tình cảm mộc mạc mà khó lòng bọn chó săn chim mồi có thể giả vờ đóng trò được. Một đêm, nhân lúc người gác ngục ra ngoài, Khắc cố hỏi chuyện.

- Anh tên là gì?

Người tù, tay vẫn bóp chân cho Khắc, miệng khẽ trả lời:

- Tôi tên là Mầm.

- Anh vào đây lâu chưa?

- Sắp ba tháng rồi.

- Anh phải bắt về việc gì?

- Tôi làm phu ở dưới trường bay Cát Bi. Anh em chúng tôi chỉ có một hôm bỏ ăn, đòi nhà thầu phải cho cơm gạo tốt hơn, - nó ăn cắp quá tệ, cứ tống cho toàn gạo mục, cá thối thôi, - thế là đến hơn hai chục người bị xích tay đem về đây. Chúng nó tra mấy trận rồi cho về hết, chỉ còn tôi với một anh nữa là phải giữ lại vì chúng tôi chửi tụi nó.

Khắc nhớ lại việc phu Cát Bi hơn hai tháng trước. Có như vậy thực. Người đầu trọc lại nói tiếp:

- Chúng nó đánh chán rồi, bây giờ anh bạn tôi đã sang ở bên vi-ô-lông, nhưng bên ấy chật quá, thành tôi vẫn phải ở bên này, nó cho ở xà-lim bỏ ngỏ. Anh em trong này bảo là nó sắp đưa tôi đi “căng” anh ạ.

- À, chắc nó đưa anh đi căng thật đấy.

Người tù bỗng nhoẻn cười:

- Có phải anh ở bên Chẩm không? Tôi người làng Gành đây.

- Thế à?

Một nụ cười hé ra trên cặp môi sưng vều của Khắc. Mầm thì thào:

- Tôi vẫn nghe tiếng anh từ hồi anh còn ở tù Côn Lôn. Thỉnh thoảng, tôi cũng có đến làm giúp đằng nhà. Cô Quyên thì cô ấy biết tôi đấy.

Khắc nắm lấy cùi tay của người bạn mới. Anh để ý nhìn Mầm kỹ hơn. Mầm lại nói tiếp, hai mắt lóng lánh:

- Các anh bên vi-ô-lông và cả bên này vẫn hỏi thăm anh luôn. Có nhà ông gì làm tri châu trên Lai Châu, phải giam trong này, lại gửi cả mật gấu cho anh đấy. Hôm nay anh có đỡ không?

Có tiếng bước chân của người gác ngục. Hai người thôi không chuyện trò với nhau.

*

Bọn mật thám cho Khắc được tạm yên, chúng chuyển sang tra những người khác. Vì đông người bị bắt, tra trên phòng lấy cung không đủ chỗ, nên bọn tay sai như thằng Đỉnh, thằng Tây lai Giuy-liêng thường xuống thẳng nhà ngục, quay điện. Ngày hai buổi, có khi cả ban đêm, dãy hành lang và xà-lim chẳng khác nơi làm thịt người. Những tiếng thét ghê rợn, những tiếng rú ằng ặc, những tiếng quát tháo, chửi bới đểu cáng, những tiếng kêu khóc, chẳng mấy lúc ngớt. Sau hơn chục trận tra chết đi sống lại, Khắc đã yếu quá, không thể đứng lên được. Hai ngón tay cái bị dây cứa gần nát hết thịt, vào đến tận xương, sưng tấy lên, đau buốt suốt ngày đêm. Ban cứu tế của anh em trong ngục gửi bông băng mang đến băng tạm lại. Mặt mũi Khắc méo mó hết cả, những chỗ sưng to tím đen lại, mềm nhũn, ấn ngón tay lõm vào được từng đốt.

*

Thằng Rô-be tới xà-lim của Khắc. Nó gọi anh ra hành lang.

- Mày đi được chưa?

- Tôi đã dậy được.

- Xa-va! Trên Hà Nội gọi mày đấy. Chúng tao đối với mày tử tế, mà mày không chịu khai thật ở đây, lên trên ấy mày sẽ biết. Cô-sông! Xứ ủy của mày vừa bị chộp rồi. Phen này thì hết chối.

Thằng Rô-be càng nói càng hằn học. Khắc tưởng nó lại sắp vồ lấy anh, đánh gục xuống ngay. Nhưng nó chỉ quát lên:

- Đưa tay đây!

Khắc chìa hai cổ tay cho nó khóa.

- A-lê! Đi theo tao.

Ra đến sân, thằng Rô-be dúi mạnh cổ anh, giục đi nhanh hơn. Một chiếc ô-tô con đã chờ sẵn ngoài cổng sở mật thám.


(Lược trích
Vỡ bờ, quyển I)