Ta “không thể chuyển thẳng từ phòng ngự sang phản công như ở Nga”, vì Nga có sẵn cả quân đội chính quy rất đông đảo lẫn công nghệ chế tạo vũ khí rất tiến bộ, trong khi ta vừa chỉ mới bắt đầu xây dựng quân đội vừa không có cơ sở công nghệ. Trong tình hình này, dĩ nhiên ta phải huy động “toàn dân” mới mong thắng. (Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Dự kiến và tổ chức”




Ngay sau khi tới căn cứ địa Việt Bắc, ngày 3 tháng Tư, Thường vụ triệu tập Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ hai. Hội nghị họp bốn ngày, đề cập một cách toàn diện mọi vấn đề chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa của cuộc kháng chiến và nêu lên những chủ trương, biện pháp để thực hiện đường lối kháng chiến lâu dài: vừa kháng chiến, vừa kiến quốc.

Về chính trị, hội nghị chủ trương củng cố và mở rộng mặt trận thống nhất chống thực dân, tổ chức thêm một số đoàn thể quần chúng mới, tranh thủ đồng bào Công giáo và dân tộc thiểu số...

Về quân sự, hội nghị nhận định: “Việt Nam không thể chuyển thẳng từ phòng ngự sang phản công như ở Nga, mà phải trải qua một thời kỳ lâu dài, gian khổ, vừa đánh vừa cố gắng bồi bổ vũ khí và xây dựng bộ đội, dần dần chuyển thế yếu của ta thành thế mạnh, chuyển thế hơn của địch thành thế kém”.

Ta dự kiến cuộc kháng chiến lâu dài sẽ phải trải qua ba giai đoạn. Trong giai đoạn thứ nhất, địch dùng quân cơ giới mở những cuộc hành binh quy mô rộng lớn, nhanh chóng mở rộng phạm vi chiếm đóng. Ta cần tiêu hao lực lượng địch, làm chậm bước tiến của chúng, bảo tồn chủ lực, tránh những trận đánh bất lợi, rút lui tới một mức nào đó, tuy vẫn tiến công bộ phận để tiêu diệt bộ phận địch. Sang giai đoạn thứ hai, địch sẽ dùng khủng bố, “quét sạch”, phong tỏa ta, cố lập chính phủ bù nhìn và dụ ta hàng. Ta phải bồi bổ lực lượng, bộ đội tiến lên mở rộng du kích vận động chiến, toàn dân thì phát động chiến tranh du kích ngay trong vùng địch kiểm soát, cả trong những thành phố lớn, vừa tiêu hao vừa tiêu diệt địch để chuẩn bị chuyển sang phản công. Giai đoạn thứ ba là lúc lực lượng địch đã suy yếu, lực lượng ta trội lên, điều kiện chủ quan và khách quan đều thuận tiện, ta sẽ tập trung lực lượng, dùng vận động chiến là chính, có du kích chiến, trận địa chiến hỗ trợ, phản công khắp các mặt trận, tiêu diệt địch, lấy lại các vùng đã mất.

Dự kiến tiến trình phát triển của cuộc kháng chiến (...) giúp quân và dân ta xác định đúng đắn nhiệm vụ trong từng giai đoạn (…) đồng thời không để tư tưởng chủ quan, nôn nóng chi phối (...)

Tháng 5 năm 1947, Bộ Tổng chỉ huy triệu tập Hội nghị dân quân lần thứ nhất tại Việt Bắc (...) nhằm mục đích thống nhất việc tổ chức và chỉ huy, xác định rõ địa vị chiến lược của dân quân (...)

Trong tổng kết sáu tháng đầu toàn quốc kháng chiến, Bộ Tổng chỉ huy đã kết luận: chỉ có thực hiện vũ trang toàn dân, phối hợp sự chiến đấu của bộ đội và sự chiến đấu của dân quân (...) có những đội du kích khắp nơi (...) thì mới làm cho giặc (...) bị khốn cùng về cả mọi mặt (...)

Nửa năm sau ngày kháng chiến toàn quốc, chúng ta đã có được những nghị quyết và những hình thức tổ chức (...) thể hiện tinh thần (...) của một loại hình chiến tranh mới: chiến tranh toàn dân.


(Trích hồi ký
Chiến đấu trong vòng vây in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006. Nhan đề phần trích tạm đặt.)