Nguyễn Từ Chi, “Cạp váy của người Mường” (1)




Cạp váy là bộ phận khăng khít của nữ phục Mường. Người Mường gọi nó là “Klốôc wặt” (trốc váy, đầu váy) (...)

Cạp váy không chỉ là một bộ phận trang phục. Nó còn chiếm một vị trí quan trọng bậc nhất trong nghệ thuật trang trí cổ truyền của dân tộc Mường.

Cũng có thể nói là vị trí “duy nhất”. Quả vậy trên toàn bộ địa bàn Mường không tìm đâu ra những điêu khắc phẩm trên mặt phẳng như ở châu Ðại Dương, hay những tượng tròn như ở châu Ðại Dương và ở Tây Nguyên. Khác với ngôi nhà cổ truyền của người Kinh, ngôi nhà Mường - kể cả nhà ở của Lang (quý tộc trong xã hội cũ) - hoàn toàn không có những công trình chạm khắc trên kèo, trên xà, trên đấu... cũng như trên mặt ván. Nhà ở của người Mường gần với nhà ở của người Thái hơn, cùng một kết cấu với nhà ở của người Thái. Nhưng ngôi nhà Mường không có trang trí ở hai đầu nóc, không có cái “khau cút” (...) xiết bao ngoạn mục của ngôi nhà Thái. Người Mường không có cột lễ, không có tượng mồ, không có tranh thờ (...) Ðồ đan lát của họ nói chung, không những thô hơn nhiều so với đồ đan lát của người Thượng ở Tây Nguyên hay người Xá ở Tây Bắc, mà còn rất hiếm hoa văn trang trí. Nếu có - trong vài trường hợp lẻ tẻ - thì đấy chỉ là những hình trám hay ô vuông xếp chéo khá là sơ sài. Trang phục của nam giới hoàn toàn thiếu hoa văn thêu hay hoa văn dệt. Kể ra, nếu rà thực kỹ, cũng có thể tính thêm những nét khắc (vụng và rối rắm) trên vỏ dao của người phụ nữ, những đồ án hình học (đơn điệu và không phải là của riêng dân tộc Mường) ở hai đầu chiếc gối, và thảng hoặc vài chiếc khăn thêu (thường chỉ thấy trên tay con gái nhà quý tộc (...) Như vậy, có thể xem cạp váy là bằng chứng phổ biến, độc đáo và hùng hồn nhất còn sót lại cho đến ngày nay về nghệ thuật tạo hình cổ truyền của dân tộc Mường, một nền nghệ thuật có lẽ vốn phong phú hơn thế nhiều.


(Nguyễn Từ Chi,
Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, nxb. Văn Hóa Dân Tộc và tạp chí Văn Hóa - Nghệ Thuật, Hà Nội, 2003)