“Tô đài lãm cổ”

của Lý Bạch




Nếu xây thời vua Ngô Phù Sai, thì “Tô đài” đã “cổ” khoảng mười hai thế kỷ khi được “lãm” đây. Nếu thế, mà vẫn còn dấu vườn dấu nhà ư? Kể di tích thì nước Tàu có nhiều lắm, chắc không tình cờ mà thi nhân yêu mỹ nhân chọn tìm thăm di tích này. Mặc cũ với hoang, xuân cứ khoe sắc như nhắc cái người xuân sắc mà trăng vằng vặc kia từng thấy…

Nguyên văn

Cựu uyển hoang đài dương liễu tân
Lăng ca thanh xướng bất thăng xuân
Chỉ kim duy hữu Tây Giang nguyệt
Tằng chiếu Ngô vương cung lý nhân.


Dịch nghĩa

Vườn cũ, đài hoang, liễu mới đâm chồi
Khúc ca hái ấu trong trẻo cũng khôn diễn tình xuân
Nay chỉ còn mỗi bóng trăng trên sông Tây Giang (1)
Xưa từng soi người đẹp trong cung vua Ngô.

Dịch thơ

Bản 1:

Vườn hoang đài vắng liễu cứ tơ
Đâu đây văng vẳng khúc xuân mơ
Nhìn quanh thấy chỉ trăng đùa sóng
Ngày ấy Tây Thi, mãi đến giờ...


Bản 2:

Liễu xanh xanh lối cũ
Xuân dìu dặt đài hoang
Người cung xưa đâu tá
Lẻ loi bóng trăng vàng.


Bản 3:

Vườn cũ xanh càng cây mới
Nghe này: xuân lại về đây
Lộng lẫy cung vàng dáng ngọc
Trơ còn bóng nguyệt sông Tây.


Bản 4:

Véo von nhỉ, xuân ca ai hát
Mặc lầu hoang, tha thướt liễu tươi
Lòng sông một bóng trăng chơi
Thiên hương thuở ấy giờ nơi trời nào...


Bản 5:

Vườn xưa, liễu mới đâm chồi
Vang vang câu hát đón trời vào xuân
(2)
Một thời, còn lại ông giăng
Cung Ngô từng vượt tường ngăn ghé nhòm!



Thu Tứ




















_______
Tên bài nghĩa là “Xem dấu xưa nơi đài Cô Tô”.
(1) Cô Tô nay thuộc thành phố Tô Châu tỉnh Giang Tô, trong khi con sông Tây Giang nổi tiếng lại ở miền nam Trung Quốc, cách nhau rất xa. Vậy Tây Giang trong bài thơ này là một con sông khác.
(2) Thanh Tâm Tuyền có câu thơ “Vang vang trời vào xuân”.