Hội nghị Quân sự lần thứ nhất mở chỉ hơn ba tuần sau khi Toàn quốc Kháng chiến bắt đầu. Hội nghị Quân sự lần thứ hai mở sau đó chỉ hơn hai tháng.

Giặc Pháp là “một đội quân nhà nghề thiện chiến”. Giặc Mông Cổ ngày xưa cũng thế. Nhưng giặc đời Trần về chất lượng của phương tiện chiến tranh không hơn gì ta, trong khi giặc thế kỷ 20 có phương tiện chiến tranh tối tân hơn ta hẳn một thời đại.

Mặc kệ chênh lệch. Ta học nhanh vô cùng và tận dụng “địa lợi, nhân hòa” để hóa giải hỏa lực cũng tài tình vô cùng.

Giặc đánh ta là giúp ta học đánh giặc. Tới tấp đi, cho người nông dân Việt Nam mau tốt nghiệp TRƯỜNG VÕ BỊ MÁU.
(Thu Tứ)



“Trường là chiến trường”

Đại tướng Võ Nguyên Giáp




Trong thời gian tạm dừng ở Phú Thọ trên đường “thiên đô” lên Việt Bắc, tôi thấy cần triệu tập hội nghị quân sự để kiểm điểm tình hình ba tháng chiến đấu vừa qua và đề ra chủ trương mới. Từ Phú Thọ vẫn còn đường tàu hỏa lên Lào Cai. Tôi nẩy ra ý muốn đi thăm và tìm hiểu tình hình chuẩn bị kháng chiến ở những tỉnh vùng Tây Bắc trong khi chờ đợi đại biểu các nơi về họp.

Thời Pháp thuộc, Lào Cai là một trong năm đạo quan binh của chính quyền thực dân ở biên giới phía Bắc. Gọi là quan binh có nghĩa là một tỉnh do quân đội nắm quyền cai trị. Sớm muộn quân Pháp sẽ tìm cách quay lại vị trí trọng yếu này.

Tôi lên Lào Cao với anh Bằng Giang, khu trưởng Khu X.

Tàu chạy qua Yên Bái, Bảo Hà, Phố Lu..., những địa danh nay mai sẽ gắn liền với chiến công của quân ta. Dọc đường, rừng núi mỗi lúc càng hoang vu, cao hơn và rậm rạp hơn. Sông Thao nhỏ dần. Đã nhìn thấy những tảng đá nổi lên giữa dòng sông.

Thị xã Lào Cai ở miền biên giới xa xôi cũng đã mang màu sắc của thủ đô. Tà áo màu của cô gái tản cư. Những anh thanh niên đứng mơ mộng bên bờ Nậm Ti ngắm cái thị trấn Hồ Kiều xa lạ bên kia sông. Nhớ lại ngày nào vượt sông Nậm Ti chỉ lo bị bọn cảnh sát phát hiện.

Chúng tôi đi tiếp lên Sa Pa, một ngọn của dãy Hoàng Liên Sơn quanh năm phủ đầy mây trắng. Đây là một mái nhà của đất nước Việt Nam. Người Sa Pa, không riêng các cô gái, cả ông chủ tịch ra tiếp đón chúng tôi, hai má cũng đỏ hồng.

Từ thị xã Lào Cai đến vùng núi cao, đâu đâu cũng nhộn nhịp chuẩn bị kháng chiến. Chỉ ít tháng nữa, Lào Cai sẽ trở thành một trong những vùng địch hậu đau thương trên chiến trường Tây Bắc.

*

Hội nghị quân sự lần thứ hai họp ở Tiên Kiên thuộc tỉnh Phú Thọ.

Ý kiến trong cuộc họp rất phong phú. Tất cả những người tham dự đều đã có thêm kinh nghiệm trong chiến đấu.

Chúng tôi nhận thấy rõ quân Pháp không những có vũ khí, trang bị rất mạnh, mà lại thành thạo trong cách dùng binh. Không phải vô cớ từ lâu nước Pháp đã tự hào về lục quân của mình.

Chiến thuật chủ yếu của Pháp trong thời gian qua là đánh vận động bằng cơ giới. Sau khi xác định mục tiêu tiến công, địch tập trung cơ giới từ các nơi lại, chọn hướng tiến quân ở những tuyến đường ta phòng thủ sơ sài, như đường đê, hay đồng ruộng khô. Họ chia nhiều mũi đánh vào mục tiêu. Ở những nơi ven biển hoặc có đường sông, bao giờ họ cũng tận dụng các phương tiện đổ bộ đường sông hoặc đường biển. Thường thì họ dùng bộ binh, xe tăng, xe thiết giáp có máy bay và pháo yểm trợ đánh ở chính diện, rồi bất thần dùng xe lội nước hoặc ca-nô bọc thép đổ quân vào sau lưng hoặc cạnh sườn, từ hai mặt dồn quân ta vào giữa. Đó là cách đánh của họ trên đường số 5 và ở Huế. Dựa vào ưu thế tuyệt đối về hỏa lực, họ đột phá những nơi ta phòng ngự trận địa, phá vỡ đội hình ta, hòng làm rối loạn và tan rã quân ta. Hình thức gọng kìm, bao vây, vu hồi luôn được áp dụng trong những cuộc tiến công.

Ngoài những trận đánh lớn, ở một số nơi địch sử dụng cả chiến thuật du kích một cách khôn ngoan. Tại Sơn La, quân Pháp chia thành những phân đội nhỏ, từ mười tới mười hai người, thay đổi vị trí ngày ở một nơi, đêm một nơi. Chúng bất ngờ tập kích bộ đội ta từ phía sau lưng hoặc cạnh sườn. Ở Huế, có những toán địch một đêm thay đổi vị trí mấy lần. Chúng thắp đèn sáng ở những nơi không đóng quân...

Tổ chức phòng ngự của quân Pháp khá nền nếp. Di chuyển tới đâu cũng làm ngay công sự, đào hầm hố, giao thông hào, xếp bao cát, xây dựng hỏa điểm, chăng dây thép gai, buộc ống bơ, cắm chông nhọn đề phòng ta tập kích. Bố trí lưới lửa mạnh, dự trữ đạn dược, lương thực, nước uống để có thế cầm cự lâu dài khi bị tiến công. Dùng chó béc-giê và cả khỉ để canh gác, dùng Việt gian dò la, cảnh giới vòng ngoài.

Rõ ràng là một đội quân nhà nghề thiện chiến.

Từ những hành động của địch, chúng ta nhìn ra hàng loạt thiếu sót, nhược điểm của một quân đội mới tổ chức, chưa qua rèn luyện, vừa thiếu vũ khí, vừa thiếu người chỉ huy có kinh nghiệm. Đây chính là thời kỳ ấu trĩ mà bất kỳ một quân đội cách mạng nào cũng phải trải qua.

Chúng tôi xác định trường học tốt nhất hiện nay là chiến trường, cần phải học tập ngay trong thực tiễn chiến đấu; người giúp chúng ta nhanh chóng rút ngắn thời gian bỡ ngỡ này chính là kẻ thù của ta.

Hội nghị sôi nổi thảo luận những biện pháp ứng phó với các chiến thuật của địch. Mọi người đều thấy ta cần giành chủ động và tích cực tiến công. Khi tiến công phải hiểu rõ địch, có kế hoạch và không quá mạo hiểm. Mặt khác, không chỉ đánh để tiêu hao, mà phải có những trận tiêu diệt, bắt tù binh, thu vũ khí, để càng đánh địch càng yếu đi ta càng mạnh lên.

Hội nghị cũng bàn tới một vấn đề cấp bách là xây dựng căn cứ địa. Trước ngày nổ súng kháng chiến toàn quốc, vấn đề này đã được đặt ra. Trung ương, các khu, các tỉnh đều đã nhắm trước những nơi có thể trở thành căn cứ địa khi những thành phố, thị xã bị địch chiếm.

Một câu hỏi được nêu lên: “Cần có những điều kiện nào để xây dựng căn cứ địa?”. Hai điều kiện về địa hình và nhân dân được trao đổi nhiều nhất. Địa hình rừng núi là tốt nhất. Còn địa hình đồng bằng thì thế nào? Đồng bằng của ta không rộng, mỗi chiều của tam giác châu thổ Bắc bộ chỉ một vài trăm cây số, quân địch đã có mặt ở nhiều nơi, vậy có thể xây dựng được căn cứ địa không? (...)

Hội nghị nhất trí cho rằng nếu có dân thì vẫn có thể xây dựng được căn cứ địa (...) Bất cứ ở đâu, khi xây dựng căn cứ địa đều phải coi trọng cả ba mặt quân sự, chính trị và kinh tế, cần chú ý bộ phận chỉ huy và liên lạc. Mọi căn cứ của ta đều có thể bị địch đánh xuyên qua. Mỗi khu, mỗi tỉnh đều phải có ba địa điểm dự bị. Rất cần tổ chức và xây dựng những tiểu tổ bí mật để tiếp tục hoạt động khi căn cứ bị địch chiếm. Ở đồng bằng lại càng phải chú trọng tổ chức tiểu tổ bí mật và chuẩn bị kỹ lưỡng nhiều địa điểm dự bị.


(Trích hồi ký
Chiến đấu trong vòng vây in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 427-430. Nhan đề phần trích tạm đặt.)