Làm sao cho cái “âm ỉ” chịu “vụt cháy lên”, là công việc của những người cách mệnh tiên phong. Không phải chỉ đi tuyên truyền suông mà được. Phải “tiên tri tiên giác”, ráo riết chuẩn bị, và khi thời cơ đến, phải chụp ngay lấy mà tạo khí thế cho thật to, thì mới có lửa ngọn bùng bùng.

Cách mệnh tháng Tám không phải một sự tình cờ, mà là kết quả của nỗ lực hết sức kiên trì bất chấp hoàn cảnh lắm lúc cực kỳ khó khăn của một nhóm người đã hy sinh tất cả cho đại nghĩa dân tộc, dưới sự chỉ huy của một “lãnh tụ thiên tài”.
(Thu Tứ)



Đào Duy Anh, “Truyền thống trí thức yêu nước”




“Những thành phần nho học ưu tú nhất (…) đều đứng dậy chống giặc (...) Sau khi phong trào Cần Vương thất bại thì thế hệ kế thừa lại phát động phong trào Duy Tân mà Phan Bội Châu là linh hồn (...) Sự thất bại năm 1908 của phong trào Duy Tân và sự thất bại năm 1916 của kế hoạch khởi nghĩa của vua Duy Tân và nhà nho học Trần Cao Vân (…) đánh dấu sự hạ đài của tầng lớp sĩ phu (...)

Để đào tạo tay sai, thực dân Pháp bắt đầu cải cách giáo dục. Trí thức mới phần lớn là con em của các quan lại đầu hàng, của các thông ngôn ký lục từng giúp việc cho chính quyền thực dân trong những bước đầu, của lớp tư sản và tiểu tư sản kiếm ăn và làm giàu trong công cuộc khai thác kinh tế của chính quyền và của tư bản thực dân (...)

Người ta (có thể tưởng) lớp trí thức mới đã bị nô dịch hoàn toàn. Nhưng không phải thế. Trong lớp trí thức mới có những người (…) theo dấu cha anh, đứng lên đỡ lấy cái gánh nặng non sông (…) Người tiên tri tiên giác trong lớp kế thừa này chắc chắn là cậu học sinh hai mươi tuổi Nguyễn Sinh Cung (…) năm 1911 (…) xuất dương sang phương Tây để (…) tìm con đường mới cho cách mệnh Việt Nam (…) Năm 1919 cậu (…) gởi bản “Yêu cầu của nhân dân Việt Nam” lên Hội đồng Hòa bình họp ở Véc-xây (…) Người lãnh tụ thiên tài ấy đã tìm được con đường cách mệnh đúng đắn (...)

Trong khi một số người trí thức mới bền bỉ gánh vác cái sứ mệnh giải phóng dân tộc thì đại đa số những người trí thức mới khác (tuy) không dám dầm mình vào cuộc đấu tranh, nhưng trong lương tâm nhiều người, cái đại nghĩa dân tộc vẫn còn. Bởi vậy cho nên vào dịp Tổng khởi nghĩa và nhất là từ Cách mệnh tháng Tám đến Toàn quốc kháng chiến, một số lớn các phần tử trí thức bề ngoài lạnh nhạt (…) đã chợt tỉnh mà hướng theo chính nghĩa (...) (Ở bên Pháp) Bác sĩ Trần Hữu Tước (…) các kỹ sư Trần Đại Nghĩa, Lê Viết Hường (…) nhà triết học trẻ tuổi Trần Đức Thảo (đều bỏ sự nghiệp riêng đang thành công rực rỡ mà) khẳng khái về nước tham gia kháng chiến với đồng bào (...) Khắp nước, bao nhiêu người trí thức không kể xiết đã không tiếc gì đời sống vật chất thừa thãi mà ra sống vất vả, nguy hiểm ở chiến khu, bưng biền, đáp tiếng gọi thiêng liêng của dân tộc (...)

Tại sao trí thức Việt Nam lại phần lớn là đi theo cách mệnh như thế? (...)

Trí thức Việt Nam, trước kia là tầng lớp nho sĩ (…) tự đẳng cấp bình dân do học hành mà trở thành (...) Nhìn toàn bộ tầng lớp (này) và nhìn chung cả quá trình lịch sử (...) có thể nói rằng đại nghĩa dân tộc là cái tinh thần thấm nhuần sâu sắc vào tâm trí họ (...)

Ngay trong tâm trí của đa số người trí thức mới phục vụ chế độ thực dân, cái ý thức dân tộc vẫn không bao giờ tắt (...) cho nên đến khi thấy đảng cộng sản dựng lại được nền độc lập và kiên quyết kháng chiến để bảo vệ độc lập, thì cái lửa yêu nước mấy lâu vẫn âm ỉ ở trong lương tâm họ vụt cháy lên khiến họ đi theo cách mệnh và kháng chiến (...)

Phải nhìn người trí thức Việt Nam ở trong điều kiện lịch sử của dân tộc Việt Nam là một dân tộc đã phải đấu tranh chống ngoại xâm rất nhiều lần mới tồn tại được đến ngày nay”.


(Đào Duy Anh, “Trí thức Việt Nam với dân tộc và cách mệnh”, trong hồi ký
Nhớ nghĩ chiều hôm, nxb. Trẻ, 1989)