Khắc biết chính xác chuyện gì sắp xảy ra cho mình.

Anh chỉ cần hóa thành một con chó như thằng Công là tránh được bao nhiêu đau đớn cực kỳ có thể dẫn tới cái chết thê thảm. Là sẽ được thưởng vô số tiền, vì anh là một cán bộ cao cấp, có thể giúp chúng bắt rất nhiều đồng chí, trong đó có cấp cao hơn anh. Nhưng người khác thì không biết, chứ anh mà hóa chó, rồi sống làm sao được với lương tâm mình, với sự ám ảnh của bao nhiêu hình bóng...

Vào cùng hoàn cảnh, bao nhiêu người cách mạng đã hóa chó nhỉ?

“Hóa” trong hoàn cảnh cực kỳ thử thách này thì đỡ hơn là đang không bị sao cả, chỉ vì thèm tiền mà đi giúp Tây bắt đồng bào. Nhưng chó vẫn là chó.

(Thu Tứ)



Nguyễn Đình Thi, Vỡ bờ (19)



Khi đã tra hai chân vào cùm sắt lạnh và cánh cửa xà-lim đã đóng sập lại, Khắc nằm xuống cái sàn gỗ, gối đầu lên hai lòng bàn tay. Chung quanh anh chỉ còn bóng tối. Cái xà-lim hẹp và cao, tường quét vôi đen bốn phía lên tận trần nhà. Thật là một cái quan tài để chôn người còn sống. Ánh đèn vàng nhợt ngoài hành lang lọt qua cái lỗ cửa nhỏ tí, hắt vào một chút ánh sáng hấp hối. Vừa nằm xuống chừng vài phút, đã thấy dưới gáy, trong lưng, dưới cổ chân, rệp đốt nhoay nhoáy. À những ông bạn lâu nay mới gặp lại!

Một lúc sau, Khắc bắt đầu rùng mình vì lạnh.

Có lẽ lần này mình chết ở đây chắc!...

Cách nay chín năm, Khắc đã nếm những trận đòn của thằng Phô-gie. Anh đã chết đi sống lại, nhưng đến cuối cùng, nó vẫn không làm gì nổi anh. Nhưng ngày ấy Khắc mới hai mươi tuổi, đang sức cường tráng. Lần này, những năm ở tù, bệnh tật đã tàn phá cơ thể của anh nhiều rồi. “Chỉ vài trận là mày toi”. Câu nói của nó không phải một câu dọa suông. Khắc cũng biết thế...

Chà chà, chết dúi ở cái xó này thì vô lý quá! Khắc tự nói thầm với mình để xua đuổi cái cảm giác lạnh lẽo đang bóp lấy trái tim anh. Trong ngực anh, như có một khoảng trống rỗng làm cho anh buồn nôn. Bụng anh cồn lên, không biết vì lo hay vì đói, hay vì cả hai.

Anh em ở nhà chắc chưa biết gì. Nhưng chỉ mai kia thì thế nào cũng biết. Lần này cơ quan thành ủy được nguyên vẹn, không suy xuyển gì. Mình chủ trương xây dựng ngoại thành làm bàn đạp là rất đúng. Tối nay không thấy mình về, thế nào Lập cũng nhao lên. Tình cờ mai thì Thiết ở Quảng Yên về đây. Lại phải một phen chuyển cơ quan và chắp lại mối. Không biết trong những người bị bắt hôm nay, có ai biết gì về cơ quan bên ấy không? Khắc điểm lại một lượt. Hải, Mộc đều không dính gì và không biết. Mấy anh bên xi-măng thì có lẽ biết chị Gái đấy. Không hiểu Gái có hở gì ra với họ không? Bây giờ lại lo về cái nhóm ở xi-măng này. Làm thế nào giữ được tinh thần cho họ. Không biết có cách nào thông tin được ra ngoài không? Nếu ngày mai, ngày kia, chúng nó chưa tóm được bà Gái thì có thể coi là bên ấy được yên, và thế nào cơ quan cũng chuyển đi rồi. Chín mươi phần trăm đúng thằng Công là một thằng mật thám rồi! Những người có mối dính với nó, hôm nay đều bị bắt cả chỉ trừ có mình nó. Hừ, mình đã có ý ngờ nó ngay vậy mà vẫn rơi vào bẫy của nó thế này! Bây giờ nghĩ lại, thấy rõ ra dần. Năm băm tám nó bị bắt mấy tháng mà ở tù ra lại có vốn mở cửa hiệu đồng hồ! Nó đã phản ngay hồi ấy rồi. Nó dùng cái bàn tay bị tụi mật thám đánh què để che mắt mình! Phải tìm hết cách báo việc này ra ngoài, không thì nó sẽ chui sâu thêm vào tổ chức, làm hại to hơn.

Trong xà-lim tối om, Khắc nằm yên, phác ra dần những việc phải làm và nghĩ trước cách khai chốc nữa. Anh thấp thoáng tính đến cả một kế hoạch trốn. Nếu liên lạc được với bên ngoài, Khắc có thể khai ra một cơ quan tưởng tượng nào đó ở một nơi hẻo lánh để tụi mật thám dẫn anh đi. Tổ chức có thể bố trí tự vệ đến đánh tháo dọc đường. Điều mấu chốt là làm thế nào liên lạc được ngay với “ở nhà”.

Khi cái đồng hồ của trại giam một lần nữa rít lên rè rè và cậm cạch gõ tám tiếng chuông câm, trống ngực Khắc đập mạnh lên. Khắc không sợ nhưng anh hồi hộp chờ đến lúc bước vào cơn thử thách sống chết một lần nữa. Như trong một cuốn phim, nhiều đoạn đời loang loáng hiện qua trong trí óc Khắc. Anh bỗng nhớ lại những hình ảnh từ rất lâu, con đường đất đỏ chạy qua những vườn vải men theo dòng sông Lương chảy thấp thoáng sau những vòm lá um tùm, trên con đường ấy, hai đứa bé, một trai một gái cắp sách đi tung tăng, đó là hai anh em Khắc cách đây hơn hai mươi năm đi học dưới trường làng Táo. Buổi tối mùa đông mưa phùn, gió thổi hun hút, đêm chung quanh tối mịt, trên con đê sông Hồng gần lò bát Thanh Trì, Khắc run run nghe anh cán bộ mà Khắc không nom thấy mặt nói nhỏ: “Từ nay, đồng chí là một đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương”. Rồi hình ảnh những năm ở ngoài đảo, dãy cây bàng ngoài sân “banh”, ngày đầu tiên ra đảo anh em bị nó bắt ngồi xếp hàng ở đấy, đánh mỗi người mấy ba-toong vào đầu, những cái giếng nước như nước mả, rửa mặt thì mờ mắt, những buổi học tập bí mật, chép
tài liệu dưới gầm sàn xà-lim, những ngày đi mò san hô dưới biển, những cuộc tranh đấu, lính Tây xông vào nện ba-toong và báng súng, giày xăng-đá xéo lên những người ngã gục... Bao nhiêu nét mặt của các đồng chí thân yêu, kẻ mất người còn, Khắc đều nhớ lại, từ Khuất to đầu xay gạo thật khoẻ, Tống quét “xan” với cái chổi thần kỳ cung cấp cho anh em đủ kim chỉ, giấy bút và cả thuốc lào, anh Tự điềm đạm và hiền hậu mà gan dạ không cùng, luôn luôn chăm lo biến nhà tù thành trường học, Lê nhỏ, hiền như con gái mà cứ bị giam hết đợt ca-sô này đến đợt ca-sô khác vì không lúc nào ngớt tranh đấu, đến nỗi có lần được ra khỏi hầm, hai mắt anh vẫn sáng lành mà lòa đi không nhìn thấy gì hết như người thong manh... Khắc lại thấy trong người anh hừng hực như anh vẫn đang ở cùng với tất cả những con người ấy. Cũng như họ, Khắc chỉ là một con người thường, nhưng lò lửa của đấu tranh cách mạng đã rèn họ như rèn thép... Bây giờ, Khắc lại có bao nhiêu người thân yêu mới: chị Gái, Lập, Mộc, bác Mẫn già, Thiết, bà mẹ anh Kênh. Khắc nhớ mãi đêm ấy trời rét cắt thịt, bà cụ bỗng lần vào chỗ “nhà in” đắp cho anh một cái váy đụp cũ. Và Khắc bỗng lại thấy như trước mặt, đôi mắt đen của An đang nhìn, đôi mắt thăm thẳm, đợi chờ... Và văng vẳng giọng nói nhỏ nhẻ của Lê, hôm giao nhiệm vụ cho Khắc về Hải Phòng... Khắc vẫn nằm thật yên. Kẻ thù dù có đập chết anh cũng không thể thắng anh được.

Có lẽ chúng nó đã xuống. Khắc bình tĩnh lắng nghe tiếng xích sắt ở cổng trại giam rơi loảng xoảng, rồi cánh cổng mở rít một tiếng két dài ghê rợn. Tiếng giày dép loạt soạt, chúng nó đã tiến đến xà-lim của Khắc. Cánh cửa xà-lim mở ra, tên gác bước vào, vừa mở khóa cùm vừa nhìn người tù:

- Lên quan chánh gọi!

Khắc đứng dậy, khập khiễng bước ra ngoài hành lang vàng nhợt ánh đèn.


(Lược trích
Vỡ bờ, quyển I)