Về cái mặc của bộ đội thời kỳ đầu kháng chiến, trong Xung kích Nguyễn Đình Thi kể: “Mới năm ngoái, những buổi xuất phát (...) bàn tay anh em tím đi vì rét, áo quần toạc từng mảng hở da thịt (...) Cả tiểu đoàn (...) mỗi khi có việc qua phố, anh nào anh ấy lại cắm cành lá kín cả người”.



“Dép lốp, mũ nan, áo trấn thủ”




Những ngày đầu kháng chiến, quần áo bộ đội chủ yếu do anh em tự túc. Nhiều đơn vị thành lập một thời gian dài vẫn không đủ quần áo cấp cho chiến sĩ. Bộ đội tự sắm dép cao-su, làm lấy mũ nan, làm bi-đông bằng ống tre, bát bằng ống bương, ba-lô, giỏ lựu đạn bằng tre mây.




Chiếc mũ nan xuất hiện vào khoảng tháng 2 năm 1947, nhanh chóng trở nên phổ biến khắp các đơn vị bộ đội. Mũ đan bằng tre, bọc vải trùm kín, bên ngoài phủ một tấm lưới có gài lá cây để ngụy trang. Vải bọc lúc đầu cắt ra từ quần áo cũ, về sau khi thu được nhiều dù của lính Pháp, thì cắt ra từ dù. Lưới mũ làm bằng dây dù và lá cây ngụy trang cũng được thay bằng những miếng vải dù hoa xé nhỏ thắt vào mắt lưới. Nếu có mảnh dù hoa lớn đủ bọc mũ thì không cần lưới. Vào mùa mưa, các chiến sĩ thường lấy mo cau ken dày, lót trong làm cốt tránh nước mưa.




Chiếc áo trấn thủ ra đời hình như khoảng cuối năm 1946, đến mùa đông năm 1947 thì được may cấp cho tất cả bộ đội. Áo rất đơn giản, ngắn đến thắt lưng, cổ tròn, không có tay áo. Gồm có hai mảnh: mảnh trước và mảnh sau, nối liền nhau ở cạnh sườn và một bên vai. Cạnh sườn và trên vai bên kia thì cài cúc. Mỗi mảnh áo may hai lần vải, ở giữa nhồi bông, chần hình quả trám. Áo gọn gàng, giữ nhiệt tốt. Những năm kháng chiến gian khổ hiếm bông, có thời kỳ phải dùng lông vịt hay vỏ cây sui đập dập, phơi khô thay bông. Cúc, khuy cũng thiếu, phải dùng dây vải buộc hoặc làm cúc bằng giấy ép tẩm sơn thay thế.




Đôi dép lốp cao-su (có nơi gọi là dép Bình Trị Thiên) xuất hiện đầu năm 1947, dép cao su là một sáng tạo có giá trị lịch sử, giải quyết được nhu cầu đồ đi cho bộ đội, người dân suốt thời gian kháng chiến chống Pháp và mãi về sau này. Chiến sĩ lấy lốp xe ô-tô, đo chân cắt thành đế dép, dùi tám lỗ để xỏ quai bằng cao-su lấy từ xăm ô tô: hai quai chéo phía trên, hai quai ngang phía dưới làm quai hậu và quai vòng. Bề ngang các quai khoảng 1 cm. Điều kì lạ là quai và đế được cố định chắc chắn vào nhau không bằng bất cứ một thứ keo kết dính nào mà chỉ nhờ vào sự giãn nở của cao-su. Đó là những đôi dép rất bền, dễ bảo quản, vệ sinh, thích hợp với mọi địa hình, khí hậu, thời tiết ở nước ta.

Chiếc mũ nan, chiếc áo trấn thủ và nhất là đôi dép lốp làm nên hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ thời chống Pháp.


(Lược trích từ trang
baotanglichsu.vn và trang vndefence.info)