Khởi đầu, giặc chiếm đóng khắp nơi mà lực lượng vũ trang của ta thì trứng nước, nên phải du kích chiến, nghĩa là mỗi đơn vị đi loanh quanh trong một vùng nhỏ, đánh những trận bé tí.

Vào thời điểm toàn quốc kháng chiến, tuy quân ta vẫn còn nhỏ yếu hơn quân địch rất nhiều, nhưng do đang làm chủ đất nước, ở trong cái thế phải tạm thời cố không để mất các tỉnh thành, ta du kích trận địa chiến, nghĩa là vừa đánh đứng tại chỗ giữ một số vị trí xung yếu vừa đánh đi nhỏ hay rất nhỏ nhằm giúp đánh đứng.

Vì vũ lực đôi bên quá chênh lệch, du kích trận địa chiến không thể kéo dài quá lâu. Ta phải kịp thời chuyển sang du kích vận động chiến, nghĩa là không cố giữ chỗ nào cả, mà di chuyển liên tục, tìm đánh những nơi địch yếu, đánh xong rút ngay, lại tìm nơi khác đánh. Gọi là du kích vận động, vì qui mô lớn hơn du kích và bé hơn vận động.

Đi bây giờ xa. Mà không như giặc mỗi bước xe tàu, bộ đội Cụ Hồ chỉ dép lốp thôi.

Có ba-dô-ca, mừng lắm. Hoan hô kỹ sư Trần Đại Nghĩa!

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Du kích vận động chiến”





Đại tướng Võ Nguyên Giáp
và kỹ sư Trần Đại Nghĩa
ngày 5 tháng 3 năm 1947

Trong tháng 1 năm 1947, quân Pháp đã đẩy mạnh hoạt động trên nhiều chiến trường, đánh giải vây cho các thành phố và mở rộng phạm vi chiếm đóng. Từ trung tuần tháng 2, bắt đầu xuất hiện một hiện tượng mới: vỡ mặt trận.

Sau khi mặt trận Huế vỡ, tiếp đến mặt trận Sơn La. Trung đoàn Sơn La bị đánh bật khỏi Tây Bắc, lùi về đến Lai Đồng, Thu Cúc thuộc tỉnh trung du Phú Thọ. Ở mặt trận Đông Bắc, trung đoàn Tiên Yên cũng phải rời bỏ miền đất biên giới tỉnh Hải Ninh, lui về tới Bắc Giang.

Những vùng đất rộng lớn, có vị trí chiến lược quan trọng, cùng với dân cư đã thành vùng bị địch tạm chiếm.

Vỡ mặt trận hoàn toàn khác với trường hợp bộ đội ta chủ động rút lui. Nó kéo theo hàng loạt hệ quả tiêu cực. Nhiều đơn vị mất liên lạc. Cán bộ, chiến sĩ dao động tư tưởng. Đã có những cán bộ chạy dài, những chiến sĩ bỏ ngũ. Dân chúng cũng hoang mang, cho rằng kẻ địch quá mạnh. Mọi tiêu cực sẽ không dừng lại nếu không có chủ trương, biện pháp đối phó kịp thời (...)

Hội nghị quân sự lần thứ nhất vào trung tuần tháng 1 năm 1947 tại huyện Chương Mỹ, Hà Đông đã nhận định Pháp đang tính đến những cuộc phản công và tiến công hòng “nuốt trôi nước ta”. Để giành lại vai trò chủ động trên các mặt trận, bộ đội ta cần có sự chuyển hướng về chiến thuật, lấy du kích vận động chiến làm chiến thuật căn bản.

Du kích vận động chiến không còn là du kích chiến vì lực lượng huy động tương đối lớn, vì mục đích nhằm tiêu diệt hơn là tiêu hao. Nhưng du kích vận động chiến cũng chưa phải là vận động chiến, vì chưa phải là tác chiến của những binh đoàn lớn, phạm vi tác chiến không rộng, hình thức có khi là bao vây, vu hồi, nhưng có khi là tập kích, phục kích, mà cũng có khi phối hợp tất cả những hình thức ấy. Trong quá trình chiến tranh, du kích chiến phải phát triển thành vận động chiến. Chiến thuật của bộ đội ta đang ở vào quãng giữa trên quá trình phát triển ấy.

Sau hội nghị, tôi đã trao đổi với Bộ Tổng tham mưu ra bản huấn lệnh cho bộ đội phải chuyển sang vận dụng chiến thuật du kích vận động chiến. Ngày 1 tháng 2 năm 1947, huấn lệnh của Bộ Tổng tham mưu được gửi tới các đơn vị. Huấn lệnh nhận định, địch luôn luôn vận động, tập trung được lực lượng để tấn công ta nhiều mặt; trái lại bộ đội ta thì thường dàn thành trận địa, vận động rất nặng nề, do đó thường ở vào thế bị động và bỏ lỡ nhiều cơ hội để tiêu diệt địch. Bản huấn lệnh chỉ rõ nguyên nhân của tình hình này là: liên lạc trong bộ đội không được chu đáo; trinh sát và tình báo kém, tin tức không được chính xác, rõ ràng; địa thế và đường sá nhiều nơi ngay trong khu vực hoạt động cũng không thành thuộc; bộ đội không quen cơ động, cách đánh không được linh hoạt, và đề ra những biện pháp cụ thể để khắc phục. Huấn lệnh yêu cầu ở tiền phương bộ đội phải luôn luôn thay đổi sự bố trí, không bố trí theo kiểu trận địa chiến, chiến thuật phải linh động, sẵn sàng đối phó với sự biến chuyển của mặt trận; ở hậu phương, bộ đội phải luôn luôn thay đổi nơi đóng quân, thường vận động khi tập trung, khi phân tán. Nhờ có vận động mà cán bộ, chiến sĩ hàng ngày được thao luyện, tập dượt. Hơn nữa, qua thường xuyên vận động mà siết chặt quan hệ với dân quân và dân chúng ở nhiều địa phương (...)

Ngày 6 tháng Ba (năm 1947), tôi viết bản huấn lệnh: Sự cần thiết phải chuyển sang du kích vận động chiến. Đây là bản huấn lệnh thứ hai về cùng một vấn đề trong vòng không đầy năm tuần lễ. Bản thứ nhất do Tổng tham mưu trưởng ký được quy định phổ biến tới cấp tiểu đội. Huấn lệnh lần này của Bộ Tổng chỉ huy nội dung cấp thiết hơn, giống như một thư riêng gửi cán bộ cấp khu và trung đoàn (...)

Huấn lệnh nhấn mạnh: “Phải dùng ngay chiến thuật du kích vận động một cách bạo dạn, nghĩa là: - Phải tập trung bộ đội, củng cố tinh thần bộ đội, dùng lối hành binh rất nhanh chóng, rất bí mật mà đánh mạnh vào những chỗ địch tương đối yếu hay mới chiếm đóng chưa củng cố vị trí, xong đó lập tức rút lực lượng đi đánh nơi khác. Làm như vậy thì có nơi phải bỏ đất, không phải đâu cũng dàn trận mà giữ... - Tập trung chủ lực để đánh từng trận lớn (không quá cấp tiểu đoàn) và phân tán một số bộ đội để phối hợp với dân quân. - Tổ chức những đội quân đánh chiến xa. - Đôn đốc việc ngăn sông, phá đường, đắp chướng ngại vật trên các đường đê...”.

Huấn lệnh nhấn mạnh bộ đội phải có quyết tâm chuyển sang du kích vận động chiến.

Trong tháng Ba, hiện tượng “vỡ mặt trận” đã chấm dứt. Không bị vỡ mặt trận vì bộ đội ta không còn dàn trận địa để ngăn chặn cuộc tiến công của kẻ địch.

*

Từ đầu kháng chiến, vấn đề đánh xe tăng, xe bọc thép luôn luôn nhức nhối. Không thể để các chiến sĩ của ta tiếp tục ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch. Cuối tháng Một (năm 1947), được báo cáo anh Trần Đại Nghĩa vừa chế tạo thành công súng ba-dô-ca ở huyện Ứng Hòa, tôi đã cử ngay anh Phan Mỹ, chánh văn phòng của Bộ tới Cục Quân giới. Anh Mỹ trở về với hai khẩu ba-dô-ca và mười viên đạn. Hai khẩu súng này được trao ngay cho bộ đội ở Mặt trận Hà Nội. Tôi nóng lòng chờ kết quả thử nghiệm trong chiến đấu. Chiều ngày 2 tháng Ba, bộ đội ta đã dùng ba-dô-ca diệt hai xe tăng địch ở Sơn Lộ trong khi địch từ Trúc Sơn thọc lên Chùa Trầm, Quốc Oai. Lần đầu, ba-dô-ca Việt Nam bắn hạ xe tăng Pháp. Chiến công này làm nức lòng bộ đội.


(Trích hồi ký
Chiến đấu trong vòng vây in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 419-424. Nhan đề phần trích tạm đặt.)