Người Tàu xưa chê người Việt xưa hay ở trần. “Ở trần mà cũng dựng nước”!

Ở trần hay không, đóng khố hay mặc quần dài, cái ấy nó vốn chủ yếu tùy thuộc vào khí hậu và sinh hoạt kinh tế. Ta ở xứ nóng, chuyên làm ruộng nước, nên ta cởi trần, đóng khố. Họ ở xứ lạnh, chuyên cưỡi ngựa chăn nuôi, nên họ mặc áo, mặc quần dài. Bảo họ ăn mặc văn minh hơn ta, khác gì bảo du mục văn minh hơn nông nghiệp!

Người Tàu khoe quen mặc áo lâu rồi, vậy mà chắc ai nấy còn nhớ hình ảnh những “chú ba” béo núc ních cuộn áo mai-ô lên tận... cổ, phơi bụng thùng nước lèo và phơi... nhũ hoa, thản nhiên đứng bán hàng ở Chợ Lớn. Áo, bận kiểu đó, bận làm chi vậy không biết! Mà văn minh Trung Quốc dài thăm thẳm, sao mới bị nóng chút xíu đã bốc hơi mất tiêu hết vậy không biết!

(Thu Tứ)



Đoàn Thị Tình, Trang phục Đông Sơn



(...) Trống đồng và nhiều tượng, phù điêu bằng đồng có khắc họa những cảnh sinh hoạt thời đó với những hình người, với các loại trang phục khá rõ nét (...) búi tóc, chít khăn như tượng người đàn bà ở chuôi dao găm, chuôi kiếm (...)

Phụ nữ mặc áo ngắn đến bụng, xẻ ngực, bó sát vào người, phía trong mặc yếm kín ngực. Chiếc yếm cổ tròn sát cổ, có trang trí những hình chấm hạt gạo. Cũng có những loại áo cánh ngắn, cổ vuông, để hở một phần vai và ngực, hoặc kín ngực, hở một phần vai và trên lưng. Hai loại sau có khả năng là những loại áo chui đầu hoặc cài khuy bên trái. Trên áo đều có hoa văn trang trí. Thắt lưng có 3 hàng chấm trang trí cách đều nhau quấn ngang bụng (...) Ðầu và cuối thắt lưng thả xuống phía trước và sau người, tận cùng bằng những tua rủ. Váy kín bó sát vào thân, với mô-típ trang trí chấm tròn, những đường gạch chéo song song và hai vòng tròn có chấm ở giữa.

Qua những hiện vật khảo cổ đã tìm được, ta thấy đàn bà thời đó có hai loại váy:

- Váy kín (váy chui), hai mép vải được khâu lại thành hình ống.

- Váy mở (váy ngắn) là một mảnh vải quấn vào thân mình.

Váy ngắn mặc chấm đầu gối. Kiểu khác dài đến gót chân. (Có lẽ loại sau là trang phục khi không lao động hoặc của tầng lớp trên.)

Ðàn ông thường đóng khố. Khố là một dải vải (...) quấn một hoặc nhiều vòng quanh bụng, thả đuôi khố (ngắn hoặc dài) về phía sau. Có trường hợp thả đuôi khố về phía trước.

Qua các khối tượng nổi, đàn ông Ðông Sơn thường cởi trần, nhưng với những hình trang trí trên các hiện vật đồng thau khác, có thể họ đã mặc những chiếc áo chui đầu hay những tấm áo choàng kỳ dị với những hoa văn trang trí phức tạp.

(...) Do điều kiện khí hậu và sinh sống (...) đầu tóc phải gọn gàng. Vì vậy đàn ông và đàn bà thường cắt tóc ngắn đến ngang vai hoặc thỉnh thoảng có hình thức buộc túm tóc sau đầu rồi thả dài xuống gáy, một số ít người cắt ngắn đến chân tóc.

Khi búi tóc thì đàn ông, đàn bà đều búi tròn sau gáy. Một hình thức khác là tóc búi ngược một phần lên đỉnh đầu, một phần tết thành đuôi sam thả ra phía sau lưng. Ngoài ra còn thấy buộc một dải vải nhỏ trên trán.

Trên trống Sông Ðà (...) nữ xõa tóc ngang lưng (...)

Phải chăng ở nam, tóc được búi cao thành một nắm dài nhọn như các khối tượng ở Việt Khê, còn ở nữ tóc được búi thành hình bánh ít ở sau đầu, như trên tượng một chuôi kiếm phát hiện ở Thanh Hóa.


(Ðoàn Thị Tình,
Tìm hiểu trang phục Việt Nam (dân tộc Việt), nxb. Văn Hóa, VN, 1987, tr. 10-12)





_____________________
Nhan đề do người chọn tạm đặt.