Người Việt mà đi lùng bắt người Việt về cho giặc tra tấn!!!

Căm thù giặc đã đành. Nhưng nên căm thù chó hơn cả căm thù giặc.

Về sau giặc thua, chó biến đi đâu nhỉ? Thì giặc lùi đến đâu, chó bám theo đến đấy, rút cuộc nhiều chó sẽ qua luôn nước giặc mà ở, biến thành dân giặc.

Chắc chắn cũng có chó bị kẹt lại trong vùng giải phóng. Nếu khôn và may, có khi không ai biết vốn là chó.

(Thu Tứ)



Nguyễn Đình Thi, Vỡ bờ (18)



Bóng An đã khuất hẳn sau những lũy tre. Khắc ngoái nhìn lại một lần nữa để xem có ai đi theo không. Anh rẽ sang đường Thiên Lôi, con đường đá chạy bao quanh ngoài Hải Phòng, men theo sông Lạch Tray. Trời chiều nay quang, phía Kiến An trên ngọn đồi Phủ Liễn, nom rõ cả hình đài thiên văn, như một cục vuông nhỏ, trắng giữa những hàng thông. Xa nữa núi Voi nằm phủ phục tím sẫm trên đồng bằng.

Dưới bóng mấy cây phi lao già, ngôi chùa bên đường im tĩnh. Khắc yên tâm rẽ tới bên cái ao hình bán nguyệt, đứng trước cổng chùa, dưới một gốc cây đại nhìn quanh. Không thấy bóng Hải đâu, có lẽ mình tới sớm giờ. Khắc làm như người vãn cảnh, bước qua cổng tam quan, vào trong sân xem tượng con voi trước thềm. Một người sư nữ từ nhà hậu đi nhanh qua bên thềm, và nhìn Khắc với đôi mắt hốt hoảng. Nom thấy vẻ nhà sư không được tự nhiên, Khắc hơi chột dạ. Anh vẫn giữ vẻ bình thản, nhìn quanh một vòng rồi quay trở ra.

- Đứng lại không tao bắn chết!

Tiếng quát sau lưng Khắc. “Mắc bẫy rồi!”, Khắc nghĩ nhanh như chớp, và băng mình chạy. Nhưng từ ngoài cổng chùa đã sấn vào hai ba thằng mật thám. Từ mấy ngả, chúng nó ập tới. Trong sân chùa, phút chốc bỗng ồn ào cả lên. Mấy người sư đổ ra thập thò đứng nhìn. Bọn mật thám xúm cả lại. Một thằng Tây đội cái mũ phớt, đấm mạnh vào mặt Khắc. Anh nảy đom đóm mắt, chưa kịp gượng, lại bị đánh luôn túi bụi. Khắc ngã dúi xuống cái sân gạch. Chúng nó lôi anh dậy khóa tay. Khắc nhìn thấy từ trong chùa, một thằng thúc Hải đi ra. Anh lính thủy tay bị xích, mặt sưng tím, trên ngực áo đọng từng đám máu khô đen lại.

- A-lê đi.

Khắc bị chúng nó bịt mắt, lôi ra đường. Anh nghe những tiếng cười ha hả của bọn chó săn chung quanh. Rồi một lúc, có tiếng xe ô-tô chạy đến. Khắc bị đẩy vào xe, đạp dúi xuống dưới chân bọn mật thám. Tiếng cửa dập mạnh, xe đã chạy đi. “Cậu Hải bị bắt, không chịu được đòn, đưa chúng nó đến đây!”. Khắc nằm nghĩ. “Chúng nó còn chưa nhận ra mình. Nó cũng chỉ biết mình là một cán bộ đến gặp Hải. Nhưng về đến sở mật thám thì nó sẽ nhận ra thôi. Không hiểu cậu ta bị bắt thế nào. Thế này là anh em ở nhà không ai biết gì cả. Khốn nạn thật!”. Khắc vặn mạnh hai tay như muốn dứt tung khóa.

*

Về đến sở mật thám, Khắc biết ngay là đang có “ráp” lớn. Lão gác trại giam mặc cái áo dài thâm, ra nhận người tù mới. Khắc lẳng lặng bước qua cổng. Các xà-lim chắc đều chật ních, vì ngoài hành lang có khoảng hai chục người bị dồn vào ngồi tụm một đám. Một cái hành lang hẹp, sâu hun hút, chạy thẳng tắp qua trước một dãy những cánh cửa gỗ lim sơn xám đen và cài bằng then sắt to trùng trục, mỗi cánh cửa trổ một cái ô vuông bằng bàn tay, bên trong lóng lánh những con mắt đang dán vào đó, nhìn ra. Khắc cố nhìn kỹ vào từng ô cửa mà anh đi ngang, để xem có ai quen bị bắt không. Anh bỗng giật mình đánh thót. Có hai con mắt vừa gặp mắt anh nhìn, - hai con mắt ấy! Khắc đứng lại vờ cúi xuống buộc lại dây giày. Anh nhìn lần nữa vào cái ô cửa xà-lim tối và nhận ra cả hình dáng khuôn mặt lờ mờ bên trong. Mộc bị bắt rồi!

- Mau lên!

Lão gác giục. Tới một xà-lim gần cuối dãy, lão kéo then mở cửa. Một mùi ghê gớm hầm hập ùa ra. Lão gác quay mặt đi, nhổ bọt, rồi rút khăn bịt mũi, đạp Khắc vào. Cánh cửa gỗ lim dày đóng sập lại, then ngoài cài xạch một tiếng.

Khắc ngã sấp vào một đám cánh tay, cẳng chân, ngực, bụng hỗn độn trong bóng tối. Tay anh quờ vào những mặt người. Tiếng kêu oai oái.

Khắc gượng đứng lên được, áp lưng vào cánh cửa xà-lim.

- Dịch sang một bên, anh bịt cả lỗ thông hơi rồi!

Khắc vội né mình sang một bên. Ai đó nói:

- Thôi, bà con ơi, kêu mãi ngạt lắm.

Bên trong trở lại im lặng. Một quang cảnh kỳ quái và kinh khủng hiện ra trong bóng tối lờ mờ. Cái xà-lim thường chỉ để giam một hai người, mà bây giờ chứa mười sáu, mười bảy người. Tất cả chỉ có hai lỗ để thở: một cái lỗ vuông con ở cánh cửa, và một cái cửa sổ nhỏ có chấn song sắt, ở tít trên cao gần chạm vào trần, trông ra hành lang đằng sau. Trên cái bục xi-măng, một người nằm sóng sượt như đã chết rồi, hai chân bị khóa trong cùm, chung quanh bốn năm người ngồi bó gối. Dưới đất, người ta chen nhau nằm, ngồi, có người không còn chỗ nữa phải đứng áp vào tường. Bên dưới khoeo chân những người ngồi, một hai người nằm ngửa toài đầu ra, ghé mũi đến khe cửa cố hít một chút khí trời lẫn bụi đất. Bên ngoài, đang buổi chiều mùa đông, mà trong xà-lim nóng ngột, một thứ nóng hôi thối và khai khẳm làm tối mắt, tức ngực, quật ngã người ta xuống.

- Hừ... hừ... ừ...

Người nằm trên bục cựa mình, mở mắt rên, rồi lại nhắm nghiền mắt, miệng há ra.

- Nước... ước...

Một ông già đứng lên với một ống bơ nước đặt trên khung cửa sổ, rồi vực đầu người tù bị cùm dậy, đổ thong thả cho anh ta uống ừng ực.

Trong góc tối bỗng lào xào:

- Cái gì thế?

- Anh này lả rồi.

- Ngạt đấy, cho anh ấy ra ngoài lỗ thông hơi một tí.

Một bóng người được chung quanh đẩy cho đứng dậy, lách qua mọi người ngồi, nằm, ra tới cửa xà-lim. Anh ta gục mặt vào cái lỗ nhỏ.

- Ối cha mẹ ơi, hu... hu... hu...

Dưới chân Khắc, một người đàn ông đã đứng tuổi mặc cái áo cánh ngồi ôm mặt khóc nấc lên.

- Úi giời ơi, hu... hu... ự... ự...

Người đàn ông úp miệng vào cánh tay, cố bịt những tiếng khóc, hai vai anh ta run lên bần bật. Rồi chỉ còn tiếng ự ự nghẹn lại.

- Thôi đã vào đến đây thì cố mà chịu.

Ông già áo nâu, ngồi ở góc cái bục xi-măng, vừa bóp hai chân cho người bị cùm, vừa nói.

Khắc vẫn đứng sát vào cánh cửa. Hai chân anh không nhúc nhích được từ nãy đã tê dại hết cả như không còn! Mắt anh hoa lên. Lúc đầu Khắc còn ngột vì cái mùi hơi người đọng ở đây không biết đã bao lâu, nhưng bây giờ anh không ngửi thấy mùi gì nữa, chỉ còn thấy chóng mặt vì thiếu khí trời để thở. Khắc cố giữ cho đầu óc tỉnh táo để nghĩ về cuộc bắt bớ hôm nay và cách đối đáp khi bị tra hỏi, nhưng trí óc anh mụ đi, những ý nghĩ như những con chim đã gãy cánh không cất mình lên được khỏi mặt đất. Khắc thở khó nhọc, chân muốn khuỵu xuống.

- Mỏi quá, cho tôi ngồi một lúc.

Một tiếng thều thào trong bóng tối. Đám người nhúc nhích.

- Thôi, đổi lượt đi, anh ngồi lâu rồi.

Mấy người từ nãy vẫn đứng bây giờ tìm chỗ ngồi xuống, mấy người được ngồi lục tục đứng lên. Khắc cũng ngồi xuống bên cạnh người đàn ông vừa khóc.

- Bác vào đây đã lâu chưa? Nó đánh đau à?

Người đàn ông vẫn ngồi gục mặt vào cánh tay. Khắc vừa xoa hai bắp chân vừa khẽ hỏi thêm:

- Bác làm sao mà phải bắt?

Người đàn ông ngẩng đầu, hai con mắt đỏ ngầu và sưng mọng nhìn Khắc một cách nghi ngờ và dữ tợn. Rồi không trả lời, anh ta quay lưng lại, và lại gục đầu vào cánh tay ngồi im.

Khắc nhắm mắt ngửa đầu tựa vào vách xà-lim. Được ngồi, lưng anh đỡ mỏi, máu ở chân lại chạy bình thường, trí óc anh cũng tỉnh ra. Khắc nhớ nhanh lại các sự việc, tìm cách chắp lại xem đầu mối ra sao. “Cậu Hải bị tra, đã khai ra mình và đưa chúng nó đến chỗ hẹn. Nhưng vì sao mà Hải bị bắt? Ráp lớn, nó bắt nhiều. Đây là một cuộc khủng bố hàng loạt không có duyên cớ cụ thể, hay đã xảy ra vì có đứa nào khai báo? Việc đầu tiên là phải tìm cách hỏi Hải xem vì sao nó bị tóm. Mình sẽ bảo nó khai là gặp mình la cà ở gần cầu Ngự rồi mình làm quen, như vậy giữ kín được đầu mối lính thủy. Nhưng còn Mộc sao cũng bị sa lưới hôm nay? Nếu chỉ là bị ráp không có chứng cớ gì thì Mộc cứ việc chối phăng. Có gan chịu độ vài ba trận đòn mà không nhận gì là nó sẽ tha. Mình và Mộc nhất định không biết gì nhau cả. Ngoài Mộc, còn có đồng chí nào bị bắt nữa không?...”.

*

Tiếng cái cổng sắt mở loảng xoảng, đầu dãy hành lang rậm rịch nhiều tiếng giày tây. Trong xà-lim lắng hẳn đi. Bọn mật thám đã xuống để tra hỏi cái gì, một tiếng giày nện cồm cộp tiến về phía này. Tiếng một cánh cửa xà-lim mở. Tiếng lão gác: “Ra đi, thằng kia!”. Tiếng cửa xà-lim đóng lại đánh sầm. Rồi lại tiếng giày nện. Một cửa xà-lim khác mở: “Mày mới bị bắt lúc chiều phải không? Ra ngoài này”. Tiếng giày đã nện gần lắm - Chúng nó đến rồi. Cái then ngoài mở xạch. Cánh cửa mở ra. Thằng Tây đứng xa xa, mùi-xoa bịt mũi, nhổ toẹt xuống đất. Lão gác quát: “Đứa nào bị bắt vào từ trưa thì ra đây”. Lão túm ngực áo Khắc. “Sao mày không ra ngay hả? Lờ vờ cái gì! Ông cho cái bạt tai bây giờ!”. Khắc tưởng chỉ có mình anh, nhưng không phải, còn ba người nữa cùng anh lặng lẽ đi ra. Những người khác nhân lúc cửa mở đã ùa ra để hít ít khí trời. “Mấy đứa này thế nào? Có phải trong bọn này không? Không à. Thế sao lại đứng lập lờ ở đây. Tiên sư chúng mày”. Lão gác đấm đá huỳnh huỵch, đuổi đám tù vào rồi đóng cửa đánh rầm, xong bước tiếp sang xà-lim khác.

Những người mới bị bắt dần dần đứng thành một hàng dài. Khắc đưa mắt nhanh. Ngoài Mộc, Khắc nhận ra mấy người nữa ở trong các đoàn thể quần chúng. Anh đã gặp họ trong những cuộc họp ở xóm xi-măng. Nhưng có nhiều người lạ mặt. Một chị người nhà quê bế cả đứa con nhỏ đứng rụt rè ở cuối hành lang nhìn tới. Sao không thấy Hải đâu cả? - Như vậy là Hải đã bị bắt từ trước rồi, không phải trong cuộc “ráp” hôm nay.

Khắc lủi tới bên cạnh Mộc. Trong lúc còn ồn ào lộn xộn, hai người đưa mắt nhanh cho nhau. Mộc nói khẽ được một câu: “Tôi không nhận gì hết”. “Ừ, không biết gì nhau cả”. Khắc nói xong, thản nhiên tiến lên xếp hàng cách Mộc vài người.

- Còn mấy đứa này nữa xếp hàng vào, rồi đi lại đằng kia!

Lão gác lăng xăng dồn đám người bị bắt đi về phía mấy thằng mật thám Tây đang đứng hút thuốc lá phì phèo gần cổng ra vào. Chúng bắt tất cả đám người đứng lại, rồi bắt từng người đi qua. Cứ mỗi người bước tới trước một cái xà-lim đóng kín, chúng lại bắt dừng lại mấy phút, xong lại cho đi qua. Đôi lúc một thằng hỏi chõ vào trong cái xà-lim:

- A-lo?

Bàn tay Khắc nắm chặt lại. Anh hiểu rồi! Bên trong cái xà-lim tối om đó có một kẻ đứng nhìn ra qua cái lỗ cửa nhỏ. Người nào đi qua bị nó nhận được thì nó làm hiệu bằng cách nào đó cho tụi mật thám đứng ngoài biết, chọn riêng ra. Thôi đúng là có chó chui vào trong tổ chức của mình rồi! Khắc nghiến răng. Thằng nào vậy?

- Thằng kia, đi lên. A-lê!

Một thằng mật thám vẫy tay.

Khắc bước điềm nhiên, gần tới cái lỗ cửa xà-lim anh nhìn thẳng vào bên trong. Tối quá, Khắc chỉ thấy hai con mắt. Hình như thằng chó đứng trong đã bịt cả mặt lại, cái mũ nồi của nó sụp xuống che cả trán và lông mày. Chỉ có hai con mắt nhìn ra, hai con mắt ráo hoảnh.

- Ra đây, mông se a-mi!(1)

“Hai con mắt” trong xà-lim đã làm hiệu cho tụi mật thám.

Khắc nhận ra ngay thằng mật thám vừa gọi anh. Nó tên Phô-gie, đã tra anh một lần ở Nam Định, chín năm trước, khi anh bị bắt lần đầu. Nó đã già đi. Nhưng cái lối nói của nó không lẫn đi đâu được. “Mông se a-mi”, - anh bạn tôi ơi -, nó cứ ngọt nhạt như vậy mà đánh người chết tươi không biết lúc nào!

Phô-gie thủng thẳng bước ra. Miệng nó ngậm điếu thuốc lá, một tay đút túi quần. Nó soi mói nhìn Khắc, vẫn cái mặt hơi rỗ vài nốt, với đôi môi thâm tái. Bỗng nó nhệch ra cười.

- Ồ! ồ người quen cũ đây mà! Bông-giua mơ-xi-ơ Khắc! Tiên sư anh, làm tôi tìm anh mãi!(2)

Mấy thằng kia cũng xúm cả đến.

- Nó đấy hả?

- Ừ, nó đấy.

Những tiếng ồ à, xì xồ ầm lên. Khắc bị một quả đấm đánh dập đầu vào tường.

- Thôi, thôi, để nó đấy cho tao.

Phô-gie lại cất lời ngọt nhạt:

- Mời anh lên bàn giấy.

Đằng sau Khắc, những người bị bắt lại diễn qua cái xà-lim đóng kín. Khắc còn kịp thấy Mộc bị chọn ra đứng với những người mà thằng chó bịt mặt trong xà-lim đã nhận diện.

*

Bàn giấy của Phô-gie trên tầng gác hai. Tên mật thám vào phòng, bấm cây đèn điện trên bàn buy-rô, chỉ cái ghế mây cho Khắc ngồi. Nó rút bao thuốc lá Mê-li-a vàng trong túi, chìa ra:

- Hút đi. Mày về Hải Phòng từ bao giờ?

- Tôi mới về.

Phô-gie đi đi lại lại, thỉnh thoảng nó dừng lại, nhìn Khắc từ đầu đến chân như con mèo vờn con chuột.

- Mày trốn tránh lẩn lút thế, ăn uống khổ lắm hả? Có muốn ăn phở không, tao bảo a-giăng nó đi mua cho.

- Cám ơn quan chánh mật thám, tôi không ăn.

- Tùy anh thôi! Phô-gie nhún vai. Vậy thì ta nên vào thẳng chuyện. Mày là tù cũ, đã biết tao rồi. Tao không muốn phải tra mày làm gì, mày ốm yếu thế, chỉ vài trận là mày toi. Mày nên tự khai ra trước thì hơn, có nghe không? Vả lại mày có muốn giấu giếm cũng vô ích, mày thấy đấy, tao đã có người ở ngay trong Đảng mày, chúng mày làm gì tao biết hết!

“Mày biết thế nào được!” Khắc vừa nhìn tên mật thám đi đi lại lại, vừa nghĩ thầm: “Không hiểu thằng chó của chúng nó là thằng nào?”. Phô-gie vứt điếu thuốc hút dở đi, châm một điếu khác, rồi tới ngồi ghé đít lên chỗ tay dựa của cái ghế phô-tơi to bọc da nâu sẫm. Cái chân nó đá đi đá lại.

- Tao coi việc chúng mày như trò trẻ con! Từ ngày tao về Hải Phòng, mày xem, có thằng cán bộ nào về đây được quá ba tháng không? Trước mày, thằng Lượng bị tao bắt gọn với tất cả thành ủy, khu ủy. Mày hôm nay xong. Rồi sau mày thằng nào khác về đây cũng sẽ vào lưới của tao.

Phô-gie cười khẩy một tiếng. Khắc vẫn ngồi im: “Ừ lần trước, thành ủy vỡ cũng do bị chó chui vào". Một ý nghĩ vụt loé ra trong óc Khắc. Thôi phải rồi, khéo thằng Công rồi!”.

- Thế nào?

Phô-gie ghé tới bên Khắc quát lên, làm anh giật mình. Anh tưởng nó sắp đánh, nhưng tên mật thám xem đồng hồ tay rồi lại cười nhạt.

- Tao cho mày suy nghĩ từ bây giờ đến tối. Mơ-xi-ơ Khắc, bây giờ năm giờ rưỡi rồi, tôi còn phải về nhà kẻo vợ tôi đợi, tám giờ rưỡi tối, tôi sẽ vào tiếp chuyện ông.

Phô-gie ra mở cửa, gọi to:

- A-giăng!

Một tên đội người ta chạy vào.

- Cho nó xuống! Bảo thằng gác, đây là ông đốc lý đỏ của Hải Phòng, phải biệt đãi ông ấy nghe chưa! Cho ông ấy ở một xen-luyn riêng ngày đêm đều cùm hai chân. Tao xuống mà không đúng như thế thì chúng mày sẽ biết tay!

- Uẩy xừ!

Phô-gie quay lại Khắc:

- A-lo, mông se a-mi, đến đúng tám giờ rưỡi, nhớ đấy.


(Lược trích
Vỡ bờ, quyển I)







_________
(1)
Mon cher ami: Anh bạn thân mến của tôi.
(2)
Bonjour monsieur: Chào ông.