Phật vì tất cả chúng sinh. Những người cách mạng Việt Nam chỉ vì dân tộc Việt Nam. Họ bé hơn Phật biết bao, nhưng lại to hơn rất nhiều đồng bào của họ biết bao.

À, đằng sau những người cách mạng, thường có những nhân vật cũng to hơn bình thường đấy:

“Việc trông nom tuổi già của mẹ, nuôi dạy cháu, thôi anh đành cậy vào em tất cả (...) Anh biết em vì mẹ, vì cháu, đã hy sinh cả tuổi trẻ và hạnh phúc”.

Cái to của người em gái ở lại nhà nuôi mẹ, nuôi con của anh đôi khi hiện ra thành hình: “... hai hàng mi mắt chớp nhanh giàn giụa những tia sáng. Cô gái (...) bỗng khác hẳn đi (...) như tâm hồn cô vừa hé mở cho người khác thấy được cái đẹp riêng, lặng lẽ và tràn đầy tình yêu thương”.

(Thu Tứ)



Nguyễn Đình Thi, Vỡ bờ (17)



Từ sau khi Khắc ra đi, bà cụ tú Mai ngày một sút. Trong bao năm trời trước đây bà mẹ đã cố sống, chẳng khác cái cây khô vẫn bám rễ sâu xuống đất, để chờ đợi đến ngày đứa con trai ở tù về. Cái hy vọng khắc khoải ấy cháy âm ỉ trong lòng bà, làm cho bà đau đớn không lúc nào nguôi, nhưng nó cũng đem đến cho bà một sức chịu đựng bền bỉ lạ thường. Như một người đi trên con đường nắng cháy, nhưng luôn luôn nhìn thấy trên cao, đầu dốc, có một khu rừng mát mẻ đang chờ đón, nên bàn chân rớm máu vẫn cứ đi lên, đi lên không ngừng, bà cụ tú đã làm lụng và chờ con năm này qua năm khác. Rồi Khắc đã ở tù về thực! Trong hơn một năm, ngày nào bà cũng được trông thấy đứa con trai, được nghe thấy tiếng nó nói cười. Bà đã chầm bẩm chăm cho nó từng bát cháo, miếng rau, nuôi nó một lần nữa cho nó sống trở lại, khỏe mạnh trở lại làm người. Chao ôi, hơn một năm ấy sao mà ngắn ngủi! Con chim từ bão táp tơi tả lần về tổ, vừa hồi tỉnh lại được, lại tung cánh mà bay đi rồi.

Bà cụ không giận gì con, cũng không oán trách gì nó. Trái lại, bà biết việc Khắc làm là phải. Nhiều lúc, nhìn Khắc, bà hay nghĩ đến ông cụ tú và so sánh thầm hai bố con. Nó cũng y như ông cụ, cái tính khảng khái là cái lõi rắn như sắt làm cho những con người như thế không thể nào bị bẻ gãy được. Nhưng Khắc dịu dàng hơn. Ông cụ ngày trước đã nói sao, nghĩ sao là khăng khăng làm như vậy, ai nói vào cũng không được, ai ngăn lại thì ông cụ rít lên, hoặc khi nào ông cụ đã khinh bỉ ai thì chỉ xì một tiếng rồi mặc kệ, không thèm nghe, không thèm bàn một lời nữa. Ông rất yêu thương vợ con nhưng không lúc nào để lộ rõ ra ngoài, hình như xem nói lên những lời dịu dàng là tỏ một sự mềm yếu đáng xấu hổ. Dù khi trong bụng bằng lòng việc gì, họa hoằn lắm ông mới ban cho vợ con được một lời khen. Chính đối với mình, ông cũng nghiêm khắc, không bao giờ buông một lời tự khen, hoặc khoe khoang, trái lại, lúc nào vui vẻ, ông lại tự nhạo mình. Bà tú yêu chồng với một tình yêu phục tùng và kính nể, nhưng lòng bà ngấm ngầm ao ước sự âu yếm. Có lúc bà chỉ thèm được như cảnh vợ chồng nhà bác đĩ Nuôi chẳng hạn. Chiều chiều họ đi làm đồng về, quanh mâm cơm rau, vợ xới cho chồng, chồng xới cho vợ, cứ gì phải mâm son, bát sứ mới ngon!... Cho nên bà tú đã nuôi con với một tình âu yếm đặc biệt. Bà không nuông chiều con, ông tú cũng không chịu để cho vợ làm như vậy. Vả lại nhà nghèo, một mình bà tú chạy vạy quanh năm, không lấy đâu ra mà nuông con được. Nhưng bà đã ấp ủ hai đứa con trong một tình thương yêu hết sức dịu dàng. Hai anh em Khắc và Quyên đều mang trong dòng máu cái tính khảng khái, đôi khi đến câu nệ và hơi gàn, của bố. Nhưng nét dịu dàng của mẹ cũng thấm sâu vào tâm hồn họ.

Bảy tám năm xa cách, đến ngày Khắc ở tù trở về, bà cụ tú dần dần nhận thấy con mình ngoài những tính nết do cha do mẹ, bây giờ trong nó còn có những cái gì khác nữa, hình như do một bà mẹ nữa đã truyền cho. Hai con mắt nó có lúc đăm đăm nghĩ ngợi, có lúc lộ một nỗi xót thương không biết đến thế nào, có lúc gan lì đáo để, và thường ngày thì lại vui tươi, như khuyến khích người khác: “Đừng ngại gì, đừng sợ, đừng lo, có chuyện gì thì nói lên đi cho tôi nghe, chuyện khổ gì rồi cũng phải qua”. Hơn một năm có Khắc ở nhà, bà cụ dần dần đã kể hết chuyện đời mình cho nó nghe, cả đến những điều đau khổ, oán giận từ rất lâu mà bà đã tưởng sống để dạ, chết đem đi. Khi nghe đến những câu chuyện ấy, Khắc thường khéo lựa lời khuyên nhủ, giảng giải khiến lòng bà thấy nhẹ hẳn đi. Có lần bà cụ tú đi lễ chùa Gành, bỗng nảy ra ý nghĩ con bà chẳng khác một đức Phật đã giải oan cho bà. Cái ý nghĩ ấy làm bà sợ hãi choáng váng, nhưng nó cứ luẩn quẩn trong đầu óc bà cụ, bà phấp phỏng cảm thấy lòng yêu thương của con mình vượt ra xa hẳn bên ngoài phạm vi quan hệ máu mủ, chẳng khác lòng từ bi của Phật. Bà cụ tú biết sớm muộn rồi Khắc cũng sẽ lại đi làm cách mạng.

Bây giờ nó đã đi rồi. Lo cho đứa con đến thắt ruột thắt gan, tóc người mẹ cứ bạc đi trông thấy, chỉ trong mấy tháng đã trắng phơ cả đầu. Chân bà bước đi yếu hẳn, phải có gậy chống mới lần được ra đầu ngõ. Việc nhà coi như dồn cả vào một mình Quyên. Ngày nào cũng vậy, từ mờ sáng đến tối mịt, Quyên tất bật không được ngơi chân tay lúc nào.

*

Sẩm tối hôm ấy, nhà vừa ăn cơm xong, Quyên đang xay thóc thì có khách ngoài ngõ bước vào. Nom thấy người lạ mặt, tự nhiên Quyên giật mình, đoán ngay là có dính dáng gì đến anh cô. Người ấy đội cái khăn xếp đen đã bạc, cắp cái ô, mặc bộ quần áo cộc vải diềm bâu, vai đeo tay nải, đứng ở thềm nhà cất tiếng lễ phép hỏi:

- Đây là nhà cụ tú Mai phải không ạ?

Bà cụ ngẩng mái tóc trắng như bông:

- Mời bác vào chơi.

Người khách vào ngồi xuống cái ghế tràng kỷ, nhìn nhanh chung quanh nhà và nói với cô con gái đang đứng với đứa bé:

- Chắc cô là cô Quyên.

- Vâng.

- Cô có cái thư.

Quyên nhìn nhanh hàng chữ ở phong thư, tay đã run lên. Cô rót nước mời:

- Bác xơi nước

- Vâng được, cô mặc tôi. Cô cứ xem thư đi. Cháu lại đây chơi với chú nào. Cháu mấy tuổi rồi?

Cái Thu thấy ông khách cười với nó, bèn xán đến, và đánh bạo hỏi:

- Ông cho cháu mượn cái ô nhá.

- Thu, hỗn nào! – Bà cụ tú vội mắng cháu.

- Cụ cứ để cháu chơi. À, thế cháu tên là Thu phải không?

Cái Thu ngước mắt, rụt rè gật đầu, rồi lại nhìn nhanh cái ô với vẻ thích thú. Ông khách cầm cái ô đưa cho nó.

- Cháu muốn chơi thế nào nào? Chú giương ô cho cháu đi nhé.

Cái Thu gật ngay. Khi cái ô đã giương lên, nó không tự ngăn được nữa, nhảy lên cười và đòi:

- Chú đưa cháu cầm nào.

Bà cụ tú ngồi giã trầu, ngẩng lên, đôi mắt cười răn reo nhìn người khách yêu trẻ đùa với đứa bé.

Quyên vào buồng, xé phong bì, ghé lá thư đến bên ngọn đèn dầu đã vặn cho cháy to. Mắt cô tự nhiên ứa nước mắt.

“Em,

Từ hôm đi, nay anh mới có dịp viết thư về nhà. Em có mạnh khỏe không? Mẹ và con cháu thế nào? Về phần anh, cũng vẫn được bình thường. Anh rất nhớ nhà, thương mẹ và thương em, nhưng không thể viết thư về luôn được. Việc trông nom tuổi già của mẹ, nuôi dạy cháu, thôi anh đành cậy vào em tất cả. Em cũng tha lỗi cho anh, đối với em anh chẳng giúp đỡ được gì. Anh biết em vì mẹ, vì cháu, đã hy sinh cả tuổi trẻ và hạnh phúc. Như vậy cũng là tội của anh. Thôi anh đành mang lỗi với gia đình, chắc em cũng chẳng nỡ trách anh...”


Một giọt nước mắt của Quyên rơi xuống tờ giấy. Em chẳng bao giờ dám trách. Vì nghĩa cả, anh chịu bao nỗi cực khổ, hiểm nguy!

Nhận được thư thì em viết trả lời cho anh được biết tin nhà. Và có việc này: em ra gốc bưởi sau bếp đào lên sẽ thấy có một gói sách của anh, em hãy đưa gói ấy cùng với thư của em cho người đã mang thư anh đến.

Bây giờ anh kể cho em nghe một câu chuyện nhé. Anh đang
(Mấy chữ tiếp theo Quyên thấy viết lại xóa đi). Thôi, người bạn anh đợi đã lâu rồi, một lần khác anh sẽ kể vậy. Em nói với mẹ đừng lo buồn gì, anh vẫn bình yên. Em hôn cháu cho anh. Em vui nhé và phải giữ gìn sức khỏe nhé.

Anh”


*

Quyên cất kỹ lá thư, rồi ra nhà ngoài. Cái Thu lúc này đang cưỡi cái ô nhong nhong làm ngựa. Người lạ mặt ngừng đùa với đứa bé, và nhìn Quyên đợi xem cô nói thế nào. Hai mắt Quyên lúc này còn hơi ướt lóng lánh. Mặt Quyên hồng lên vì xúc động, hai hàng mi mắt chớp nhanh giàn giụa những tia sáng. Cô gái vừa lúc nãy nom tầm thường chẳng có gì nhan sắc, người còn hơi khô và xấu nữa, mà bây giờ bỗng khác hẳn đi, khác nào như tâm hồn cô vừa hé mở cho người khác thấy được cái đẹp riêng, lặng lẽ và tràn đầy tình yêu thương trong đó. Mắt người khách lộ vẻ ngạc nhiên về sự thay đổi, nhưng Quyên không để ý. Cô hỏi:

- Thưa bác, chắc bác đi đường xa chưa ăn cơm. Để mời bác ngồi chơi, tôi thổi cơm bác ăn tạm.

- Thôi, cô ạ, đừng thổi nấu gì phiền và người ta để ý thì không tiện.

- Xin bác đừng ngại phiền. Còn nhà tôi ở đây vườn rộng, cũng khó bị để ý. Bác cũng như anh tôi, được gặp bác thế này, chúng tôi quí hóa lắm.

- Cô đã xem thư đấy chứ?

- Thưa bác vâng. Anh tôi có dặn gửi bác ít sách, nhưng chốc nữa còn phải tìm. Hay là tối nay mời bác nghỉ lại đây, để chốc nữa tôi soạn sửa và viết một lá thư cho anh tôi. Vả lại tối rét thế này để bác đi thì chúng tôi ái ngại quá.

- Vâng, thế cũng được. Tôi ở đây, nhưng mai thì xin đi sớm kẻo không tiện.

Quyên cầm cây đèn, vào buồng của anh Khắc. Gian buồng mấy tháng nay vẫn bỏ trống, bốc lên một hơi ẩm lạnh lẽo. Quyên lấy chiếu mới, rải giường, mắc màn, dọn dẹp lại những quyển sách cũ trên bàn, lau mấy đám bụi rồi lấy chăn gối trong cái hòm chuông ra, xếp chỗ ngủ cho “bác” khách. Những việc làm ấy tự nhiên đem đến cho Quyên cái gì ấm áp vui vui trong lòng. Quyên để cây đèn trên bàn và ra nhà ngoài:

- Mời bác vào trong này nghỉ. Bác cứ tự nhiên như ở nhà.

Trước lúc xuống bếp làm cơm, Quyên không quên bảo cái Thu bưng ấm nước chè nóng vào cho “bác”.

Quyên đặt nồi nước và giết gà, làm cơm trong cái bếp lụp sụp đầy khói. Có một lúc, người khách cầm đèn ra ao rửa chân tay rồi lại lên nhà. Khi cơm xong, bưng lên, thì anh ta đã ngủ yên, chắc là vì đi đường mệt. Nhưng khi Quyên vào đánh thức, vừa đẩy khẽ cửa buồng và bước vào đến bên giường thì anh ngồi phắt ngay dậy, mở mắt đờ ra một giây. Khi nhận ra Quyên và nhớ là mình đang ở đâu, anh ta mỉm cười:

- Chết thật, tôi ngủ say quá.

Bé Thu lúc này đã đi ngủ. Bà cụ tú vẫn thức và ngồi bên cây đèn, xới cơm cho người khách mà bà cụ đoán là bạn con trai bà.

- Cụ để mặc con.

Người khách ăn có vẻ ngon miệng lắm. Đôi lúc anh ta như hơi ngượng vì thấy mình háu đói quá. Nhưng bà cụ vẫn cứ gắp thêm vào bát cho anh. Đến một lúc, bà cụ hỏi:

- Gần đây bác có gặp thằng cháu nhà tôi không?

Khách ngừng ăn:

- Thưa cụ, không ạ.

Một nét buồn và chưng hửng vẽ ra trên mặt bà cụ già. Bà cụ từ tối cứ yên trí sẽ được hỏi chuyện tỉ mỉ về Khắc. Người khách đã nhận ra và hiểu điều đó. Anh bỗng tiếc thầm, giá mình cứ nói dối cho bà cụ đỡ khổ! Nhưng anh chưa hề biết mặt người con của cụ, dối cũng khó. Anh nói một câu an ủi:

- Thưa cụ, cháu nghe nói anh ấy vẫn được khỏe, cụ cứ yên tâm.

- Bác ăn nữa đi.

Bà cụ lại mời.

Trong lúc ấy, Quyên lụi hụi đào dưới gốc cây bưởi, ngoài vườn tối. Con Mực cứ vẫy đuôi nhảy chung quanh chủ, mỗi tảng đất hắt lên nó lại chồm tới ngửi, đánh hơi. Quyên vừa đào, vừa nghĩ tới anh. Bây giờ chắc anh Khắc cũng đang trốn tránh hết nơi này đến nơi khác, như anh lạ mặt hôm nay. Khổ, ngủ chỉ ngủ có một mắt! Quyên nhớ lại lúc anh ta ngồi phắt ngay dậy, mặc dù đang thiếp đi.

Tìm thấy gói sách, Quyên đem vào nhà, đưa cho người khách.

*

Người cán bộ đã tắt đèn đi ngủ, Quyên vẫn còn thức ở nhà ngoài, ngồi viết thư cho anh.

“Thưa anh,

Nay em có mấy lời lên kính thăm anh mạnh khỏe, em mừng.

Em đã nhận được thư anh rồi. Mẹ và em mừng lắm. Mẹ già nhờ trời vẫn bình an. Cháu cũng ngoan, tháng trước nó bị ấm đầu và ho, nhưng nhờ trời chỉ qua quít thôi, cháu đã khỏi rồi, nay cháu vẫn chơi. Em đã làm xong việc anh dặn trong thư. Em gửi cho anh mười lăm đồng. Anh cứ yên tâm, nhà bình an cả. À, dì Bảy có hôm gặp em, dì hỏi thăm anh đấy. Anh ạ, năm nay hạn lắm, nhưng chỗ ruộng nhà em đã tát nước đủ, và nhà cũng đủ mạ cấy. Mấy cây bưởi nhà sai hoa lắm.
(Quyên viết đến đây, ngẩng lên, thấy mùi hoa bưởi thơm mát thoang thoảng ngoài vườn đưa vào). Em định năm nay mua thêm hoa bưởi trong làng, cất lấy độ hai chục chai nước hoa, đem len Hải Dương, nhà hàng bánh đậu xanh họ mua nước hoa mình tốt, cũng được đồng bạc một chai đấy anh ạ. Còn chăn tằm bây giờ chẳng ăn thua gì, lỗ vốn anh ạ. Mấy luống rau của anh năm ngoái, bây giờ em lại gieo bắp cải, lên tốt lắm. Chuối anh trồng cũng lớn lắm rồi, cái cây ở sau chuồng lợn ra buồng xúc xỉu cả. Làng ta năm nay được mùa, mà sao bây giờ đã đói kém lắm. Ngoài vườn, có tí đất nào rỗi em trồng sắn tất. À, tết ra thì em cho cháu đi học anh ạ. Anh cứ yên tâm, anh nhớ giữ gìn cẩn thận, anh năng viết thư về cho mẹ và em biết tin anh bình an, mẹ và em mừng. Còn ở nhà vẫn bình an cả.

Em – Quyên”.


Viết xong, Quyên thở một hơi dài, lẩm nhẩm đọc lại. Quyên muốn viết bao nhiêu điều nữa, nhưng chẳng biết viết thế nào. Ngồi nghĩ một lúc, Quyên lại thở dài, và làm một cái phong bì, gấp thư và bỏ tiền vào. Nhà cũng chỉ còn hơn hai chục bạc, nhưng Quyên đã tính toán, không gửi cho anh, thì chẳng biết bao giờ mới lại có dịp. Gửi được là may, rồi ở nhà lại kiếm cách chạy vạy cũng xong.

Đêm ấy, Quyên còn trằn trọc mãi mới chợp được mắt. Độ gà gáy lần thứ hai được một tí, thì nghe như có tiếng khẽ kẹt cửa. Quyên choàng dậy châm ngọn đèn hoa kỳ. Anh Cảnh đã dậy rồi thật. Cái tay nải nặng đeo bên vai, anh thì thầm: “Thôi tôi đi bây giờ. Thư cô đâu? Cô có gửi gì nữa không? Cô cho tôi gửi lời chào cụ nhé”. Quyên mở cửa đưa anh Cảnh ra sân. Trời sao nhấp nháy. Con chó Mực thấy chủ, chạy đến bên vẫy đuôi. “Chào cô nhé”. “Vâng anh đi”. Bóng người thoắt đã biến vào bóng tối. Mùi hoa bưởi vẫn thơm ngát trong sương đêm.


(Lược trích
Vỡ bờ, quyển I)