Trong trận Hà Nội, ta đã vừa “đi đánh” vừa “đứng đánh”. Chủ yếu là đi. Ngay cả lúc “đứng đánh” cũng vẫn có “những phân đội nhỏ hoặc rất nhỏ” “đi đánh” sau lưng giặc để giúp những người đứng đánh.

Người Việt Nam không chuyên đánh nhau. Nhưng kẻ nào đánh ta phải coi chừng. Lòng yêu nước nồng nàn kết hợp với óc linh hoạt của dân tộc đã bao lần khiến những giặc hung dữ bậc nhất thế giới phải ôm đầu máu bỏ chạy ra khỏi sông núi này.
(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Du kích trận địa chiến”




Trận đánh ở Thủ đô (...)

Khi chuẩn bị cho trận đánh, chúng ta đã ý thức rõ sự bất lợi trong so sánh lực lượng giữa ta và địch (...) Nếu dàn toàn bộ lực lượng trong một trận đánh mặt đối mặt với quân viễn chinh Pháp, nó có thể bị tan vỡ sau vài giờ chiến đấu.

Chúng ta đã nghĩ ra một cách đánh mới: kết hợp lối đánh trận địa với cách đánh du kích. Đây không phải là lặp lại chiến thuật ba-ri-cát trên đường phố đã có từ xưa. Ta xây những chiến lũy tương đối vững chắc, tạo nhiều vật chướng ngại, đào hầm hào để hạn chế mức cơ động của xe tăng, thiết giáp, cũng như sức mạnh của máy bay, đại bác và các loại vũ khí khác. Khác với trận địa chiến thông thường, hoặc những trận đánh ba-ri-cát trước kia, lực lượng vũ trang của ta không tập trung ngăn chặn địch ở những vị trí cố định. Hình thức tác chiến chủ yếu của ta là dùng những phân đội nhỏ hoặc rất nhỏ. Tính cơ động, nhanh chóng, bí mật, tích cực của nó được đặc biệt coi trọng. Ta kiên quyết không đánh những trận lớn, mà tiến hành hàng loạt trận đánh nhỏ (...) Trong 60 ngày chiến đấu, quân Pháp mở ba chục trận, còn lực lượng vũ trang ta đã tiến công, chặn đánh địch cả thảy trên một trăm trận. Chúng ta đồng thời phát huy mọi sáng kiến của từng người, phù hợp với sở trường, sở đoản của họ, nhằm mục đích duy nhất: tiêu diệt địch, bảo tồn mình.

Tự vệ chiến đấu và bộ đội đã trở thành nòng cốt của một cuộc chiến tranh toàn dân. Dân chúng đã biến đường phố thành một trận đồ bát quái. Họ tự tìm ra cách đánh của mình. Một cô gái, một em nhỏ cũng có thể tiêu diệt được lính lê-dương. Chỉ sau một thời gian ngắn, nhân dân đã hòa vào với bộ đội, đã thực sự trở thành chiến sĩ.

Bộ chỉ huy Pháp có sức mạnh binh khí áp đảo trong tay, đã lúng túng một thời gian dài, không biết dùng sức mạnh đó vào đâu. Khó khăn lớn đối với Pháp không phải là những chiến lũy tại Liên khu 1 cũng như các cửa ô. Địch thủ chủ yếu của họ là rất nhiều đội quân nhỏ thoắt hiện, thoắt biến ở khắp trong thành phố, những hỏa lực lướt sườn xuất hiện bất ngờ, những phát súng trường, những trái lựu đạn nổ lẻ tẻ nhưng rất trúng đích. Hoạt động của những phân đội nhỏ và rất nhỏ này còn khiến kẻ địch tin rằng ta giữ lại lực lượng chính quy chờ cơ hội tung vào một trận đánh lớn.

Một phóng viên hãng thông tấn AFP có mặt tại Hà Nội đã miêu tả cuộc chiến đấu như sau: “(...) Trong cuộc chiến tranh kỳ dị này, người ta có thể chết một cách dễ dàng ở bất kỳ nơi nào, vào bất cứ lúc nào (...) Tại đơn vị đóng ở Nhà thờ để chống giữ mặt Hàng Bông, một trung úy chỉ huy tính đã có tới 35 người chết (...) Ban đêm, họ (Việt Minh) len lỏi vào các phố, (tiến đến mục tiêu) nhanh, không một tiếng động, không một bóng người. Từ trên gác cao, quân Pháp ném lựu đạn xuống. Họ vẫn tiến công một cách hăng hái và bền bỉ với những tiếng hò hét gây khủng khiếp. Đến sáng, họ lại biến đi như mây khói. Ban ngày, họ tìm nơi chắc chắn nhất, chĩa súng vào các vị trí của đối phương. Tiếng súng nổ (...) ở cả những khu mà quân Pháp cho là đã quét sạch. Có những nơi tôi mới đi qua, chỉ một giờ sau, người ta đã thấy xác lính Pháp chết gục ở đấy rồi...”.

Ngày đó, cách đánh của ta ở Hà Nội được gọi là “du kích trận địa chiến”. Về từ ngữ, thuật ngữ này có vẻ như không ổn, vì nó kết hợp hai chiến thuật rất khác nhau. Du kích thường được hiểu là “đi để đánh”, đặc điểm của nó là “đi”. Trận địa chiến là đánh dựa vào chiến hào, công sự, đặc điểm của nó là diễn ra nơi trận địa “cố định”. Nhưng trong thực tế, ta đã kết hợp cả hai chiến thuật, tạo ra một dạng mới trong nghệ thuật chiến tranh nhân dân (...)

Ở đây, một lần nữa cần nhấn mạnh, những cuộc chiến đấu ở nội thành Hà Nội, Huế, Nam Định... sẽ không thể kéo dài nếu chúng ta không giành quyền chủ động tiến công địch, nếu không có sự chiến đấu phối hợp tích cực của chiến trường cả nước, đặc biệt là ở Nam bộ và cực nam Trung bộ.

Những trận đánh khởi đầu kháng chiến toàn quốc với tất cả tính quyết liệt, rộng lớn của nó thực ra nhằm che giấu lực lượng và ý đồ chiến lược của ta là tiêu hao và cầm chân quân địch một thời gian để chuyển cả nước sang trạng thái chiến tranh. Khi kẻ địch phát hiện thì ta đã hoàn tất những mục tiêu đề ra, sẵn sàng đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Đây là nghệ thuật khởi đầu cuộc kháng chiến toàn dân trước một kẻ thù bội phần mạnh hơn ta, đã có mặt ở Thủ đô và tất cả những thành phố lớn.

Yếu tố quyết định hàng đầu (...) là sức mạnh tinh thần, lòng yêu nước của nhân dân ta (...)

Tinh thần thượng võ của dân tộc đã sống lại.

Đó là bao chàng trai đã thay hai chữ “Sát Thát” xăm trên cánh tay bằng lời thề “Quyết tử”, sẵn sàng ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch.

Đó là những em nhỏ tiếp bước Trần Quốc Toản, trốn mẹ cha ở lại thành phố trong vòng vây, chiến đấu dài ngày với lính lê-dương hung hãn.

Đó là những cô gái noi gương Bà Trưng, Bà Triệu “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Có thể nhắc ở đây chuyện Hà Nhật của Liên khu 1. Đó là một cô gái trạc đôi mươi, nước da trắng, mắt một mí, mặt trái xoan, ít nói, lúc nào cũng mặc bộ quân phục ka-ki, đầu không rời chiếc mũ sắt. Hà được chỉ định rời Liên khu trong ngày ngừng bắn, nhưng cô đã trốn ở lại. Cô khâu vá quân trang, đi trinh sát, tham gia giữ chốt. Một lần đi trinh sát, Hà Nhật tạt vào một ụ chiến đấu ở ngã tư Hàng Mã – Hàng Đồng mượn một khẩu súng leo lên gác bắn tỉa. Cô hạ được một lính Pháp xuất hiện ở phố Hàng Mã. Khi cô tụt xuống định trả súng thì một loạt liên thanh từ Cổng Đục bắn tới. Hà Nhật ngã gục trên vũng máu. Đồng đội khiêng cô về trạm quân y phố Hàng Buồm. Biết cô không thể qua khỏi, một người hỏi họ tên và chỗ ở của người thân. Khá nhiều người chỉ hiểu nhau qua những hành động chiến đấu chứ không biết từng người từ đâu tới. Người ta quen gọi “Hà Nhật” vì cô luôn luôn đội chiếc mũ sắt Nhật. Cô chỉ trả lời: “Tên em là Hoàng Hà, chiến sĩ Việt Nam”, rồi từ từ nhắm mắt... Trong số chiến sĩ ở lại Liên khu 1, có những người là ba chị em ruột, hai chị em ruột, có người ở lại để được chiến đấu bên cạnh người yêu.

Có thể nói Du kích trận địa chiến là sáng tạo đầu tiên về nghệ thuật chiến tranh toàn dân của ta tại thành phố. Tuy nhiên, như mọi loại hình chiến thuật, chiến thuật này cũng có khả năng hữu hạn. Với so sánh lực lượng như vậy, chúng ta không thể tiếp tục kéo dài cuộc chiến đấu ở thành phố. Đã tới lúc ta chuyển sang một loại hình chiến thuật mới để đi vào trận đánh trường kỳ...


(Trích hồi ký
Chiến đấu trong vòng vây in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006)