“Nền kinh tế khủng hoảng” khiến nghề làm nón không nuôi nổi dân làng Chuông... Nhưng nó lại nuôi tốt dân những nơi làm nón Huế!...

Thiết tưởng không phải kinh tế, mà chính là văn hóa đã khủng hoảng. Các loại nón cổ không còn được số đông ưa chuộng. Tại sao? Vì cái đội nó luôn khắng khít với cái mặc. Không thích đội cổ nữa hẳn vì không còn mặc cổ nữa. Thôi nón ba tầm vì thôi áo tứ thân. Thôi nón nhô, nón long, nón dấu, nón chóp vì đã mặc Tây. Không phải tất cả người Việt miền Bắc lúc bấy giờ đồng loạt bỏ cũ đâu, cơ bản chỉ những thị dân khá giả mới bỏ, nhưng vì họ là khách hàng quan trọng của nón “đặc sản” nên làng Chuông bị ảnh hưởng trầm trọng, chí tử.

Cái nón Huế hợp với áo dài đang lên ngôi, nên nó cũng lên ngôi...

(Thu Tứ)



Hồ Sỹ Anh, “Nón làng Chuông”







Xưa kia, làng Chuông sản xuất nhiều loại nón, như nón ba tầm (tức nón quai thao) cho phụ nữ, nón nhô, nón long, nón dấu, nón chóp v.v. cho đàn ông. Nghề làm nón đã nuôi cả làng hơn 500 năm, nhưng nguồn gốc thế nào trong làng không ai biết.





(Trong thập kỷ 1920?), nền kinh tế khủng hoảng, làng Chuông rơi vào tình trạng sa sút, người làng bỏ đi gần hết. May có ông Hai Cát nẩy sáng kiến đi học cách làm nón Huế là loại nón đang được ưa chuộng. Sau nhiều cố gắng, rút cuộc ông đã thành công, nón làm ra được đánh giá rất cao ở hội chợ Trường Đấu Xảo Hà Đông năm 1930. Ông về làng bắt đầu sản xuất nón mới thay thế cho các loại nón cổ. Người làng trở lại ngày một đông, làng Chuông hồi sinh với nghề làm nón Huế.





Để nón có màu trắng, thay vì dùng lá cọ như từ xa xưa, chiếc “nón Chuông kiểu mới” lại được làm bằng lá gồi mua tận Quảng Trị. Đây là lá của một loại cây họ nhà cọ mọc ở vùng núi non Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Phải lựa loại lá màu sáng và xanh đều thì nón mới đẹp. Lá mua về vò trong cát cho mềm rồi đem phơi khoảng hai, ba nắng cho đến khi màu xanh chuyển thành màu bạc trắng, sau đó sấy trong bếp củi nhỏ lửa.

Vòng nón ở làng Chuông được chuốt bằng cật nứa. Khác với nón thường có 20 vòng, nón làng Chuông chỉ có 16 vòng giúp nón vừa vẫn bền chắc lại vừa mềm mại. Lá nón gồm hai lớp, giữa là một lớp mo tre.

Khi nón khâu xong, người thợ hơ qua hơi diêm để màu nón trở nên trắng muốt và nón không mốc. Sau cùng, có thể quang dầu cho nón bóng và bền hơn.





(Lược trích từ bài “Độc đáo nghề nón làng Chuông” của Hồ Sỹ Anh đăng trên trang
thanglong.chinhphu.vn ngày 21/9/2012)