Họa sĩ nào đó đã mượn hình dáng một người để vẽ ra cả một tinh thần. Cái tinh thần Quyết Tử Để Tổ Quốc Quyết Sinh.

Làm cha mà như “cha tôi”, đứa con khi lớn lên dù không hề biết mặt vẫn hết mực kính yêu người đẻ ra mình. Còn nếu ngược lại, nếu đặt con mình lên trên đất nước, thì đứa con sau này sẽ cảm thấy rất lúng túng mỗi khi nghĩ đến cha.(1)

Nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ra đi cũng “mới có cháu nhỏ chưa đầy năm”...
(Thu Tứ)

(1) Dĩ nhiên ấy là nếu con khác cha, biết đặt nước trên nhà.



Nguyễn Tùng Linh, “Về một bức tranh in đá”




Bức tranh đen, mực cũ đã ngả màu
Trên khung kính nhà Bảo tàng Mỹ thuật
Phố tên chi, nhà ngói thấp lè tè
Cột đèn gãy kề ngay bên chướng ngại
Người lính đội mũ ca-lô trong bức tranh sao cứ nhìn tôi mãi
Giống một người quen tôi đã gặp nơi nào?

Tôi ra đời giữa một ngày buốt giá
Hình dung ra tháng năm qua những lời mẹ kể:
Tiếng loa đài trong phố hẹp ban đêm:
“Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm...”
Người cha thân yêu tôi không hề biết mặt
Mũ ca-lô, áo trấn thủ ra đường.

Rung thủ đô lời thề quyết tử
“Tiến mau ra sa trường...”
Đêm ấy cha đi không bao giờ trở lại
Khúc người hát năm nào giờ cất lại môi con...

Người họa sĩ với một mẩu chì than
Những nét vẽ đơn sơ mà rung lòng đến thế
Tôi đứng lặng đi trong một góc Bảo tàng
Đất nước hôm nay sông núi đã liền
Sau bao nhiêu năm, cuộc chiến đấu gian nan khép lại
Tôi bỗng nhận ra người lính đội mũ ca-lô trong bức tranh năm ấy
Với nụ cười nhắn lại -
                          Chính cha tôi!


Hà Nội 1980