Những đốm lửa trong đêm đen đang hết sức kiên nhẫn giữ cháy cho nhau và âm thầm truyền lửa. Rồi sẽ tới lúc lửa bùng to khắp “cánh đồng” cho đêm hóa ngày!

“Chó săn”. Làm người mà nhục đến thế là cùng.

(Thu Tứ)



Nguyễn Đình Thi, Vỡ bờ (16)



Phong trào Hải Phòng đã bị một đòn nặng. Từ mối này qua mối khác, trong khoảng tuần lễ, Khắc đã nắm được một số cơ sở còn lại sau những trận bắt bớ. Trên cánh đồng tối đen bị mưa bão dồn dập, vẫn còn cháy những đốm lửa bền bỉ, bây giờ phải tìm hết cách giữ gìn, nhen nhúm, từ những đốm đỏ ấy, sẽ lại có ngày bùng to ngọn lửa nóng bỏng.

Những cuộc khủng bố vẫn chưa dứt. Bọn mật thám nhằm trước hết vào công nhân. Các xóm thợ không đêm nào không bị sục sạo. Hơi nghe rục rịch chút gì, nhà nào có giỗ, có bà con họ hàng tới ăn cơm là bọn chó săn lùng vào đánh hơi. Lác đác vẫn có người bị bắt thêm.

Buổi họp đầu tiên của ban cán sự mới nhóm vào một đêm tối như bưng, ở một gốc đa giữa cánh đồng trông ra sông Rế, gần Thượng Lý. Chị Gái đưa Khắc đi lối tắt đến nơi họp, rồi ra ngồi gác ở một bụi cây cách mấy chục bước, bên con đường đất.

Họ rì rầm bàn với nhau những công việc tỉ mỉ như đi nhặt từng hạt cát để xây một tòa nhà. Việc gấp rút nhất trước mắt là phải nắm lại liên lạc chặt chẽ với các đảng viên, và những người cảm tình tốt, để giữ vững tinh thần cho họ, yên ủi, khuyến khích họ. Lâu nay cả đảng viên và quần chúng quen hoạt động công khai nhiều, bây giờ phải chuyển tất cả vào bí mật cho nên cần mở ngay lớp huấn luyện về công tác bí mật cho đảng viên. Phải tìm cho ra manh mối xem vừa rồi thành ủy bị bắt vì đâu. Phải hết sức đề phòng nội phản. Đế quốc sẽ còn khủng bố ráo riết nữa, tất cả mọi người phải hết sức cảnh giác. Phải tổ chức đội tự vệ. Sang đến vấn đề lập lại các tổ chức quần chúng, Khắc trình bày những nghị quyết của Trung ương nhận định tình hình chuyển biến của cách mạng cùng chủ trương mới...

Khắc ngồi lại một mình. Bây giờ anh đã nhìn rõ tình hình hơn và cũng thấy rõ hơn công việc phải làm.

- Về thôi chứ anh.

Chị Gái từ chỗ gác vào gọi khẽ. Trời vẫn tối quá. Hai cái bóng mờ mờ đi qua cánh đồng.

Đã ra đến con đường nhựa về Hải Phòng. Đường vắng xe cộ và không cả một bóng người. Trước mặt họ, trong ánh đèn sáng một góc trời, đã hiện rõ bóng những lò xi-măng đùn khói trắng nhẹ cuồn cuộn lên cao. Chị Gái đi bên Khắc, hỏi lại:

- Đoàn thể định rút tôi đi thoát ly hẳn hả anh?

- Chị thấy việc ấy thế nào?

- Tôi chẳng biết thế nào. – Giọng chị Gái lắng đi – Tôi đã nghĩ đến việc ấy nhiều lần... Cảnh tôi đi không có bó buộc gì, chồng con chưa mắc mứu gì cả. Chỉ có bà tôi bên Thủy Nguyên, nhưng cụ có mảnh vườn lần hồi cũng sống được với thằng cháu rồi.

- Chị với cô An là thế nào nhỉ?

Chị Gái quay sang Khắc, thoáng cười:

- Anh chóng quên nhỉ. Tôi đã kể với anh rồi thôi. Mẹ cô ấy là dì ruột tôi, trước cũng là phu lò ở xi-măng đấy. Họ nhà tôi toàn là cánh Tràng Kênh, xi-măng cả. Mẹ tôi trước cũng là phu ở sở lò đứng, sau dắt dì tôi vào cùng làm. Ngày ấy tôi mới mười một mười hai đã làm “nhau” đi đội đất đội than. Cứ sáng nào cũng thế, gà gáy là hai mẹ con dắt nhau đi làm, thầy tôi thì đã mất từ ngày tôi mới chập chững biết đi. Bấy giờ còn chưa có lò nung chạy điện như bây giờ đâu. Toàn làm tay cả, ở máy hập người cứ chen nhau đội đá đến mà đổ hất vào, có người nhọc quá mất đà lao cả người vào theo, máy nghiền nát ra. Còn nung thì những mười chín cái lò đứng, chọc bằng xà-beng. Mẹ tôi mất ở đấy. Lần ấy chọc lò, xi-măng bỗng sập xuống, tám người chạy không kịp bị xi-măng nóng đè lên vừa chết ngạt vừa chết bỏng. Năm ấy mẹ tôi ba mươi tư. Dì tôi đón tôi về nuôi được bốn năm, tôi mười sáu thì dì tôi sinh thằng Sơn rồi ốm hậu sản chết. Lần ấy rấp quá, chú tôi cũng ho ra máu, được hơn một năm thì cũng chết. Bấy giờ cái An mới lên mười, phải gửi hai chị em nó về cho bà tôi nuôi, tôi cũng giúp rập vào mà vẫn túng thiếu lắm. May đến năm cái An mười ba thì có bà Hà dắt cho vào Sở may tây phố Pôn-be làm cu-li quét dọn, rồi nó học được nghề may làm ở đấy cho đến bây giờ, đã nuôi được em khôn lớn.

- Cô An có nói chuyện với tôi là có một người chú đã mất, trước cũng làm cách mạng, chị có biết anh ấy không?

Chị Gái không trả lời. Khắc hơi ngạc nhiên, quay sang. Chị cúi đầu, vẫn im lặng bước. Khi chị ngẩng lên, Khắc thấy hình như nét mặt chị thay đổi hẳn đi. Trên đôi gò má rám đen, hai mắt chị lấp lánh gặp đôi mắt Khắc đang chờ đợi câu trả lời. Chị đưa ngón tay út lên miệng cắn nhanh một cái, rồi nói:

- Anh ấy là em họ thầy cái An...

Chị Gái lại ngập ngừng. Khắc đoán câu chuyện này có gì quan hệ đến đời riêng của chị Gái, anh toan nói sang chuyện khác thì chị lại nhìn nhanh sang anh và khẽ nói:

- Anh ấy trước hỏi tôi đấy... Ngày ấy chúng tôi sắp cưới thì anh ấy bị bắt.

Hai người cùng im lặng. Họ đã về đến Sở dầu. Một chuyến tàu đêm từ Hà Nội xuống rít còi vào ga Thượng Lý. Khắc bỗng khẽ thở dài. Anh nói sang chuyện công việc:

- Chị Gái ạ, bây giờ cần nhất là tìm một chỗ đặt cơ quan. Chị đã nhắm được chỗ nào chưa?

Hai mắt chị Gái lại nhanh nhẹn hẳn lên:

- Tôi tính cứ về ngay làng tôi, bên Thủy Nguyên, ngay nhà bà tôi ấy, có lẽ ổn hơn cả. Thôi được, để mai tôi về bên ấy xem thế nào.

Khắc nhìn quanh, thấy đã về đến gần xóm Xi-măng. Anh nói khẽ hơn:

- Chị về bên Thủy Nguyên, tìm ngay một chỗ đặt cơ quan thành ủy, cho độ hai người ở được. Chị phải thật kín và dò kỹ xem tình hình thế nào, có yên không, đường lối đi lại có tiện không. Chị đi lần này phải làm cách gì đánh lạc hướng tụi mật thám đi. Đừng để cho ai ngờ là chị đã “thoát ly” mới được. Nếu bọn mật thám nó ngờ chị, thì nó sục về bên ấy ngay.

- Cái ấy thì cũng dễ thôi – Chị Gái thì thào – Tôi nói với anh chị em là tôi xoay ra đi buôn. Còn bên Thủy Nguyên thì tôi quen biết nhiều, không về làng thì tôi tìm chỗ khác cũng được.

Chị Gái lặng lẽ cắm cúi bước nhanh về xóm Xi-măng. Khắc đợi cho chị đi cách một quãng rồi cũng đi qua bên nhà máy, và rẽ theo bờ sông Tam Bạc.

*

Buổi chiều mùa đông lất phất mưa bay. Dưới sông Lương, một chiếc thuyền buồm đang ngược. Cánh buồm nâu bỏ rơi xuống lùng bùng trên mui thuyền. Ông già lái thuyền người gân guốc như một cái rễ cây khô, đứng dé chân chèo giữ tay lái, thỉnh thoảng gạt nhẹ sang bên trái, bên phải. Hai mắt ông lim dim nhìn ra đằng trước. Bộ mặt nâu sạm điểm mấy sợi râu cước loăn quăn dưới cằm có một vẻ ung dung của người bình tĩnh, tự tin. Bên chân ông già, một đứa bé gái đang thổi cái bếp bị sặc khói. Trong khoang thuyền chất đầy những tiểu sành, hai người ăn mặc như lái buôn ngồi hút thuốc lào và châu đầu vào nhau rì rầm nói chuyện. Thỉnh thoảng họ lại nghé đầu ra nhìn hai vợ chồng người con ông già đang quàng dây thừng, gò lưng lội lõm bõm trên bãi để kéo thuyền. Người chồng cởi trần đi trước. Mồ hôi chảy nhễ nhại trên những múi bắp thịt phồng lên ở vai và lưng anh ta. Người vợ mặt còn trẻ, quần sắn đến bẹn để lộ hai bắp đùi nâu mập chắc. Hai vợ chồng bước đều, từng bước chân đạp mạnh, hai người lại cùng rướn lên một cái và hai sợi dây chão lớn chạy dài cong cong từ vai họ đến mũi thuyền lại nảy cao lên khỏi mặt sông, làm bắn tóe những giọt nước róc rách. Chiếc thuyền từ từ lướt êm trên mặt nước lăn tăn. Đằng xa trong mưa mờ đã hiện ra bóng những dịp cầu sắt uốn cong, vắt qua dòng sông lạnh.

Trên đê, một người đội nón đeo cái bị cói bên vai cắm cúi đi tới. Anh ta bỗng dừng lại nhìn và gọi to:

- Bác Dần đấy phải không?

Hai vợ chồng người kéo thuyền cùng ngẩng lên:

- À, anh Côi đấy à? Đi đâu đấy?

- Tôi ở Hải Phòng về đây.

- Ái chà! Đám đi làm sân tàu bay về đấy phải không>

- Vâng, về cả rồi.

Ông lão đứng lái cũng hỏi to:

- Có chuyện gì hay kể cho lão nghe với nào.

- Nhiều chuyện lắm. Cụ ngược Hải Dương đấy à?

- Phải. Tối mai chúng tôi về, vào chơi, anh kể chuyện cho nghe nhá.

- Vâng, cháu về kiếm sẵn con cá đợi cụ đấy.

Họ chào nhau vui vẻ. Côi lại rảo bước, chốc lát đã đi xa. Ông già nói vào trong khoang:

- Sắp đến cầu Lương đấy, anh Lê ạ.

Một người “lái buôn”, mắt một mí, ngoảnh ra đáp khẽ một tiếng “vâng” rồi lại quay vào nói chuyện tiếp với người bạn:

- À, cậu nhớ tạt qua làng Chẩm hỏi thăm nhà cô Quyên, con bà cụ tú Mai. Cậu đưa cái thư này, cô ấy sẽ giao cho cậu mấy quyển sách, cậu gửi ngay cho tôi. Thôi thế vừa xong cả, mình đi nhé.

Lê lại ngoái đầu ra phía cửa khoang:

- Cụ Dần cho cháu lên nào.

Chiếc thuyền cặp vào một quãng vắng vẻ. Lê cắp ô, xách cái làn và xắn quần lội xuống nước. Vợ chồng bác Dần đứng lại gạt mồ hôi trên mặt. Lê dặn khẽ:

- Anh Dần nhớ ngày mười bốn sẩm tối, về chỗ cây đa bến Cót đợi tôi nhé.

Lê đi nhanh lên con đường đê. Chiếc thuyền lại lướt đi thong thả.


(Lược trích
Vỡ bờ, quyển I)