Ta giúp Lào đánh nó là để cho nó khỏi rảnh bên Lào mà kéo quân nó bên Lào về đánh ta.

Đánh khắp nơi để cầm chân địch khắp nơi, không cho địch tập trung lực lượng đối phó với ta ở những mặt trận then chốt, là chiến lược quán xuyến cuộc chống Pháp. Để thực hiện thành công chiến lược ấy, ta vận dụng tối đa quân địa phương.

Lào bấy giờ quan trọng. Mà Lào bây giờ, thế kỷ 21, vẫn quan trọng.

Để chống Tàu thành công, ta phải giữ cho được quan hệ đặc biệt với Lào. Tàu đang tích cực tranh giành ảnh hưởng với ta ở Lào. Trong cuộc giằng co âm thầm ấy, Tàu có ưu thế tài lực, ta có ưu thế đã rất khắng khít với người anh em của ta từ mãi những ngày...

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Các mặt trận khác” (2)



Mặt trận Tây tiến

Cũng trong thời gian này, chúng ta mở mặt trận Tây tiến. Tháng Tám năm 1945, nước bạn Lào đã tuyên bố độc lập. Từ đó, liên quân Lào - Việt đã sát cánh chiến đấu chống thực dân Pháp muốn lập lại quyền thống trị. Quân Pháp đã chiếm được nửa nước Lào. Chính phủ độc lập Lào do hoàng thân Phết Xa Rạc đứng đầu, đang lưu vong trên đất Thái. Mặt trận Tây tiến có nhiệm vụ vừa phá thế uy hiếp của địch ở phía tây nước ta, vừa làm nhiệm vụ quốc tế, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc Lào anh em. Anh Hoàng Sâm và anh Lê Hiến Mai được chỉ định làm chỉ huy trưởng và chính ủy mặt trận.

Bộ Tổng tham mưu điều động ba tiểu đoàn của Hà Nội, Khu Hai, Khu Ba hợp thành lực lượng vũ trang của mặt trận, với địa bàn hoạt động là Sầm Nưa. Khu Bốn cũng đưa một tiểu đoàn của Thanh Hóa sang Sầm Nưa và một tiểu đoàn của Nghệ An tiến về Xiêng Khoảng. Trong thư gửi bộ đội Tây tiến trước ngày lên đường, tôi căn dặn cán bộ, chiến sĩ: “Phải đứng trên lập trường bình đẳng, tương trợ giúp đỡ cuộc vận động giải phóng của bạn mà tiếp xúc và giải quyết mọi vấn đề”. Mối liên minh đoàn kết chiến đấu Việt - Lào từ đó tới nay vẫn trong trẻo như ánh sáng ban mai.

Sự xuất hiện của bộ đội ta trên chiến trường phía tây đã tạo sự bất ngờ. Quân ta nhanh chóng giải phóng Sông Mã, Sầm Tớ và tiến sâu vào Sầm Nưa. Bộ đội chấp hành tốt các chính sách, được nhân dân Lào hoan nghênh và hết lòng ủng hộ. Người dân Lào chỉ cho bộ đội biết những nơi có quân địch, dẫn đường, tiếp tế lương thực, tải thương cho bộ đội trong những trận đánh. Để cứu nguy cho Sầm Nưa và thay quân ở Tây Bắc, bộ chỉ huy Pháp ở miền bắc Đông Dương phải mở một cuộc hành binh từ Hà Nội theo đường số 6 lên Hòa Bình, Mộc Châu, Sầm Nưa.

Mặt trận Khu Sáu và mặt trận Tây Nguyên

Tại Chiến khu Sáu, sau trận đánh lật nhào một đoàn tàu trên sông Phan đêm 31-12-1946 là những trận phục kích ở Bản Nham, Phương Cần, Bầu Đá, chặn đánh địch ở Đèo Cả, tập kích một tiểu đoàn ở Phú Lâm... trong tháng Một năm 1947, diệt hàng trăm địch.

Ở Tây Nguyên, cơ sở quần chúng được xây dựng tại nhiều nơi. Bộ đội và nhân dân An Khê phá đường sá cầu cống, cắm chông, gài thò, lập buôn làng chiến đấu.

Mặt trận miền Nam

Ở Nam bộ, nhiều trận phục kích, tập kích đạt kết quả tốt, như các trận Cổ Cò (Sa Đéc), Long Mỹ (Rạch Giá) trong tháng một. Đầu tháng Hai năm 1947, Xứ ủy lâm thời Nam bộ ra chỉ thị đẩy mạnh chiến tranh du kích, “đánh địch ở khắp các mặt trận”. Phong trào đấu tranh chính trị lan rộng trong các đô thị. Lực lượng vũ trang tiếp tục củng cố và phát triển. Hạ tuần tháng Hai, Xứ ủy phát động một cuộc “Tổng tiến công quấy rối phá hoại”. Khắp nơi diễn ra những trận giao thông chiến, kinh tế chiến. Nhiều quãng đường bị băm nát, cầu cống bị phá hủy, cơ sở hậu cần bị đốt cháy. Nhân dân dựng kè trên sông, rạch. Ở miền đông, những cánh rừng cao-su bị đốt. Công nhân Sài Gòn đốt nhà máy xay, hãng cao-su, không cho địch vơ vét thóc gạo và nguyên liệu xuất cảng. Quân Pháp gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận chuyển và cơ động lực lượng.

Một cuộc phối hợp chiến trường kịp thời đã diễn ra trên khắp phía nam của đất nước. Trừ hai tiểu đoàn thuộc bán tiểu đoàn lê-dương thứ 13 chuyển từ Tây Nguyên ra Đà Nẵng rồi Huế, quân chiếm đóng của địch không hề rời được chỗ này để tập trung đánh chỗ khác. Xa-lăng, phó tư lệnh quân viễn chinh, đã nhận xét: “Tại Nam bộ, mặc dù tướng Ny-ô có trong tay 25000 lính Âu, 3000 lính Phi, 10000 lính ngụy địa phương..., nhưng lực lượng đó còn quá ít”.


(Trích hồi ký
Chiến đấu trong vòng vây in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 409-411. Nhan đề phần trích tạm đặt.)