Khuyết danh, “Nón lá Gò Găng”





ảnh khuyết danh

Gọi là nón Gò Găng, bởi nón được bán sỉ ở chợ nón Gò Găng (phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn), chứ làm nón là nghề truyền thống ở nhiều địa phương trong tỉnh Bình Định...

Chiếc nón Gò Găng bây giờ là sự kết hợp hài hòa giữa nón ngựa ngày xưa và nón bài thơ xứ Huế...

Làm nón ngựa rất dày công và tỉ mẩn. Nón được kết bằng những vành tre cật, chuốt nhỏ như tăm, đan thành ba lớp mể sườn. Bên ngoài phủ lớp lá kè non chằm bằng những mũi chỉ thơm tàu trắng muốt và đều đặn. Trên đỉnh nón được gắn chụp bạc hoặc đồi mồi có chạm trổ long, ly, qui, phụng. Quai nón được làm bằng những dải lụa đỏ hoặc xanh, chỗ dưới cằm có chỏm tua. Chằm một chiếc nón ngựa mất cả tháng trời, vì vậy giá thành rất đắt. Dần dà, nón ngựa được cải biên thành ngựa đơn, rồi nón buôn, nón chũm rẻ hơn nhiều. Các loại này đều không có chụp, chụp được thay bằng những tua ngũ sắc ở chóp nón.

Đám cưới ở các vùng làm nón, nhà giàu rước dâu bằng kiệu, chàng rể thì đội nón, đi ngựa. Nhà nào nghèo cũng ráng sắm đôi nón ngựa cho cô dâu chú rể đội đi trong ngày cưới. Vậy nên ca dao có câu:

Cưới nàng đôi nón Gò Găng
Xấp lãnh An Thái một khăn trầu nguồn
.



ảnh khuyết danh

Ngày nay, ít ai còn làm nón ngựa. Hầu hết chuyển qua sản xuất nón trắng. Làm loại nón này cũng phải qua nhiều công đoạn, trong đó làm lá là công đoạn khó nhất.

Anh về Bình Định ba ngày
Gởi mua chiếc nón, lá dày không mua
.

Mỗi nón phải xây với 18-19 lá ở độ tuổi thích hợp. Nếu lá quá tuổi sẽ dẫn đến màu vàng như nón mắc mưa, thếp lá dày không thanh mảnh; lá nhỏ tuổi thì nhiều gân xanh, làm cho mặt nón thô nhám thay vì mượt mà. Đầu mối chính của nghề nón là chợ Gò Găng. Chợ này họp thường xuyên từ 3, 4 giờ sáng. Cứ hết một đợt làm được 25-30 chiếc thì bà con các vùng phụ cận lại mang nón đến bán và mua sắm vật liệu cho đợt sau. Mỗi tháng Gò Găng có thể cung cấp cho cả nước hơn 50.000 chiếc nón. Tháng ế nhất cũng gần 20.000 chiếc. Mấy năm trước đây, nón Gò Găng còn được xuất sang các nước láng giềng như Lào, Cam-pu-chia, Trung Quốc... dưới dạng cải biên cho hợp với xứ người. Từ vùng núi cao nguyên mưa nguồn gió dữ đến các miệt vườn Nam bộ, nón lá Gò Găng đã trở thành vật dụng thân thiết cho mọi người lao động.



ảnh khuyết danh

Có dịp về lại các vùng quê Bình Đức, Tân Nghi, Vĩnh Phú hoặc Phú Thành... chúng ta sẽ được chứng kiến những cảnh nhộn nhịp đầm ấm quanh ánh đèn ban đêm. Cứ 2, 3 nhà, chị em lại tập trung với nhau. Từ các bác các chị phải đeo kính, tựa cột, đến các em học sinh tuổi 15, 17, họ vui vẻ trò chuyện trong tiếng thì thụp của mũi kim chằm nón. Trong một ngày đêm một người làm nón giỏi làm được 8, 9 chiếc, với vật giá hiện thời kiếm đủ tiền nuôi sống gia đình 3, 4 miệng ăn.

Nghề làm nón nhanh có tiền lại không nhiều vốn như nhiều nghề khác. Nhưng nó đòi hỏi nhiều thì giờ: hàng 14, 15 tiếng đồng hồ mỗi ngày đêm. Và tuy việc nhẹ nhưng làm lâu như thế cũng khiến đôi bàn tay thấy mỏi rã rời.



ảnh Phạm Văn Mùi


(Lược trích từ trang
annhon.binhdinh.gov.vn)