Dân tộc chưa bao giờ tổ chức đánh ngoại xâm trên quy mô lớn như vậy.

Mà không phải chỉ từ Bắc chí Nam đâu. Mặt trận Tây tiến đã mở rồi. Ta đang qua đánh nó bên Lào.

Giá mà ta đánh được tới tận... Pa-ri!

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Các mặt trận khác” (1)



Mặt trận Đà Nẵng và mặt trận Huế

Ở Đà Nẵng, theo Hiệp định Sơ bộ mồng 6 tháng 3 năm 1946, Pháp chỉ được đóng một tiểu đoàn. Ngày 9 tháng 12 năm 1946, Pháp đã đổ bộ trái phép thêm hai tiểu đoàn của bán lữ đoàn lê-dương thứ 13, đưa số quân tại đây lên tới 1800 người. Pháp có hỏa lực hỗ trợ mạnh từ những tàu chiến đậu ở cảng. Bộ đội ta có hai trung đoàn của Chiến khu Năm. Do nhận lệnh chậm, thời gian chuẩn bị quá ngắn, bị địch tiến công trước (ngày 20-12-1946), không nắm được quyền chủ động nên sau ba ngày chiến đấu, bộ đội ta phải rút ra ngoài. Nhân dân các huyện Hòa Vang, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc cùng với lực lượng vũ trang xây dựng những phòng tuyến, lập vành đai vây chặt thành phố, tiếp tục cản trở giao thông giữa Đà Nẵng và Huế. Bộ đội, tự vệ liên tiếp đột nhập thành phố, quấy rối, phá hoại, mở những đợt “tổng nhiễu loạn”. Địch phải mất một tháng để ổn định bên trong thành phố và càn quét vùng bán đảo Sơn Trà. Lực lượng vũ trang Đà Nẵng được Chiến khu Năm tặng cờ “Giữ vững”.

Tại Huế, Pháp có 750 lính thuộc trung đoàn bộ binh thuộc địa thứ 21 và trung đoàn thiết giáp thứ 6. Ta có hơn hai trung đoàn vệ quốc quân Chiến khu Bốn và khoảng một nghìn tự vệ thành. Quân ta tuy đông nhưng trang bị rất thiếu thốn. Quân Pháp cụm lại trong thành phố, dựa vào một số ngôi nhà vững chãi cố thủ. Lực lượng vũ trang ta hình thành thế bao vây xung quanh khu vực địch đóng quân. Ta nhiều lần tiến công địch không thành công. Nhưng những đợt tiến công giải vây của địch bằng xe tăng, xe bọc thép cũng đều bị ta đẩy lùi. Quân Pháp bị vây chặt phải dùng máy bay thả dù tiếp tế lương thực, đạn, thuốc men.

Trong Hội nghị quân sự lần thứ nhất, ngày 12 tháng 1 năm 1947, Bộ Tổng chỉ huy chỉ đạo Khu Bốn: phải ngăn chặn từng bước, đánh cốt tiêu hao, tránh đem toàn lực quyết chiến với địch và phải rút khỏi thành phố đúng lúc để bảo toàn lực lượng. Bộ không chấp thuận đề nghị của Khu xin tập trung thêm quân, điều động nhiều đội cảm tử của các huyện để cố tiêu diệt địch trước khi viện binh chúng kéo tới. Thực hiện chủ trương của Bộ, ban chỉ huy ở Huế đã bố trí lại, chỉ để hai tiểu đoàn trong thành phố, còn lại rút hết ra ngoài. Từ hạ tuần tháng 1, Pháp dùng lực lượng lớn giải vây cho Huế. Những trận đánh chặn của bộ đội ta trên đường số 1, số 9, trong đó có trận Đầu Mầu, đã ngăn chặn địch có hiệu quả.

Ngày 4 tháng 2 năm 1947, quân Pháp có máy bay, pháo chi viện, kết hợp nhảy dù với đổ bộ từ nhiều hướng cùng tiến công. Chiều ngày 8 tháng 2, chúng tôi nhận được báo cáo của Khu Bốn: “Mặt trận Huế bị vỡ”. “Bộ đội không giữ được hàng ngũ, các cấp chỉ huy không nắm được đội viên, các cơ quan bắt đầu mất liên lạc...”.

Phải mất một thời gian, tình hình Bình - Trị - Thiên mới ổn định dần. Anh Nguyễn Chí Thanh và một số đồng chí khác đã có vai trò quan trọng trong việc cứu vãn tình hình khó khăn sau khi vỡ mặt trận Huế.

Quân và dân Huế đã cầm chân quân địch gần 50 ngày đêm. Đây là những ngày chiến đấu khá hào hùng. Nếu ta thực hiện được rút lui đúng lúc thì mặt trận Huế coi như đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian đầu kháng chiến.

Mặt trận Nam Định

Tại Nam Định, trung đoàn 34 của Chiến khu Hai và một nghìn tự vệ thành đã bao vây chặt tiểu đoàn 2 của trung đoàn thuộc địa thứ 6.

Ba đợt tiến công của bộ đội ta trong mười ngày đầu đã gây cho địch nhiều thương vong. Quân Pháp chiến đấu cố thủ tại Nhà máy sợi và trại Ca-rô tinh thần sút kém.

Đầu tháng 1, tình báo của ta báo tin địch sắp cho một bộ phận từ Hải Phòng đi theo đường biển đến tăng viện cho Nam Định. Bộ Tổng chỉ huy lệnh cho Khu Hai điều lực lượng đánh địch trên sông từ cửa Ba Lạt vào, đồng thời cũng ra lệnh cho Khu Ba đưa một lực lượng đến phối hợp tác chiến bên phía tả ngạn.

Tối mùng 7, chúng tôi nhận được báo cáo trong đêm mùng 5 bộ đội Nam Định đã tiêu diệt năm chục lính nhảy dù và trong ngày mùng 6 đã đánh gây thiệt hại nặng cho quân đổ bộ theo đường sông Đào. Số còn lại buộc phải chạy vào khu Nhà máy sợi. Đây là lần đầu bộ đội ta đánh thắng quân dù và quân thủy. Tôi điện cho Khu Hai cử ngay cán bộ về báo cáo.

Ngày 9 tháng 1, anh Lâm Kính, Tham mưu trưởng Chiến khu Hai và một phái viên của Bộ tới cơ quan Bộ Tổng tham mưu tại Trúc Sơn. Anh Trường Chinh, anh Hoàng Hữu Nam cùng tôi nghe báo cáo. Chúng tôi rút ra một số vấn đề. Bộ đội ta với súng trường không thể ngăn cản thủy quân địch di chuyển trên sông, chỉ khi nó đổ bộ, ta mới có cơ hội đánh, vậy phải tính cách nào để ngăn chặn tàu. Có thể học kinh nghiệm của ông cha ta ngày xưa làm kè ngăn sông không?... Tại Nam Định, lần đầu quân và dân ta chạm trán với quân dù. Bọn này dễ tiêu diệt khi vừa xuống đất: không chỉ riêng bộ đội, tự vệ, mà một cụ già với chiếc dao thái chuối trong tay cũng đã giết được địch. Lại có lính dù bị cành cây đâm lòi ruột. Nếu ta cắm nhiều cọc nhọn ở những nơi địch có thể nhảy dù thì sẽ gây khó khăn cho nó...

Chỉ ít lâu sau khắp nơi đã dấy lên một phong trào làm kè ngăn sông và cắm cọc chống quân nhảy dù.

Dự kiến quân Pháp sớm muộn cũng phải giải vây cho Nam Định và hoàn thành việc đánh chiếm vùng tứ giác Đông Bắc, ta chủ động đề ra kế hoạch đối phó.

Bộ Tổng chỉ huy trao nhiệm vụ cho Khu Hai: Bố trí lực lượng dọc đường số 1 và trên đê sông Hồng; trung đoàn 34 chỉ để lại một lực lượng trong thành phố Nam Định, khi cần phải rút kịp thời, chuyển đại bộ phận ra bố trí dọc đê sông Hồng trên địa phận hai tỉnh Hà Nam, Nam Định. Khu Ba được trao nhiệm vụ dùng lực lượng khoảng một trung đoàn đánh vào khu vực tây nam Hải Phòng, uy hiếp thành phố Cảng, kéo lực lượng địch đang đánh lên Phả Lại quay về. Đồng
thời, đẩy mạnh chiến tranh du kích trên đường số 5.

Ngày 6 tháng 3 (năm 1947), quân Pháp từ Hà Nội với 200 xe cơ giới tiến về phía Nam Định dọc theo sông Hồng. Chúng không chọn đường số 1 vì đường này bị phá hoại nặng. Trung đoàn 34 liên tiếp phục kích, tập kích, diệt nhiều địch, phá được một số xe.

Tối 11 tháng 3, chúng tôi được báo cáo tiểu đoàn cuối cùng của trung đoàn 34 đã rút khỏi thành phố Nam Định đúng lúc.

Như vậy, trên mặt trận Nam Định, quân và dân ta đã bao vây địch 83 ngày đêm, thời gian giam chân địch dài nhất trong các cuộc kháng chiến ở thành phố. Lực lượng vũ trang Nam Định đã thực hiện chiến thuật “Vây thành diệt viện” có hiệu quả, vừa tiêu diệt được nhiều địch, vừa bảo toàn được thực lực. Theo đề nghị của Bộ Tổng chỉ huy, Bác đã tặng trung đoàn 34 của Chiến khu Hai danh hiệu “Trung đoàn Tất Thắng”.


(Trích hồi ký
Chiến đấu trong vòng vây in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 407-409. Nhan đề phần trích tạm đặt.)