Bài viết năm 2007. Mười ba năm trôi qua rồi. Năm nay không biết lục bình có còn trôi lình bình chật sông chật rạch không, hay là đã thành của hiếm, phải trồng mới có để làm giỏ làm dép, ủ nấm rơm? Ờ, mà cũng không biết hai nghề đó có còn phất hay không?... Chắc nhà nước nên đặt ra thứ huân chương gì đó dành cho những người như ông Triệu Vĩnh Thịnh, ông Hai Thủy... (TT)



Bùi Văn Bồng, “Khám phá lục bình”





ảnh khuyết danh

Lục bình nở hoa hầu như suốt bốn mùa. Nhưng vào kỳ cuối đông và mùa xuân lục bình nở rộ.

“Lục bình hoa tím lung linh
Đời theo con nước lênh đênh sớm chiều...”




ảnh khuyết danh

Mấy năm gần đây, nghề sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ bằng cọng lục bình đang “phất”. Từ năm 2000 đến nay, đã bảy năm rồi, các sản phẩm đan lát bằng cọng lục bình là hàng xuất khẩu bán chạy ở nhiều nước.

Người đầu tiên bỏ công nghiên cứu biến cây lục bình từ loài cỏ dại trên sông nước thành mặt hàng được ưa chuộng là ông Triệu Vĩnh Thịnh, cư dân thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang). Cơ sở Vĩnh Thịnh hiện thời thu hút hơn 2.300 lao động, phần lớn là nữ, con em của các gia đình nghèo khó. Mặt hàng chính gồm chụp đèn ngủ, đệm lót ghế ngồi, chiếu, thảm, giỏ xách, tủ nhà bếp, dép dành mang trong phòng ngủ, được xuất khẩu chủ yếu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hà Lan, Đức, Nga, bán với giá từ 6 đến 18 đô-la một cái. Doanh số xuất khẩu mỗi năm khoảng 1,2 triệu USD.



ảnh khuyết danh

Ông Thịnh kể:

- Có lẽ tôi có duyên với những loại cây dân dã này. Trước khi đến với lục bình, tôi đã “kết bạn” với cây chuối. Nhìn những bẹ chuối bị vứt bỏ, tôi thấy tiếc lắm. Phải làm gì đó để khỏi phí hoài “mỏ bẹ chuối” trời cho. Tôi bèn thử lấy sợi của bẹ chuối để làm giỏ xách. Sau chiếc giỏ xách, hàng loạt sản phẩm bằng bẹ chuối khác như võng, giày dép, ghế ngồi v.v. lần lượt ra đời. Bây giờ nguyên liệu chính cho cơ sở thủ công mỹ nghệ của tôi lại là cọng lục bình...



ảnh khuyết danh

Ngoài ứng dụng vừa nói trên, toàn bộ gốc, thân, rễ, lá của cây lục bình còn được dùng trong nghề trồng nấm.

Người có công khám phá ra công dụng mới này của lục bình là ông Hai Thủy, ở xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An.

Ông Hai Thủy kể khi cấy nấm rơm trên vật rơm rạ, bã mía, ông làm vương mấy phôi mầm (meo nấm) trên đám lục bình ven bờ kênh, sau đó thấy nấm rơm mọc nhanh trên lục bình, ông để ý, nảy sáng kiến dùng thứ “cỏ sông” này để trồng nấm. Sau một thời gian loay hoay thử nghiệm, cuối cùng ông đã thành công trong việc trồng nấm rơm trên cọng lục bình khô. Cây lục bình khi đem lên bờ phơi khô giữ độ ẩm được lâu, rất phù hợp với tính ưa nước của nấm rơm. Nấm rơm trồng trên lục bình khô giảm được lượng nước tưới và số lượng meo nấm. Tính ra, năng suất nấm thu được tăng gấp bốn lần so với cách trồng nấm truyền thống trên rơm rạ. Đã vậy, nấm rơm được ủ bằng lục bình lại giòn hơn, ngon hơn hẳn loại ủ bằng rơm rạ.

Sau khi thu hoạch xong nấm rơm, xác lục bình sẽ tiếp tục được ủ để tạo thành phân hữu cơ bón cho cây trồng. Loại phân này rất tốt, được nhiều nhà vườn tìm đến mua.

Cây lục bình là “khám phá của thế kỷ 21”, vì nó mới được bắt đầu khai thác hồi đầu mùa lũ năm 2000. Việc khai thác lục bình vừa tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình, giải quyết việc làm khi nông nhàn, vừa góp phần giải quyết vấn nạn môi trường ở vùng sông nước.


ảnh khuyết danh


(Lược trích “Mùa hoa lục bình” đăng trên trang
chimviet.free.fr)