Cái nhà máy xi-măng to đến nỗi có cả bầu trời riêng của nó! Mấy hôm nay, cứ chiều tối ngay bên ngoài “cái âm phủ đầy lửa cháy và đầy bụi” ấy có một “hạt bụi” “mặt gầy hốc hác” đứng chờ gặp một hạt bụi khác...

Loanh quanh, thế nào lại vào nhà “đôi mắt đen”! Ấm cúng, nhưng ngay đêm ấy đe dọa đã đến thăm. Người cách mạng vẫn luôn chờ nó mà.

(Thu Tứ)



Nguyễn Đình Thi, Vỡ bờ (15)



Chiều đến, hai bên sông Tam Bạc đậu chật ních những sà-lan và thuyền đinh lớn – những chiếc thuyền đi bể với hai lá buồm cánh dơi khổng lồ phe phẩy trên mui. Trên bờ sông bên Hạ Lý, xế cửa nhà máy phốt-phát, từng dòng người rách rưới, lem luốc đang đội than ở thuyền lên các lán trên bờ, hoặc vác những bao phốt-phát từ trong nhà máy xuống sà-lan. Xe goòng, xe bò, xe cam-nhông, xe đạp len lỏi giữa những đám đàn ông, đàn bà, trẻ con mặt mũi đen nhẻm vì bụi than, hoặc nâu nâu vàng vàng bụi phốt-phát. Giữa dòng sông đen ngầu, tàu sà-lúp qua lại không ngớt, kéo còi rền rĩ, gắt gỏng. Tất cả bờ sông bên kia là của riêng nhà máy xi-măng, không một người dân thường nào, một chiếc xe cộ nào được qua. Chỉ có thợ, phu, ô-tô, cần cẩu, xe goòng, sà-lan, thuyền của nhà máy xi-măng. Không khí ở đây đầy bụi khói xi-măng. Cả một dọc dài bờ sông chia thành từng bến, đây là bến đổ sỏi lên bờ, kia là bến đổ than cho nhà máy điện, kia nữa là bến chuyển xi-măng xuống tàu và sà-lan. Tiếng xe goòng lao ầm ầm, tiếng cần cẩu lên xuống lạo rạo, tiếng còi huýt, tiếng người gọi thét, tất cả đang sôi lên sùng sục, và ở dưới nền tất cả những tiếng động ấy, người ta nghe thấy tiếng máy chạy sình sịch, trầm trầm từ đầu đến cuối nhà máy dài rộng mỗi chiều hàng cây số. Bầu trời lúc nào cũng trắng đục, thực ra đó không phải bầu trời, đó là khói xi-măng mù mịt từ những ống lò cao ngất cuồn cuộn tuôn lên và tỏa ra nặng nề che lấp cả ánh nắng.

Đi hết dãy bến sông Tam Bạc ấy, là ra thẳng đến ngã ba sông Cửa Cấm. Phong cảnh tới đây như mở rộng ra, phía bên trái là khu xi-măng đen, nay đã bỏ không dùng nữa, cả một đám nhà máy đồ sộ biến thành kho. Trước mặt, bên kia ngã ba sông là đất Thủy Nguyên, xa xa nổi lên mấy ngọn núi Đèo, sườn hung hung đỏ, xa nữa xanh xanh những dãy núi đá Tràng Kênh, Quảng Yên. Sông Cửa Cấm buổi chiều nước thủy triều lên, sóng mặn dềnh vào những bãi sú mọc trên đất phù sa đỏ mỡ. Hàng trăm cánh buồm đang giương lên, những thuyền đá xanh Tràng Kênh, những thuyền đất quặng sắt, những thuyền đất sét tới tấp về cặp bến. Trên bờ sông, những đống đá Tràng Kênh chất cao ngất như từng quả đồi. Những dòng người đen như kiến, kẻ đội một thúng đá, người vác một tảng đá, từ các thuyền leo lên trút trên các quả đồi ấy. Và dưới chân những đống đá chất ngất, đường goòng chạy như mạng nhện, các toa goòng cứ hai người đẩy một, lũ lượt chạy không ngừng đến trước hai cái xích dây chuyền, lúc nào cũng chuyển động với những tiếng rú ken két kinh người. Mỗi xe goòng đến bên cái dây chuyền ấy lại ầm ầm đổ đá xuống, rồi cái xe không lại quay trở ra lấy chuyến đá khác. Cái dây chuyền cứ ken két, ken két đưa đá lên một cái miệng rộng hoác, ở đó những máy cán lớn bắt đầu nhai đá, lấy búa đập, lấy những hòn đạn sắt cán vụn thành bột, để nuốt vào trong cái bụng khổng lồ của nhà máy đầy những lửa cháy ngùn ngụt.

Cạnh khu đá là khu bùn. Những thuyền đinh đổ lên đây một thứ đất riêng, cứ từng mảng lớn xếp chồng lên thành những bức thành cao. Những toa goòng của nhà máy tới dỡ những tảng đất ấy chở vào đến cái máy bừa bùn. Cái máy thở hồng hộc, những cánh guồng sắt của nó quay vù vù trong một cái bể tròn lõng bõng bùn nâu. Mỗi goòng đất đổ vào, bùn lại rào rào bắn vọt tóe ra, người đẩy goòng hấp tấp nhảy tạt sang một bên, nhưng nước bùn vẫn táp vào đầy đầu tóc, mặt mũi, quần áo. Mặt đất lúc nào cũng ướt nhớp nháp, những đường goòng két lại vì đất bùn, làm cho gòng đẩy càng nặng thêm.

Một chiếc goòng đầy đất vừa bị lật đổ nghiêng, hai người cu-li đang lấy hết gân sức để cố bẩy nó lên. Trên hai cái lưng trần bết bụi đất, gầy giơ xương sườn, mồ hôi đổ ra chảy từng dòng loang lổ. Ống chân họ run lên, nhưng cái goòng vừa nâng lên được lại đổ ập xuống, họ chỉ kịp nhảy sang một bên.

- Tiên sư chúng mày, có nhanh lên không, ùn hết cả lại kia rồi.

Tên cai vừa chửi, vừa giơ roi lên quất bừa vào hai người cu-li. Họ ngẩng lên, trên những khuôn mặt nhem nhuốc mở to hai cặp mắt trắng dã.

- Được rồi, để chúng tôi làm đâu sẽ vào đấy, ông cai làm gì mà đánh người ta thế!

Ba bốn người, vừa đàn ông vừa đàn bà ở goòng phía sau cùng ùa tới, giúp nâng cái goòng đổ lên.

Những chiếc goòng lại nối đuôi nhau cọc cạch qua. Thùm, thùm, đất đổ vào cái bể bùn. Guồng máy òng ọc quấy bùn bên trong nhão ra như hồ. Trên mặt đất lúc nào cũng có cái gì chạy qua loang loáng, loang loáng. Đó là bóng những đợt khói xi-măng từ mấy ống lò ở đằng sau không ngừng đùn lên cao và bay tạt đi theo gió.

- Gái ơi, tao bảo cái này!

Chị phu nghe gọi, quay lại. Một chị bạn từ bên khu đá vừa tới nơi, kéo chị Gái ra một chỗ khuất thì thầm:

- Có người tìm mày hai hôm nay, mày đã biết chưa?

- Ai thế?

- Không biết. Hôm kia, lúc tan tầm, anh ta đứng đợi ở dưới chân cầu, hỏi thăm tao. Hôm qua, tao lại thấy anh ta đứng đấy.

*

Tan tầm đã tối chạng vạng. Từ các xưởng, các lò, từ các ngõ, các ngách của nhà máy xi-măng, hàng mấy nghìn con người cùng tuôn ra con đường bờ sông Tam Bạc. Dưới vòm trời âm u khói, dòng người xám xịt im lặng chảy đi. Những bộ mặt gầy còm lấm nhọ dầu máy hoặc bê bết than và bụi đất, đều lộ vẻ mệt mỏi, khác nào vừa bị rút kiệt sức lực trong cái âm phủ đầy lửa cháy và đầy bụi. Chân người ta bủn rủn, bụng đói như cào. Gió đầu mùa đông thổi tới, những manh áo xanh, áo nâu, không làm sao chống lại nổi với hơi gió lạnh. Mọi người đều im lặng bước đi, chỉ nghe thấy tiếng guốc, tiếng giầy vải, tiếng chân không bước lệt sệt trên mặt đường. Thỉnh thoảng mới có đôi tiếng nói to, hoặc tiếng cười khúc khích của vài anh chị chàng trẻ tuổi, đùa cợt nhau.

Mấy ngọn đèn điện vàng khè đã thắp lên, dòng người rét và đói vẫn cuồn cuộn, lầm lì đi trên đường. Cái quang cảnh ấy có một sức mạnh riêng, nó có cái vẻ oai nghiêm của nó.

Lẫn trong dòng người, chị Gái cùng chị bạn đã đi nhanh tới trạm gác ở cổng ra vào. Hai tên gác cổng người Chà-và nắn từng người thợ một, người ùn lại, chân đứng rậm rịch. Đàn bà con gái cũng bị chúng nó nắn, sờ một cách đểu giả.

Qua dưới chân cầu xi-măng, người bạn kéo tay chị Gái:

- Kia kìa.

Hai mắt chị Gái thoáng một ánh mừng rỡ. Bên tay người nọ chị thấy quấn một cái mùi-soa trắng. Đó là dấu hiệu liên lạc mà anh Lê vẫn hay dùng. Thế là bắt được mối với ở trên rồi!

Tuy vậy, chị Gái vẫn cẩn thận. Nhỡ “chó” nó biết tín hiệu và đến câu mình! Chị nhìn mặt anh ta, thấy không có vẻ gì là chó cả. Tụi chó nó có một vẻ nửa lấm lét, lại nửa trắng trợn nó “gian gian” thế nào. Người này thì mặt gầy hốc hác, mà hai mắt sáng thông minh. Dù sao cũng phải thử xem đã. Chị Gái bảo người bạn: “Mày cứ về trước đi”. Chị xoay người, đi ngược trở lại một quãng, vờ làm như tìm ai phía sau, rồi lại đi xuôi. Đến bên người lạ mặt, chị nói bâng quơ:

- Quái thật cái anh Lê bảo mua thuốc sốt rét gửi về mà mãi chẳng thấy.

Hắn ta thoáng giật mình, rồi bước theo chị. Sang bên kia cầu, hắn nói nho nhỏ:

- Tôi có thuốc chữa sốt rét của ông lang Hải đấy chị ạ.

Chị Gái làm vẻ không hiểu:

- Ông bảo cái gì cơ?

- Chị có phải người nhà anh Lê ở Cầu Mây không?

Chị Gái giấu nụ cười của mình.

- Anh trên ấy về đấy à?

- Vâng, tôi cũng vừa về đây.

Hai người đi nhanh, khuất vào dưới bóng cây. Trời đã tối hẳn.

*

Hôm sau, vào lúc tối khuya, Khắc gặp lại chị Gái ở bên bờ con sông Lấp, gần cổng chợ Sắt. Đường đã vắng người. Trên mặt con sông đào tối om, những thuyền gạo, mía, củi từ Thái Bình, Kiến An, Hải Dương, Hưng Yên về đã tắt đèn lửa. Dãy cửa hàng “công-voa” gạo ngoài rìa chợ cũng đã đóng kín. Nhưng dưới các gốc cây me, cây núc nác, mấy chục cái bếp đang cháy lom rom. Một đám dân nghèo đang nấu bữa ăn tối của họ trong những chiếc vấu đất, những mảnh chảo, mảnh nồi, những ống bơ, hộp sắt cũ. Bữa ăn đây là những thứ cơm thừa canh cặn đã xin được ở các nhà trong phố, hoặc đã mua lại của bọn thầu cơm thừa ở các cao lâu, ô-ten, có khi cực hơn nữa, đó chỉ là những thứ bới được ở các đống rác, bây giờ bỏ vào ít nước máy đem nấu lại. Một thứ mùi khét khó tả bay lên, - cái mùi của sự đói rách, bần cùng. Hai người ngồi ở một góc tối, thì thầm nói chuyện như một đôi trai gái:

- Tôi đã báo tin anh về cho các đồng chí ở xi-măng rồi. Các anh ấy mừng lắm và muốn gặp anh ngay.

- Hay lắm. Nhưng chị cứ thư thả đừng nóng ruột. Tôi bàn với chị là gặp ai, thì chỉ báo cho người ấy biết thôi.

- Các đồng chí ấy đều tốt cả, mà chúng tôi đang lúng túng không rõ bây giờ phải làm gì. Nó lại đang bắt dữ lắm. Anh nên gặp cả mà nói chuyện cho các đồng chí vững tâm.

- Ý tôi là lúc này chỉ nên một mình chị liên lạc với tôi. Còn gặp các đồng chí, thì tôi cũng cần gặp sớm để bàn cách đối phó với tụi mật thám. Nhưng tôi chỉ gặp độ hai ba đồng chí nào chắc chắn nhất. Rồi các đồng chí ấy sẽ về bàn bạc lại với các anh chị em khác, thì tốt hơn.

- Thế cũng được. À, còn chỗ ở cho anh thì đã xong rồi đấy. Chỗ này anh có thể lấy làm xê quy (cơ quan) được.

- Chỗ ấy chỉ có chị biết thôi đấy chứ?

- Vâng. Nhà này là nhà cô em, con dì con già với tôi, nhà chỉ có cô ấy với thằng em giai. Anh ở đấy thì kín đáo lắm. Tôi đã báo cho em nó biết rồi. Tên cô ấy là An, chốc anh đến cứ bảo anh là anh Giong, bạn của chị Gái ở trên ngược về, thế là cô ấy hiểu ngay.

- Tôi tính đây cũng là nơi ở thôi. Xê quy bây giờ không nên ở trong thành nữa. Ta phải ra ngoại thành, về các làng. Ở nông thôn bọn mật thám không sục sạo nhiều như trong thành phố. Xê quy ổn định lâu dài, mới gây cơ sở vững chắc được. Chị có biết chỗ nào tốt ở ngoại thành không?

- Thế thì có nhẽ về làng tôi, bên Thủy Nguyên, là hơn cả. Thôi được, anh hẵng cứ về đằng cái An đi đã. Còn chỗ kia để tôi xếp sau. Bây giờ để tôi đi gặp mấy anh em bên xi-măng.

- Vâng, tôi về đằng cô An, mai chị đến đấy, ta sẽ bàn tiếp.

Hai người cùng đứng dậy, lặng lẽ mỗi người đi một hướng.

*

Theo lời chị Gái dặn, Khắc đi về con đường sau nghĩa địa Tây, tìm cái ngõ có ba cây bàng. Rẽ vào, ngoặt trái lại ngoặt phải, Khắc bỗng ngờ ngợ hình như đã đi qua đây rồi. Anh tìm cái nhà lá có dàn mướp đằng trước. Đúng số nhà chị Gái dặn đây. Nhà đã đóng cửa, tắt đèn. Khắc tới gõ vào cửa mấy tiếng, theo hiệu đã dặn.

Cánh cửa mở, trong nhà vẫn tối, một người đàn bà mảnh dẻ đứng bên trong hỏi khẽ:

- Ai đấy?

- Có phải chị An đấy không ạ?

- Tôi đây, ông hỏi gì?

- Tôi là Giong, bạn chị Gái, mới ở trên ngược về.

- À... anh vào đi.

Cửa đóng lại, ánh đèn dầu từ buồng trong lờ mờ chiếu ra.

- Mời anh vào trong này.

Khắc đi vào một gian buồng xép lụp xụp. Những đồ đạc cũ trong buồng đã xếp gọn lại, để có chỗ kê một cái chõng tre và một cái bàn nhỏ. Chị An cầm cây đèn dầu tây, giơ lên, và quay lại. Khắc bỗng ngẩn người. “Đôi mắt đen” đang nhìn anh và cũng vừa nhận ra anh. Thảo nào! Thì ra vẫn cái ngõ này, nhưng hôm nọ Khắc vào lối đầu đằng kia.

Đôi mắt đen thoáng mỉm cười:

- Hôm nọ, anh đến hỏi thăm anh Lượng, tôi đã ngờ... thế nào lại gặp anh.

- Vâng, tôi cũng không ngờ lại gặp chị.

- Hôm ấy, tôi đã đoán anh là người làm cách mạng, nhưng tôi không dám hỏi.

- Giá mà biết, thì tôi cũng nhờ chị đưa ngay đến gặp chị Gái, khỏi phải tìm mãi.

- Tôi đã tưởng hôm nay anh không đến kia đấy. Tôi cứ đợi mãi. Anh đã ăn cơm chưa?

- Đã, cám ơn chị.

- Anh đừng nề hà gì cả, gặp các anh, tôi mừng lắm, cũng như người nhà cả anh ạ. Chẳng nói giấu gì anh, chú tôi trước cũng đi cách mạng, từ ngày hai chị em tôi còn bé, trông thấy anh, tôi lại nhớ đến chú tôi. Hay là tôi nấu anh ăn tạm bát cháo nhé, chắc anh chưa ăn gì.

Khắc cảm động nói thật:

- Mấy hôm nay, tôi chỉ ăn khoai nên bây giờ cũng đói. Nhưng chị đừng thổi nấu gì lích kích, nhỡ hàng xóm họ để ý. Cần nhất là phải giữ cho trong nhà này thật yên tĩnh bình thường, không có gì lạ cả. Nhà có còn cơm nguội cho tôi ăn là tốt lắm rồi.

Đôi mắt đen chớp chớp, nhìn anh cách mạng gầy hốc hác, hai má hóp lại, đôi mắt to như nuốt cả khuôn mặt. An để cái đèn xuống chõng và quay ra. Lát sau, An đã bưng lên một niêu cháo nóng và ít đậu phụ kho. Khắc húp cháo, ngon miệng quá, mồ hôi trán anh vã ra, húp đến đâu tỉnh đến đó. An ra buồng ngoài, xì xào nói chuyện với chú em lúc này mới thức dậy.

Đêm ấy, Khắc được cuộn trong một cái chăn bông nâu cũ, anh nằm nghe ngoài sân gió thổi mấy tàu lá chuối động sột soạt càng thấy mình được ấm cúng. Từ bữa về Hải Phòng, hôm nay mới khỏi thấp thỏm. Khắc ngủ ngon lạ thường.

*

Có người lay mạnh, Khắc choàng tỉnh ngồi vùng ngay lên. Trong bóng tối om, tiếng An thì thào nhanh:

- Hình như có động anh ạ.

Cách mấy nhà, có tiếng chó sủa, tiếng người quát chó, đập cửa ồn ào. Như một cái máy, Khắc vơ ngay cái túi. An nói:

- Anh theo tôi ra ngoài này.

Chú Sơn, em An, cũng đã choàng dậy. An bảo:

- Sơn ở trong này đừng mở cửa nhé.

Khắc theo An, đi qua sân, bếp, ra đến hàng rào sau nhà. An bảo:

- Nếu chúng nó xuống thì anh lách qua bên bụi chuối này ra ngoài kia là bờ ao, cỏ rậm có nhiều chỗ nấp tốt. Nếu có gì thì anh chạy tuốt đi.

Khắc ngồi thụp xuống bên gốc chuối, nhìn chung quanh để nhận rõ lối thoát. An đã vội trở lên nhà.

Bên nhà bên cạnh, tiếng người ồn ào. Khắc luồn qua rào ra ngoài ngồi im và lúc ấy mới nhận thấy chân quên không xỏ đôi giày vải. Khắc lo, không biết đôi giày bỏ quên có làm bọn chúng sinh nghi hay không. Hình như đã có người vào nhà. Khắc ra bờ ao, chọn một bụi lau rậm, nằm sát đất, im thít.

Trong nhà, hai chị em An lúc này đang nói chuyện với bọn mật thám. Vừa đưa “anh Giong” ra đến sau nhà, thì ngoài cửa đã có tiếng đập thình thình. Anh chạy vội vào. Qua cái buồng xép, nơi Khắc ngủ, An sực nhớ vào cuộn ngay cái chăn bông cũ và cái chiếu, vứt vào góc buồng. Bên ngoài, tiếng đập cửa càng mạng:

- Trong nhà mở cửa ngay, các quan vào khám thẻ.

An xòe diêm châm ngọn đèn hoa kỳ lên, ra mở cửa. Chú Sơn đã chui vào màn nằm đắp chăn như đang ngủ.

Một tên mật thám Tây, cùng viên trưởng phố bước vào, theo sau có hai viên đội mật thám người ta nữa. An chắp tay chào viên trưởng phố:

- Lạy cụ ạ.

- Không dám. Nhà cô có mấy người?

- Bẩm cụ, chỉ có hai chị em cháu thôi ạ.

Viên mật thám Tây đã chiếu đèn pin vào cái màn trong có chú Sơn, rồi lại chiếu đèn pin đi thẳng vào trong sân. An cầm cây đèn đi vào, qua cái buồng xép, một thằng đội người ta gọi giật giọng:

- Mở cửa này xem.

Anh đẩy cánh cửa, và trông thấy ngay hai chiếc giầy vải của anh Giong còn dưới chân chõng. Chị đi vào, gạt nhanh hai chiếc giày vào đống thúng mủng cũ ở xó buồng bụi bặm.

- Bẩm thầy đội đây ạ.

Thầy đội gật gù:

- Ừ thôi được.

Thằng Tây ở ngoài sân vẫn chiếu đèn pin soi quanh. Lúc sau, nó trở lên đứng lù lù giữa nhà, bấm đèn soi lên tường lướt qua mấy tấm tranh phong cảnh, rồi bỗng nó chiếu đèn pin vào thẳng mặt người phụ nữ xinh xắn, và cười chớt nhả:

- Con gái không giấu đàn ông ngủ trong nhà à?

Mấy tên cùng cười rộ lên, ngất ngưởng kéo nhau ra. An đóng cửa lại, mặt nóng bừng, lúc ấy trống ngực mới nổi lên. Chú Sơn cũng từ trong màn nhảy xuống đất, hai chị em nhòm ra ngoài qua khe cửa và cùng lắng nghe tiếng bọn mật thám đang vào khám nhà bên cạnh. Một cái đồng hồ ở nhà nào trong xóm thong thả buông từng tiếng. Boong... boong... boong... Ba giờ sáng.


(Lược trích
Vỡ bờ, quyển I)