“Gác kinh viện sách đôi nơi / Trong gang tấc lại gấp mười quan san”. Gần lắm, mà lại xa quá, vì có một người ở giữa... Rồi cũng tới lúc Thúc Sinh có cơ hội “lẻn ra / xăm xăm đến mé vườn hoa với nàng”. “Sụt sùi (...) tầm tã”, ruột anh đau như cắt, em ơi! Kiều thì điềm đạm: “Chút thân quằn quại vũng lầy / Sống thừa còn tưởng đến rày nữa sao”, rồi đề nghị: “Liệu bài mở cửa cho ra / Ấy là tình nặng ấy là ân sâu”. Sinh dặn dò: “Liệu mà xa chạy cao bay / Ái ân ta có ngần này mà thôi!”, xong tha thiết tỏ bày: “Dẫu rằng sông cạn đá mòn / Con tằm đến thác cũng còn vương tơ”. Chia tay nhau ngay làm sao được, đôi bên bèn “cùng nhau kể lể sau xưa / nói rồi lại nói...”, càng nói càng quyến luyến, “mặt trông tay chẳng nỡ rời”, khiến một người “nhón chân đứng nép độ đâu nửa giờ” nghe lén “nỗi ông vật vã nỗi nàng thở than” phải “chán tai”, bước vào dứt hộ “tơ” cho. Kiều biết bị nghe, “kinh hãi” trước mức độ tự kiềm chế của Hoạn Thư, càng quyết bỏ trốn. Thế là đêm ấy hoa “cất mình qua ngọn tường hoa, lần đường theo bóng trăng tà về tây”...

(Thu Tứ)



Nguyễn Du, Truyện Kiều (câu 1935-2028)



Quan phòng then nhặt lưới mau, (1935)
Nói lời trước mặt rơi châu vắng người.
Gác kinh viện sách đôi nơi,
Trong gang tấc lại gấp mười quan san.
Những là ngậm thở nuốt than,
Tiểu thư phải buổi vấn an về nhà. (1940)
Thừa cơ, sinh mới lẻn ra,
Xăm xăm đến mé vườn hoa với nàng.
Sụt sùi giở nỗi đoạn trường,
Giọt châu tầm tã đượm tràng áo xanh:
“Ðã cam chịu bạc với tình, (1945)
Chúa xuân để tội một mình cho hoa!
Thấp cơ thua trí đàn bà,
Trông vào đau ruột nói ra ngại lời.
Vì ta cho lụy đến người,
Cát lầm ngọc trắng thiệt đời xuân xanh. (1950)
Quản chi lên thác xuống ghềnh,
Cũng toan sống thác với tình cho xong.
Tông đường chút chửa cam lòng,
Cắn răng bẻ một chữ đồng làm hai.
Thẹn mình đá nát vàng phai, (1955)
Trăm thân dễ chuộc một lời được sao?”
Nàng rằng: “Chiếc bách sóng đào,
Nổi chìm cũng mặc lúc nào rủi may!
Chút thân quằn quại vũng lầy,
Sống thừa còn tưởng đến rày nữa sao? (1960)
Cũng liều một giọt mưa rào,
Mà cho thiên hạ trông vào cũng hay!
Xót vì cầm đã bén dây,
Chẳng trăm năm cũng một ngày duyên ta.
Liệu bài mở cửa cho ra, (1965)
Ấy là tình nặng ấy là ân sâu!”
Sinh rằng: “Riêng tưởng bấy lâu,
Lòng người nham hiểm biết đâu mà lường.
Nữa khi giông tố phũ phàng,
Thiệt riêng đấy cũng lại càng cực đây. (1970)
Liệu mà xa chạy cao bay,
Ái ân ta có ngần này mà thôi!
Bây giờ kẻ ngược người xuôi,
Biết bao giờ lại nối lời nước non?
Dẫu rằng sông cạn đá mòn, (1975)
Con tằm đến thác cũng còn vương tơ!”
Cùng nhau kể lể sau xưa,
Nói rồi lại nói lời chưa hết lời.
Mặt trông tay chẳng nỡ rời,
Hoa tì đã động tiếng người nẻo xa. (1980)
Nhận ngừng nuốt tủi đứng ra,
Tiểu thư đâu đã rẽ hoa bước vào.
Cười cười nói nói ngọt ngào,
Hỏi: “Chàng mới ở chốn nào lại chơi?”
Dối quanh, sinh mới liệu lời: (1985)
“Tìm hoa quá bước xem người viết kinh”.
Khen rằng: “Bút pháp đã tinh,
So vào với thiếp Lan Ðình, nào thua!
Tiếc thay lưu lạc giang hồ,
Nghìn vàng thật cũng nên mua lấy tài!” (1990)
Thiền trà cạn nước hồng mai,
Thong dong nối gót thư trai cùng về.
Nàng càng e lệ ủ ê,
Rỉ tai hỏi lại hoa tì trước sau.
Hoa rằng: “Bà đến đã lâu, (1995)
Nhón chân đứng nép độ đâu nửa giờ.
Rành rành kẽ tóc chân tơ,
Mấy lời nghe hết đã dư tỏ tường.
Bao nhiêu đoạn khổ tình thương,
Nỗi ông vật vã nỗi nàng thở than. (2000)
Ngăn tôi đứng lại một bên,
Chán tai rồi mới bước lên trên lầu”.
Nghe thôi kinh hãi xiết đâu:
Ðàn bà thế ấy thấy âu một người!
Ấy mới gan ấy mới tài! (2005)
Nghĩ càng thêm nỗi sởn gai rụng rời!
Người đâu sâu sắc nước đời,
Mà chàng Thúc phải ra người bó tay!
Thực tang, bắt được dường này,
Máu ghen ai cũng chau mày nghiến răng. (2010)
Thế mà im chẳng đãi đằng,
Chào mời vui vẻ nói năng dịu dàng!
Giận dầu ra dạ thế thường,
Cười này mới thực khôn lường hiểm sâu!
Thân ta, ta phải lo âu, (2015)
Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này!
Ví chăng chắp cánh cao bay,
Rào cây lâu cũng có ngày bẻ hoa!
Phận bèo bao quản nước sa,
Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh. (2020)
Chỉn e quê khách một mình,
Tay không chưa dễ tìm vành ấm no!”
Nghĩ đi nghĩ lại quanh co,
Phật tiền sẵn có mọi đồ kim ngân.
Bên mình giắt để hộ thân, (2025)
Lần nghe canh đã một phần trống ba.
Cất mình qua ngọn tường hoa,
Lần đường theo bóng trăng tà về tây.


(
Truyện Kiều, nxb. Ðại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1973)