Hà Nội đang kháng chiến. Phố xá là trận địa, nhà cửa là ổ chiến đấu, bàn ghế giường tủ đã ra đường làm vật cản. Súng nổ thay pháo. Tết nhất gì cái năm Đinh Hợi này. Ờ, nhưng mà nếu người Hà Nội thấy nên cho những ai đó biết mình vẫn có thể ăn Tết rất “đàng hoàng” thì cũng không có khó gì cả. Mặc nó ra sức cản trở, các đường tiếp tế của ta vẫn hoạt động được, đưa vào nội thành đủ các thức cần dùng.

Trong các phát biểu của khách, chỉ có lời Sullivan là đáng chú ý. Do tham vọng riêng, Mỹ không muốn Pháp tái thuộc địa hóa Đông Dương. Nhưng chỉ khoảng hai tháng nữa thôi, tổng thống Mỹ Truman sẽ quyết định chẳng thà để Pháp chiếm lại Việt Nam hơn là để Việt Nam trở thành một nước cộng sản. Lời của lãnh sự Mỹ rồi sẽ có giá trị tiên tri không phải chỉ đối với Pháp, mà cả đối với Mỹ!
(Thu Tứ)



“HN60NĐ - Bữa tiệc ngày Mồng Một Tết”




Vào một buổi chiều cuối tháng 1/1947, trước tết Đinh Hợi ít hôm, anh Lê Trung Toản, Bí thư Đảng ủy, chính trị viên Trung đoàn nói với anh Siêu Hải, Trung đoàn trưởng, và tôi (tham mưu trưởng): “Này! Các cậu nghĩ xem ta có nên tổ chức một bữa chiêu đãi lãnh sự quốc tế vào dịp Tết không? Nếu có buổi đó sẽ làm cho nước ngoài thấy rõ người Hà Nội ta vẫn đàng hoàng mặc dù đang đánh nhau ác liệt. Tiện thể ta thăm dò thái độ của họ xem sao”. Tôi và anh Siêu Hải hưởng ứng ngay, nhất trí điện ra ngoài xin ý kiến.

Hai hôm sau, Bộ chỉ huy khu XI (Mặt trận Hà Nội) điện trả lời đồng ý, nhưng chỉ thị Ban chỉ huy trung đoàn không lộ diện.

Chúng tôi quyết định chọn anh Bùi Nguyên Cát, quản lý (tức Chủ nhiệm hậu cần) Trung đoàn, có “mẽ người”, đóng vai Chủ tịch Ủy ban kháng chiến liên khu I đứng ra mời khách. Tôi đóng vai phiên dịch tiếng Pháp cho anh Cát. Khách mời gồm lãnh sự Anh, Mỹ, Trung Hoa dân quốc, một số đại biểu Hoa kiều, cộng với bên ta tất cả chừng 20-25

Bắt tay vào việc mới thấy lắm vấn đề. Tôi tự nhủ cứ coi đây là một “trận đánh ngoại giao” của trung đoàn, phải làm bằng được. Họp bàn, anh em góp nhiều sáng kiến giải quyết. Tôi nhớ anh Vị Hải, Chủ tịch Kháng chiến tiểu khu Trúc Bạch – Lãng Bạc, đã chỉ huy anh em tiếp tế vận tải mang từ ngoại thành vào mấy cành đào rất đẹp, chậu quất thật sai, nhiều hoa tươi, rồi rau, quả, thịt, bánh chưng v.v. Các tiểu khu Đông Thành, Đồng Xuân, Đông Kinh Nghĩa Thục tìm những đầu bếp giỏi nhất lo việc nấu nướng. Chúng tôi chọn được ngôi biệt thự Anh Hoa, nằm giữa hai mặt phố Ngõ Gạch, Hàng Chiếu và còn có lối sau thông ra phố Hàng Đường khá đẹp, có vườn cây cảnh, hòn non bộ. Những anh khéo tay được giao trang trí nội thất phòng khách. Bức chân dung Bác Hồ được lồng vào khung kính treo ở nơi trang trọng. Góc phòng là cành đào to, chúm chím nụ và hoa được trồng trong chậu cảnh bằng sứ. Bàn tiệc hình chữ U trải khăn trắng kê giữa phòng. Nhiều nến và đèn măng-sông. Cả quần áo mặc tiếp khách cũng được kế hoạch chu đáo. Giấy mời được in trang trọng và gửi cho khách qua viên thư ký của lãnh sự Trung Hoa dân quốc...

Mồng Một Tết, trời se lạnh, mưa bụi lất phất. Tuy không khí Tết có khác mọi năm, nhưng mọi người vẫn đi lại chúc Tết, thăm hỏi tin tức người thân, chia nhau những món quà từ ngoài gửi vào.

Đến 17 giờ, từ phía Hàng Bài, một nhóm người gồm lãnh sự Trung Hoa dân quốc, Anh, Mỹ, cùng vài nhân viên bảo vệ, tiến về phía Tràng Tiền. Một liên lạc viên của ta chờ sẵn đón họ về biệt thự Anh Hoa.

Mọi người cùng vào phòng. Những ngọn bạch lạp đặt ở các góc thích hợp làm tôn vẻ đẹp của các bức tranh, cành đào, cây quất. Trên bàn có các món bánh chưng, yến, vây, bóng, mực, có rau quả tươi, có rượu nếp cẩm, rượu trắng và cả rượu Tây. Các vị khách đều tỏ vẻ ngạc nhiên trước không khí lịch sự và nội dung thịnh soạn của bữa tiệc.

Khi vào tiệc, anh Cát giới thiệu chủ, khách, cảm ơn các vị lãnh sự đã tạo điều kiện để bà con thủ đô tản cư an toàn hôm 15/1/1947 và nhắc lại nhân dân Việt Nam sẽ hy sinh đến giọt máu cuối cùng vì độc lập, thống nhất. Anh đề nghị nâng cốc chúc các vị lãnh sự, các đại biểu sức khỏe và chuyển lời chúc mừng năm mới của Hồ Chủ tịch đến chính phủ và nhân dân các nước Anh, Mỹ, Trung Hoa dân quốc. Chủ khách nâng chén rượu nếp cẩm uống khai vị (...)

Ông Vương Tử Kiên, lãnh sự Trung Hoa dân quốc, là khách đầu tiên đứng lên đáp lời. Bằng tiếng Việt khá sõi, ông cảm ơn Chính phủ và quân đội Việt Nam đã giúp đỡ, bảo vệ Hoa kiều, giúp ông hoàn thành được chức trách trong hoàn cảnh khó khăn, và chúc cụ Chủ tịch Hồ, các vị chỉ huy và “cán binh” Liên khu 1 sức khỏe.

Kế tiếp, ông Wilson, lãnh sự Anh, đứng dậy phát biểu bằng tiếng Pháp: “Xin ngài Chủ tịch nhận ở tôi lòng biết ơn về sự giúp đỡ các Ấn kiều, bảo vệ tính mạng, tài sản cho họ. Tôi ghi nhận tinh thần kỷ luật rất cao của quân đội các ngài. Thế giới sẽ biết đến sự tôn trọng luật pháp quốc tế của Việt Nam”. Ông nâng cốc chúc mừng năm mới hạnh phúc và uống cạn một hơi ly rượu trắng Việt Nam mà ông nói thích hơn các thứ rượu Tây bày trên bàn.

Đến lượt lãnh sự Mỹ là Sullivan đứng lên xin có lời. Cũng bằng tiếng Pháp, ông cảm ơn thiện ý của ngài Chủ tịch liên khu 1 đã mời ăn Tết, cảm ơn sự đón tiếp hữu nghị và bữa cơm rất ngon. Ông bỗng thốt ra: “Hãy kiên trì và kiên trì, các bạn sẽ thắng!” (Patience et patience, vous aurez la victoire!). Tôi ngỡ mình nghe lầm! Mọi người vỗ tay kéo dài hưởng ứng trong khi ông kết thúc bằng câu: “Nhờ ngài Chủ tịch chuyển lời chúc sức khỏe Cụ Hồ kính mến”.

Tiệc kết thúc sau khoảng hơn một tiếng đồng hồ. Anh Cát tiễn các vị khách vui vẻ ra về, không quên tặng mỗi người một chai rượu và bó hoa tươi. Ông Sullivan còn xin thêm một quả cam giấy về làm quà.

Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Trung đoàn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đột xuất đặc biệt, được Thành ủy và Mặt trận Hà Nội khen ngợi. Báo của ta, cả Đài Tiếng Nói Việt Nam cũng đưa tin về sự kiện này. Ai cũng hoan hỉ, chỉ có phía Pháp là hậm hực, bẽ bàng.


(trang
quansuvn.net)