Trận Hà Nội mở đầu bằng một cuộc pháo kích nó bằng súng nó đạn nó thật bất ngờ, kết thúc bằng một màn “ảo thuật” hơn nghìn người đang bị vây kín bỗng biến mất! Từ đầu chí cuối là bao nhiêu gương hy sinh cao cả, bao nhiêu mẫu mực chiến đấu dũng cảm, sáng tạo tuyệt vời.

Trận Hà Nội như thế là màn khai mạc huy hoàng của cuộc trường kỳ kháng chiến gian khổ và oai hùng nhất trong lịch sử dân tộc.

Ai làm nên trận Hà Nội? Một đoàn quân “màu sắc phong phú” lạ lùng, gồm không ít phụ nữ, gồm cả trẻ em, người lớn tuổi.
(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Mặt trận Hà Nội” (2)




Tết Đinh Hợi (năm 1947) mở đầu cho nhiều cái tết tiếp theo trong chiến tranh. Tiếng súng ở mặt trận thay tiếng pháo mừng xuân. Đồng bào ở gần mặt trận gửi những chiếc bánh chưng, cây giò, gói mứt cho các chiến sĩ. Đặc biệt, bộ đội Liên khu 1 nhận được cả cành đào Nhật Tân và hoa tươi. Đêm 30 Tết (21/1/1947), họ mở một đợt tiến công ở nhiều nơi trong thành phố và cắm quốc kỳ trên Tháp Rùa.

Bài thơ mừng xuân Đinh Hợi của Bác đầy hào khí:

“Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến,
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.
Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông.
Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!
Thống nhất độc lập, nhất định thành công!
”.

Tình cảm của Bác mùa xuân này dành phần lớn cho các chiến sĩ đang chiến đấu giữa vòng vây tại Liên khu 1. Trong thư gửi các quyết tử quân Thủ đô:

“Các em ăn Tết thế nào?... Tôi và nhân viên Chính phủ vì nhớ đến các em cho nên không ai nỡ ăn Tết. Còn 90 phần trăm đồng bào ở hậu phương cũng giảm bớt 90 phần trăm mâm cỗ tiệc tùng, ai cũng tiết kiệm để dự bị công cuộc trường kỳ kháng chiến.

Các em là đội cảm tử. Các em quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại. Cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám truyền lại cho các em...

Các em hăng hái tiến lên, lòng Già Hồ, lòng Chính phủ và lòng toàn thể đồng bào, luôn luôn ở bên cạnh các em...”.


*

Sau Tết, ngày 29 tháng 1 năm 1947, tôi tới gặp Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội ở Tây Mỗ, nêu vấn đề phải tính ngay tới việc đưa bộ phận còn lại của Trung đoàn Thủ đô ra ngoài.

Từ đầu tháng Hai, có thêm viện binh, quân Pháp mở những đợt tiến công quyết liệt vào Liên khu 1. Những trận đánh dữ dội diễn ra ngày 6 tại nhà Xô-va (nay là trường Nguyễn Huệ), ngày 7 tại Trường Ke (nay là trường Trần Nhật Duật). Đây là hai vị trí nằm gần bờ sông Hồng, kiểm soát con đường duy nhất nối liên khu với bên ngoài, đã được chỉ thị phải bảo vệ bằng mọi giá. Ở cả hai nơi, địch đã phải bỏ dở cuộc tiến công. Tại nhà Xô-va, địch để lại bốn chục xác chết. Tại Trường Ke, quân địch kéo tới đông, trung đội trưởng Cát Văn Soan cử liên lạc về tiểu đoàn xin tăng viện. Liên lạc viên là em Lai, 12 tuổi. Gặp tiểu đoàn báo cáo xong, Lai quay trở về trung đội thì trúng đạn hy sinh. Cái chết của em Lai đã động viên toàn thể trung đội không chờ có quân tăng viện, đánh lui tám đợt xung phong của giặc, giữ vững vị trí. Khi được tin, tôi đã gửi điện biểu dương những đơn vị vừa chiến thắng.

Chiều ngày 7 và sáng ngày 8, quân Pháp tiến công vào phố Hàng Nón, Hàng Thiếc, Hàng Bút. Dãy nhà số chẵn phố Hàng Thiếc, nơi quân ta bố trí chặn đánh địch, bị bắn phá tan hoang. Trung đội phó Trần Đan bị thương, vẫn tiếp tục chỉ huy bộ đội giữ vững trận địa.

Suốt ba ngày liền, 11, 12, 13 tháng Hai, máy bay địch oanh tạc dữ dội, tập trung vào khu vực chợ Đồng Xuân. Sáng 14, từ 5 giờ, các loại súng của địch nổ rung chuyển cả liên khu. Máy bay ném bom dọc theo trục đường Hàng Mã, Hàng Chiếu, Ô Quan Chưởng. Từ nhiều hướng, xe tăng, xe bọc thép xuất hiện. Phía Hàng Giấy, xe bọc thép tiến về cửa chợ. Phía Ô Quan Chưởng, xe bọc thép phải dừng lại trước bãi cọc sắt và bao cát. Riêng sau chợ Đồng Xuân, bốn xe tăng dẫn đầu một đám đông lính mũ đỏ vượt qua bãi đá bóng. Súng trung liên của ta đặt trên những ngôi nhà cao bắn chặn quyết liệt. Lính mũ đỏ vào gần chợ thì vấp phải hỏa lực tiểu liên, súng trường, lựu đạn, chai cháy từ trong ném ra. Địch phải ngừng tiến công.

Khoảng 9 giờ, địch mở cuộc tiến công thứ hai vẫn nhắm vào chợ Đồng Xuân. Máy bay bà già lượn vòng chỉ điểm mục tiêu cho pháo binh. Các loại súng thi nhau trút đạn vào chợ. Chiến sĩ ta và quân địch quần nhau trong từng căn nhà, trên những mái nhà. Hết đợt tiến công này, quân địch vẫn chưa lọt vào chợ, nhưng đã chiếm được một số nhà gác đặt súng máy uy hiếp ta.

Mười hai giờ trưa, địch mở đợt tiến công thứ ba. Lần này lính mũ đỏ lọt vào chợ. Bên trong, chỉ có hai tiểu đội của tiểu đoàn 101. Bộ đội và quân Pháp xen vào nhau, đánh giáp lá cà quanh những quầy bán thịt. Cuộc chiến đấu không cân sức kéo dài tới 13 giờ thì những chiến sĩ ta còn lại rút ra khỏi chợ, cùng lực lượng bên ngoài tiếp tục đánh phá địch tới khi trời sẩm tối.

Trận này, địch chết khoảng gần trăm. Bên ta hy sinh cũng nhiều, trong đó có em Tuyến, nữ liên lạc viên 14 tuổi.

*

Sau trận chợ Đồng Xuân, địa bàn chiến đấu của Liên khu 1 bị thu hẹp nhiều.

Tối 14 (tháng 2-1947), trung đoàn Thủ đô báo cáo đạn chỉ còn trung bình mỗi khẩu súng 8 viên. Lương thực ăn dè sẻn được 5 ngày. Trung đoàn đề nghị chiến đấu tới cùng.

Quân ủy họp gấp và nhất trí cần chỉ thị trung đoàn rút ngay. Bác và Thường vụ phê chuẩn. Ngay đêm 14, tôi điện lệnh cho trung đoàn rút ra vào đêm 17.

Việc rút lui của trung đoàn được trù liệu từ đầu nhưng vào lúc này trở nên hết sức khó khăn. Đường theo đê lên Yên Phụ và xuống Đồng Nhân đều bị bít kín. Khi bàn kế hoạch đã tính tới đường cống ngầm. Nhưng điều tra kỹ thì thấy đường cống ngầm ở Hà Nội hoàn toàn không đáp ứng một cuộc chuyển quân hàng nghìn con người với cả thương binh.

Tối 16, trung đoàn điện ra kế hoạch rút lui qua sông Hồng.

Tôi nhắc anh Hoàng Văn Thái bàn kỹ với ban chỉ huy mặt trận việc huy động thuyền đò, tổ chức cho thật chu đáo.

Lực lượng ở bên ngoài được lệnh mở một đợt tiến công mạnh vào Ô Cầu Dền, Ô Cầu Giấy, Ô Chợ Dừa và tung nhiều phân đội luồn sâu vào nội thành tập kích, phá hoại, thu hút sự chú ý của địch trong hai đêm 16 và 17.

Tối 17 tháng 2 năm 1947, tiếng súng nổ ran khắp Thủ đô. Nhiều đám cháy bùng lên ở Liên khu 1. Quân Pháp cho là lại diễn ra một đợt quấy rối lớn của bộ đội ta. Chính lúc đó, 1200 chiến sĩ, gồm cả phụ nữ, trẻ em, thương binh chia thành nhiều nhóm nhỏ bí mật luồn qua gầm cầu Long Biên dưới họng súng của những lính gác đứng bên trên. Họ vượt sông Hồng trên những chiếc thuyền do nhân dân bãi giữa chèo lái.

Sáng ngày 19, anh Thái tới vui vẻ báo cáo cuộc rút lui của trung đoàn Thủ đô đã thành công tốt đẹp. Trong nỗi mừng khôn xiết, tôi viết ngay một bức thư ngắn gửi trung đoàn:

“... Các chiến sĩ đã chiến đấu hai tháng ròng rã để giữ vững ngọn cờ nước Việt giữa Thủ đô Hà Nội. Các chiến sĩ đã nêu cao tinh thần bất khuất của dân Việt và thanh danh rực rỡ của quân đội quốc gia Việt Nam.

Các chiến sĩ lại thực hiện được chỉ thị bảo tồn lực lượng. Các chiến sĩ sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến ngày Tổ quốc độc lập, thống nhất. Cho đến ngày Hà Nội được làm thủ đô một nước độc lập, thống nhất.

Ta thề Thủ đô sẽ chiến thắng quân thù!”.

Ngày 22, tôi cùng các anh Trần Quốc Hoàn, Hoàng Văn Thái, Vương Thừa Vũ đến thăm trung đoàn đã chuyển về làng Thượng Hội, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông.

Toàn thể cán bộ, chiến sĩ tập trung ở đình làng.

Chưa bao giờ tôi gặp một đoàn quân nhiều màu sắc phong phú đến như vậy. Có cả các em nhỏ lẫn những người tóc đã hoa râm. Khá đông các chị. Quần áo đủ kiểu. Hàng quân danh dự mặc đồng phục vải ka-ki, đội mũ ca-lô gắn phù hiệu nền đỏ sao vàng, quàng khăn đỏ quyết tử quân và đeo súng tiểu liên. Một số bộ đội mặc áo trấn thủ xanh lá cây. Phần đông chiến sĩ mặc quần áo dân thường. Những bộ quần áo xanh công nhân, áo vét-tông, áo blu-dông, mũ cát, mũ phớt. Những đôi giày dân sự màu đen, màu nâu. Tất cả chỉ giống nhau ở chỗ đều mang vũ khí, nhiều người thắt túi đạn hoặc lựu đạn ngang lưng. Những bộ mặt được khói lửa chiến trường tôi rắn lại vẫn chưa mất đi nét son trẻ của tuổi thanh niên. Trong hàng ngũ chiến sĩ, có những dáng vẻ văn nghệ sĩ: người cầm máy ảnh, người ôm phong cầm...

Tôi siết chặt tay các đồng chí chỉ huy trung đoàn, tiểu đoàn, các anh Lê Trung Toản, Hoàng Siêu Hải, Hoàng Phương, Vũ Yên, Vũ Lăng, Đỗ Tần, Hoàng Đức Nghi, Bùi Nguyên Cát... và chị Tuyết Minh, một bí thư chi bộ khu.

Tôi được biết trong cuộc rút lui an toàn của trung đoàn Thủ đô có công lớn của các chiến sĩ Đội liên lạc Nguyễn Ngọc Nại. Họ đã dẫn đường đưa trung đoàn vượt khỏi vòng vây. Sáng 19/2, khi địch huy động lực lượng tiến công bãi giữa, đội vẫn còn đang ở Tầm Xá. Tám trong số mười đội viên đã anh dũng hy sinh, kể cả đội trưởng Nguyễn Ngọc Nại mới 18 tuổi.

Cuộc rút lui thần kỳ của trung đoàn Thủ đô nói lên khả năng tổ chức, tinh thần kỷ luật rất cao của quân ta và sự đùm bọc, giúp đỡ hết lòng của nhân dân các xã ven sông Hồng.

Tôi chuyển lời khen của Bác tới trung đoàn rồi nói chuyện với anh chị em và thay mặt Bộ Quốc phòng – Tổng chỉ huy tặng lá cờ thêu bốn chữ vàng “Trung đoàn Thủ đô” để đánh dấu ngày vui này.

Toàn thể cán bộ, chiến sĩ đồng thanh hô lớn:

“Ta thề Thủ đô sẽ chiến thắng quân thù!”.


(Trích hồi ký
Chiến đấu trong vòng vây in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006. Những chỗ in đỏ do người trích.)