Nhờ cụ Thám cho hay, ta mới rõ trung đoàn Thủ đô đã phải vượt sông Hồng làm hai chặng chứ không phải đã qua luôn bờ bên kia trong đêm 17 như nhiều người vẫn tưởng.

Cụ Tuyết Minh, nguyên bí thư chi bộ, chính trị viên tiểu đoàn Đông Thành, kể về lúc trung đoàn xuất phát và hành quân tới điểm chờ thuyền: “Cán bộ trung đội chỉ được báo trước hai giờ. Chiến sĩ được lệnh mang hết đồ đạc cá nhân theo như trong mỗi lần chuyển quân, chỉ sau khi lên đường rồi mới biết (...) Các vọng gác bố trí trên thành cầu Long Biên bị tập kích, quấy rối liên tục đã phải dời vào gần giữa cầu. Thêm mưa phùn gió rét buốt căm căm, lính và chó chui hết vào bên trong...” (xem trang
quansuvn.net).

Trở lại cuộc vượt sông. Thiết tưởng cái quãng thời gian suốt ngày 18, khi 1200 chiến sĩ tự bó rọ trên bãi giữa, hồi hộp hơn cả thời gian hành quân ra bờ sông tối 17. Nếu nó biết mà tiến công ở đây thì chắc chắn trọn vẹn lực lượng ta sẽ hy sinh hoặc bị bắt sống! Cuộc chiến đấu kiên cường suốt hai tháng trời ròng rã sẽ kết thúc hết sức bi thảm! Từ sáng đến tối ngày 18, đối với những người không vô tư, mỗi giờ qua hẳn đã thấy dài như hàng thế kỷ!

Cụ Thám bảo “Phúc đức quá”.

Cụ Tuyết Minh bảo “Đã có một sức mạnh thiêng liêng nào đó giúp đỡ (...) Đó là Vận nước”.

Chắc chắn như vậy. Chắc chắn anh linh liệt vị anh hùng dân tộc đã về phù hộ cho đám con cháu đang nêu sáng ngời gương bất khuất.

(Riêng về số thuyền của dân huy động được ở Tứ Tổng và Tàm Xá, thiết tưởng không có sự bất ngờ may mắn nào ở đó. Hẳn đội liên lạc Nguyễn Ngọc Nại nắm rất vững tình hình và đã báo cáo lên ban chỉ huy Trung đoàn.)
(Thu Tứ)



“HN60NĐ - Ngày giỗ trận ở làng Tứ Tổng”




Nhắc cuộc vượt vòng vây “như thần thoại” của Trung đoàn Thủ đô, ít ai nghĩ đến ngày “giỗ trận” của dân làng Tứ Tổng ven bờ sông Hồng (nay là xã Tứ Liên, huyện Từ Liêm, Hà Nội).

Trong khi các chiến sĩ tự vệ và những người chèo đò của làng ngoại ô này đã đóng góp nhiều vào việc đưa hơn 1200 quân qua sông an toàn và ngay sau đó đã phải chịu đựng mất mát to lớn.

Đã 60 năm qua, cứ đến ngày 19/2 dương lịch, hàng chục gia đình ở Tứ Tổng cùng nhân dân cả xã lại làm “giỗ trận” để tưởng niệm các liệt sĩ.

Trước ngày “giỗ trận” năm 1990, chúng tôi may mắn được gặp lại cụ Phạm Duy Thám, người chỉ huy trung đội tự vệ Tứ Tổng năm xưa. Cụ Thám đã ngoài 70, mắt kém, nhưng trí óc còn minh mẫn, nhớ được nhiều việc cụ thể.

Cụ kể rằng: Dân làng Tứ Tổng ở ven bờ sông Hồng và bãi giữa, làm nghề trồng dâu nuôi tằm, xẻ gỗ đóng thuyền, buôn bán chạy chợ v.v. Sau lệnh toàn quốc kháng chiến, bà con ven bờ đi tản cư gần hết. Chỉ còn trung đội tự vệ ở lại bám đất để giữ lấy cái bàn đạp cho du kích Hồng Hà đêm đêm hộ tống Đội tiếp tế vận tải Trúc Lãng, và về sau là Đội liên lạc tiếp tế Nguyễn Ngọc Nại, vượt qua tuyến canh gác của địch vào Liên khu 1.

Đến ngày 17/2/1947, chúng tôi bỗng được lệnh đem hết thuyền sang sông đón bộ đội. Lệnh đến lúc 7 giờ tối, bí mật, nên không bàn bạc gì cả. Vả lại chúng tôi đã có tác phong “quân lệnh như sơn”, trên bảo sao là làm vậy, làm ngay.

Lúc đó chỉ có hai chiếc thuyền, chúng tôi cho nhổ sào đi luôn. Cập bến mới biết Trung đoàn Thủ đô đang rút ra đông lắm. Ôi, ruột gan chúng tôi như có lửa đốt vì nơi bộ đội chờ thuyền là đất làng Tứ Tổng ven đê cách bốt gác của địch tại đình Nội chỉ độ 400 mét. Chúng tôi vội vã chèo sang bãi giữa vào nhà dân mượn thuyền, chọn những cái thật tốt, được cái nào huy động sang sông ngay cái ấy. Tới nửa đêm thì đã tập hợp được 44 chiếc. Trời tối như bưng, sông rộng bảy tám trăm mét, nước xiết, lại không dám thắp đèn hiệu, phải căng mắt ra để thuyền sang thuyền về khỏi va vào nhau và để nhận biết nơi cập bến. Được cái dân bãi giữa chúng tôi quen sông nước, chèo lái rất thạo nên công việc khá trót lọt, chỉ có một lần thuyền rời bến rồi phải vội quay trở lại vì bộ đội xuống quá nhiều, đứng ngồi sai chỗ làm thuyền bị nghiêng, tròng trành, nước tràn vào suýt đắm. Phải kéo thuyền lên bờ dốc hết nước rồi mới lại tiếp tục chở được. Phúc đức quá, chẳng xảy ra sự cố gì, lúc trời sáng bạch thì bộ đội đã qua sông hết!

Chúng tôi bồi hồi nhớ lại cái đêm hôm ấy và cứ thấy rợn người khi nghĩ đến những tình huống xấu đã có thể xẩy ra. Nếu ta đã không nhanh chóng huy động được nhiều thuyền, nếu những người dân chèo đò đã không hết lòng...

Cụ Phạm Duy Thám kể tiếp: Có một sự cố không lường được khiến chúng tôi hoảng hồn. Chả là chuyến đò cuối cùng chở ba anh bộ đội lúc gần 8 giờ sáng, tưởng rằng đã tuyệt đối an toàn, ba đồng chí ấy phấn khởi quá nổi máu “tếu” đốt luôn một bánh pháo mừng “thắng lợi”. Pháo nổ vang cả một khúc sông! Các “bố” ơi đâu mà đã an toàn. Mới sang bãi giữa, “hòn đảo” giữa sông Hồng, còn phải vượt qua một khúc sông rộng nữa kia. Lộ ra thì địch đưa ca-nô, tàu chiến lên chặn đánh là “đi tong” ngay. May quá, địch không hề chú ý. Ba anh chàng vô kỷ luật bị cấp chỉ huy “xạc” cho một trận tơi bời.

Buổi trưa ngày 18/2, ban chỉ huy Trung đoàn Thủ đô gọi chúng tôi đến nhận nhiệm vụ. Ông Trung đoàn trưởng Hoàng Siêu Hải ngồi trước tấm bản đồ Hà Nội, đăm chiêu, nói và quệt ngón tay trỏ từ bãi giữa lên phía bắc: “Các đồng chí tự vệ và bà con Tứ Tổng đêm qua vất vả lắm, chèo thuyền giỏi lắm, nhưng còn phải cố gắng thêm nữa đấy. Phải chuẩn bị đưa Trung đoàn qua sông sang vùng tự do Phúc Yên ngay trong đêm nay”. Thế là chúng tôi lại khiêng thuyền ngược bãi giữa lên Tàm Xá để xẩm tối Trung đoàn Thủ đô hành quân lên đó vượt sông. Ở Tàm Xá chúng tôi được ông Bếp Kịch cho mượn thêm hai chiếc thuyền to, chở được mỗi chuyến năm sáu chục người nên việc đưa bộ đội qua sông rất nhanh gọn, chỉ quá nửa đêm là Trung đoàn Thủ đô đã sang đến đất Phúc Yên.

Cụ Thám xúc động khi kể sự việc tiếp theo:

Gần sáng 19/2, chúng tôi vừa cất thuyền thì phát hiện còn một trung đội bộ đội còn ngủ quên ở bãi ngô. Chúng tôi lại phải đem thuyền ra chở nốt. Mới được một chuyến hơn chục người thì máy bay địch ập đến, pháo địch nã ra và ca-nô, tàu chiến của địch kéo tới đổ quân càn quét. Những bộ đội kẹt lại ở bãi giữa liền cùng với anh em tự vệ Tứ Tổng kiên cường chiến đấu chống cự. Kẻ thù rất cay cú về việc Trung đoàn Thủ đô đã vượt vây ngay trước mũi súng của chúng, nên trút đòn khốc liệt xuống dân làng Tứ Tổng (và cả Tàm Xá nữa). Riêng ở Tứ Tổng địch đốt trụi 196 ngôi nhà, phá sập đình Vạn và đình Xuyên, phá nát 44 chiếc thuyền, giết chết 27 người, bắt đi 70 người. Ngày 19 tháng 2 từ đó trở thành ngày “giỗ trận” ở làng Tứ Tổng.

Sau ngày toàn thắng, Trung đoàn Thủ đô trở về Hà Nội, hài cốt của tất cả anh em hy sinh đã được cất bốc quy tụ vào nghĩa trang liệt sĩ Mai Dịch.

Đầu xuân Canh Ngọ (2002), anh em bộ đội Trung đoàn Thủ đô năm xưa đã tổ chức hành hương về làng Tứ Tổng, cùng nhân dân tiến hành một ngày “giỗ trận” trọng thể. Các chiến sĩ đã vào từng nhà để thắp hương trên bàn thờ liệt sĩ.(1)


(trang
quansuvn.net)



















_______
(1) Phạm Kim Thanh trong bài “Sông Hồng dậy sóng” đăng trên báo
Hà Nội Mới ngày 27/11/2006 cho biết Nhà nước đã tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba cho nhân dân Tứ Tổng.