“HN60NĐ - Đội tiếp tế vận tải Trúc Lãng”




Cuối tháng 12 năm 1946 chúng tôi được anh Vị Hải, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tiểu khu Trúc Bạch – Lãng Bạc, tổ chức vào đội liên lạc, tiếp tế cho Liên khu 1 đang chiến đấu giam chân giặc Pháp giữa lòng Thủ đô.

Đội gồm một số anh em tự vệ và gần ba mươi chị em phụ nữ ở Yên Phụ, Trúc Bạch, Nghĩa Dũng, Phúc Xá do anh Mạc Phúc Ứng làm đội trưởng.

Phương tiện vận tải duy nhất là sức người, mỗi người gùi hai mươi ký. Hàng ngày, vào khoảng năm, sáu giờ chiều, chúng tôi nhận hàng (gạo, tài liệu, báo chí, lựu đạn v.v.) cho vào ba-lô, ruột tượng.

Cứ một nam một nữ, chúng tôi men theo chân đê Tứ Tổng, Yên Phụ, qua gầm cầu Long Biên, đến Cột Đồng hồ thì vượt đê vào ngõ Phất Lộc giao hàng tại 98 Hàng Bạc (hiệu thuốc Phan Anh) cho đồng chí Bùi Nguyên Cát, Trưởng ban quản lý của Trung đoàn Thủ đô. Sau đó, ngay trong đêm, chúng tôi lại mang thuốc men, đưa thương binh nặng và đồng bào tản cư ra ngoài.

Thường thì hai giờ sáng chúng tôi về đến nơi đóng ở Tứ Tổng. Công việc tiếp tế vận tải này rất vất vả và nguy hiểm. Để cho an toàn, chúng tôi chia thành từng tốp, cách xa nhau, khi đi, khi bò, có khi phải nằm thành dẫy dài như luống đất bãi để tránh đèn pha và súng địch. Hồi hộp nhất là lúc bò qua gầm cầu Long Biên. Trời rét nhưng chúng tôi toát mồ hôi, vì địch bố trí canh gác ngay bên trên, sẵn sàng nhả đạn vào mục tiêu. Cứ như vậy, ngày nghỉ, đêm đi, chúng tôi duy trì con đường huyết mạch nối mặt trận Liên khu 1 với hậu phương.

Tết Đinh Hợi (1947), để giúp các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đón cái Tết kháng chiến đầu tiên vui vẻ, lạc quan, đầm ấm, nhận lệnh trên giao, đêm 29 Tết chúng tôi mang thư từ, quà Tết của đồng bào hậu phương cùng rau quả, thịt lợn, thịt bò, bánh chưng, chè lam vào Liên khu 1. Là người Hà Nội, chúng tôi không quên mang cả hoa và cành đào Nhật Tân...

Sau này, chúng tôi mới biết một phần các thức đó đã được Ủy ban kháng chiến Liên khu 1 dùng vào việc tổ chức tiệc mừng xuân tiếp các lãnh sự Anh, Mỹ, Trung Hoa dân quốc. Chiều mồng Một, tất cả khách đến đều ngạc nhiên, sửng sốt. Họ không ngờ những người kháng chiến Hà Nội vẫn có thể dọn một bữa tiệc Tết đầy đủ hương vị và đậm đà không khí dân tộc như vậy.

Mồng Hai Tết (23/1/1947), Pháp đánh chiếm Nhật Tân, chúng tôi phải rút lên Phú Gia. Công việc sau đó được giao lại cho do Đội Nguyễn Ngọc Nại ở Bãi Giữa (Trung Hà – Bắc Biên) đảm nhiệm.


(Nguyễn Thị Thuần, trang
quansuvn.net)