Trong thời Ðá Cũ, bắt đầu cách nay khoảng 2.600.000 năm, con người chỉ biết ghè đẽo, chứ chưa biết mài. Cách nay khoảng 10.000 năm, con người bắt đầu mài đá, tiến vào thời Ðá Mới. Hơn hai triệu rưởi năm, mới tiến được từ đẽo đến mài! Văn hóa Hòa Bình đã phát triển vào thời Ðá Mới...



Đào Duy Anh, “Ðồ đá Hòa Bình”




Những di tích quan trọng về kỹ nghệ đồ đá xưa nhất là do nữ tiến sĩ M. Colani phát hiện được trong các năm 1926-1927 ở miền đông và miền tây tỉnh Hòa Bình, và trong các năm 1929-1930 ở các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, tại các lèn đá nổi lên ở giữa một vùng hỏa sơn thạch (...) Những địa điểm quan trọng ở Hòa Bình là Sào Ðộng, Xóm Kham, Chiềng Xén, Mường Khàng. Những di vật nằm theo ba tằng, tằng thấp nhất, tức xưa nhất gồm những đồ đá cũ thô sơ (...) người ta dùng những hòn đá cuội tự nhiên đập mạnh cho vỡ bớt một phần là có được những cái vồ, những quả đấm hay những quả ném dùng làm võ khí. Cũng có những cái nạo và búa ngắn, làm bằng đá cuội đẽo ở một đầu (...)

Ở tằng giữa những địa điểm tiền sử học về giai đoạn Hòa Bình thì phần lớn đồ dùng vẫn là đồ đá đẽo, nhưng sự chế biến đã khéo hơn (...) cần chú ý là sự tồn tại của một số búa chế bằng đá cuội, có trau ở một đầu (...) Theo quy ước thì những đồ đá bắt đầu trau chút ít là thuộc về thời đại đồ đá mới, nên những tằng giữa trong các địa điểm Hòa Bình cũng là thuộc về đồ đá mới rồi, nhưng sự trau đá còn rất là rụt rè.

Ở những tằng trên (...) xuất hiện (...) một số đồ đá nhỏ nhắn, chế tạo tinh vi, nhưng thường thường là trau ở một mặt, hay trau bộ phận, chưa phải là đồ đá trau hoàn toàn.


(Ðào Duy Anh,
Lịch sử cổ đại Việt Nam, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, 2005. Sách này tập hợp ba tác phẩm khác nhau của Đào Duy Anh: Cổ sử Việt Nam (1957), Lịch sử cổ đại Việt Nam (1957), Vấn đề hình thành của dân tộc Việt Nam (1957). Nhan đề phần trích tạm đặt.)