Súng quá ít, nhiều súng lại rất lạc hậu. Đạn càng quá ít.

Súng đạn ít ỏi ở đâu ra? Do ta cướp từ tay giặc và do ta mua.

Cướp của Pháp, Nhật; mua của Nhật, Tàu.

Cướp là công chiến sĩ anh hùng. Mua là bằng tiền quyên góp từ nhân dân yêu nước.

Công quân của dân, bắn sao cho trúng!
(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Mặt trận Hà Nội” (1)




LỰC LƯỢNG VÀ KẾ HOẠCH

Cuối tháng 11-1946, Thường vụ họp mở rộng với Bộ chỉ huy và Ủy ban Bảo vệ Chiến khu đặc biệt Hà Nội (Khu XI) mới thành lập (...) Bộ chỉ huy Chiến khu Hà Nội lúc này gồm anh Vương Thừa Vũ, chỉ huy trưởng, anh Trần Độ, chính ủy (...)

Tôi trình bày vắn tắt tình hình khẩn trương do Pháp quyết tâm tái chiếm nước ta bằng vũ lực, và nêu rõ nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô (...) Một là, phải tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quân địch, chiến đấu giam chân chúng càng lâu càng tốt (...) Hai là (...) thấu triệt chủ trương gìn giữ lực lượng của ta, theo dõi sát tình hình mặt trận để lúc cần thì chủ động rút (...) Ba là, Thủ đô phải nêu cao tinh thần anh dũng và sáng tạo chiến đấu làm gương cho cả nước (...)

Từ những đặc điểm địch, ta (...) tôi nêu lên biện pháp tác chiến chủ yếu là “phải sử dụng những lực lượng nhỏ, triệt để lợi dụng địa hình, địa vật ở từng khu, dựa vào những ngôi nhà có cấu trúc kiên cố, xây dựng nhiều chướng ngại vật trên các đường phố, đánh địch bằng mọi hình thức, tránh tung lực lượng vào những trận quyết chiến lớn, gây khó khăn, lúng túng cho địch bằng nhiều chiến thắng nhỏ...”.

*

Tổng số quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương lúc này đã lên tới 90.000. Về phía ta, lực lượng bộ đội cả nước khoảng 82.000. Không có chênh lệch lớn về số lượng. Nhưng về trình độ tổ chức, trang bị, kỹ thuật, thì đây là một khoảng cách có tính thời đại.

Quân viễn chinh Pháp là một quân đội nhà nghề (...) (gồm) bộ binh, thiết giáp, pháo binh, không quân, hải quân (...) Họ có những trang bị hiện đại nhất của phương Tây (...)

Còn quân đội ta, đơn thuần là bộ binh, hầu hết là người dân mới khoác áo lính, trang bị yếu kém. Mỗi đơn vị, nhiều nhất là một phần ba chiến sĩ có súng, toàn là súng cũ đủ loại với rất ít đạn. Mỗi trung đoàn chỉ có từ ba đến bốn khẩu trung liên hoặc đại liên, vài ba khẩu súng cối. Những đơn vị đã ít nhiều được rèn luyện trong chiến tranh chống Nhật ở Việt Bắc thì hoặc đã lên đường Nam tiến, hoặc phân tán đi làm cán bộ ở những đơn vị mới tổ chức (...) Các chiến sĩ ta lại ít được huấn luyện về kỹ thuật, số đông chưa qua bắn đạn thật (...)

Thủ đô Hà Nội là nơi quân Pháp tập trung đông (...) khoảng 6.500 người (ngoài ra còn có) 7.000 Pháp kiều đã được phân phát vũ khí (...)

Lực lượng ta ở Hà Nội gồm 5 tiểu đoàn vệ quốc quân, 2.515 người, khoảng trên 8.000 tự vệ (...) và một lực lượng công an xung phong (...) (Nên nhớ tự vệ trang bị lại còn “yếu kém” hơn bộ đội một bậc! – GN)

*

(Sau khi) có quyết định toàn quốc kháng chiến của Trung ương, tín hiệu sẽ được phát đi từ Bộ Tổng chỉ huy đến tất cả các chiến khu.

Tại những nơi địch tương đối yếu như Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vinh, các chiến khu được trao nhiệm vụ tiêu diệt hoặc gây thiệt hại nặng cho những đơn vị đồn trú.

Các chiến khu ở nam Trung bộ và Nam bộ được lệnh đẩy mạnh chiến tranh du kích, gây khó khăn cho địch trong việc đưa quân tăng viện cho các mặt trận phía bắc.

Mặt trận Hà Nội sẽ là chiến trường chính trong trận tổng giao chiến đầu tiên.

Lần đầu, chúng ta có một kế hoạch tác chiến trên quy mô cả nước.

*

Trong quá trình bàn bạc cách đánh ở Hà Nội, mặc dù mục tiêu, biện pháp tác chiến đã được phổ biến, vẫn có đồng chí đề nghị tập trung một số đơn vị bộ đội và tự vệ thành gan dạ bí mật đột nhập thành Hà Nội, đánh thẳng vào đại bản doanh của quân Pháp. Đây là cách quân Nhật đã làm đêm mồng 9 tháng 3 (năm 1945). Kế hoạch này có nhiều tính phiêu lưu, vì quân viễn chinh Pháp hoàn toàn không giống quân thuộc địa Pháp, và vì các chiến sĩ ta còn xa mới có được những trang bị và mức thiện chiến của quân đội Nhật. Một sĩ quan cũ của Nhật đã sang hàng ngũ ta, nêu ý kiến nên thiết lập ba phòng tuyến bằng công sự vững chắc bao quanh Hà Nội để ngăn chặn quân địch từng bước. Đây là cách phòng ngự cổ điển. Ta không chủ trương phòng ngự theo cách này và cũng không đủ người và cơ sở vật chất để thực hiện.

Tôi lưu ý Bộ chỉ huy Hà Nội trường hợp một tiểu đội vệ quốc quân và một tiểu đội xung phong tuyên truyền đã cầm chân quân Pháp suốt cả một ngày tại Nhà hát lớn Hải Phòng. Những công thự có cấu trúc vững chắc như Bắc Bộ Phủ, Tòa thị chính, Nhà bưu điện v.v. cùng với Trại bảo an binh cũ có thể kết hợp thành một khu vực chiến đấu liên hoàn cầm cự với quân địch một thời gian. Những khu vực có nhiều đường phố nhỏ và nhiều ngõ ngách như Liên khu 1 rất thuận lợi cho việc xây dựng chiến lũy, tạo vật chướng ngại ngăn cản xe tăng, cơ giới và bộ binh địch, giúp kéo dài cuộc chiến đấu. Hỏa lực bố trí bí mật trên những ngôi nhà cao rất lợi hại. Trong trận đánh Thái Nguyên, tôi chứng kiến một khẩu súng máy quân Nhật đặt trên ngôi nhà hai tầng đã kiểm soát được suốt dọc phố. Cần đặc biệt nghiên cứu cách đưa bộ đội rút ra an toàn khi có lệnh. Nên tìm hiểu hệ thống cống: trường hợp cấp bách, những con đường nằm dưới lòng đất này có thể giúp ích cho ta. Cán bộ đi điều tra về báo cáo những cửa cống thông ra sông đều bị ngăn bằng song sắt. Ta đã chuẩn bị để khi cần sẽ phá bỏ ngay những song sắt này.

Nửa năm qua, người Hà Nội đã làm quen với chiến thuật ba-ri-cát những lần Pháp gây hấn. Qua bàn bạc, thấy chất bàn, ghế, giường, tủ v.v. thành đống giữa đường, ngả cây, cột điện, đẩy xe ô-tô, toa tàu điện, toa xe lửa v.v. chắn ngang cũng chỉ gây cản trở cho quân địch một thời gian ngắn. Cần phải xây dựng nhiều lớp chiến lũy, kết hợp với đào chiến hào và bố trí lực lượng chặn đánh thì mới có thể chống xe tăng, cơ giới và bộ binh địch có hiệu quả. Cần đục tường nhà nọ thông sang nhà kia để nâng cao mức cơ động của lực lượng ta (...)

Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Bộ chỉ huy Khu XI trình bày kế hoạch “Trong đánh – Ngoài vây”, theo cách nói của đồng chí Vương Thừa Vũ là “trùng độc chiến” (...) Ngày đầu nổ súng, năm tiểu đoàn vệ quốc quân cùng các lực lượng tự vệ sẽ tiến công một số vị trí lẻ của địch, phá hoại những cơ sở vật chất quan trọng như Nhà máy điện, Nhà máy nước, Kho xăng dầu, phá cầu Long Biên, đánh sân bay, bảo vệ một số cơ quan tiêu biểu như Bắc Bộ Phủ, Tòa thị chính, Nhà bưu điện... Sau vài ngày chiến đấu, một tiểu đoàn vệ quốc quân sẽ rút vào Liên khu 1, cùng với tự vệ cố thủ tại đây. Bốn tiểu đoàn khác cùng với tự vệ Liên khu 2 và Liên khu 3 sẽ giãn ra các đầu ô dựa vào chiến lũy tiếp tục chiến đấu, thường xuyên đột kích để yểm trợ cho Liên khu 1 và ngăn chặn quân Pháp đánh ra ngoại thành.

Tôi tán thành kế hoạch này, một kế hoạch “nội công ngoại kích” gây cho quân địch sự lúng túng phải đối phó ở cả hai mặt, bên trong và bên ngoài, đồng thời bảo đảm tính cơ động của lực lượng ta, không bị cố định trong những phòng tuyến cứng nhắc (...)

Khó khăn nhất vẫn là sự chênh lệch quá lớn về trang bị, kỹ thuật giữa ta và địch. Toàn mặt trận, tính cả tự vệ, có khoảng 2.250 cây súng, hầu hết là súng trường, với nhiều súng khai hậu. Đạn rất ít. Trung bình, hai chiến sĩ có một quả lựu đạn (...)

*

Bộ Tổng chỉ huy quyết định nổ súng vào lúc 20 giờ ngày 19 tháng 12 năm 1946, nhưng chỉ có Hà Nội thực hiện mệnh lệnh đúng thời gian. Những nơi khác đều chậm từ hai đến bảy giờ. Có nơi bộ đội ta bị địch tiến công trước (...)

Kể cả Hà Nội, địch cũng không hoàn toàn bị bất ngờ (...) (Ngày 19-12) Moóc-li-e (đã) đặt toàn bộ quân Pháp trong trạng thái báo động cao (...) Điều bất ngờ đối với họ chỉ ở chỗ: có lẽ nào một đội quân non trẻ với những trang bị yếu kém lại dám nổ súng vào quân viễn chinh?


NGHE BÁO CÁO NGÀY ĐẦU

Hiệu lệnh nổ súng ở Hà Nội là đèn điện tắt, đại bác của pháo đài Láng bắn những phát đầu tiên. Chúng ta cần bóng tối trợ lực khi khởi sự. Làm được việc này không dễ. Trung tâm phát điện là nhà máy điện Yên Phụ do một lực lượng hỗn hợp Việt, Pháp cùng canh gác. Cần bí mật đưa vào một lượng thuốc nổ đặt nơi thích hợp sát giờ nổ súng. Nếu địch phát hiện, sẽ chiếm ngay nhà máy và tiến công trước.

Từ làng Tây Mỗ, cách Hà Nội mười ki-lô-mét, tôi chờ đợi giây phút này. Anh Hoàng Văn Thái túc trực tại tổng đài điện thoại của Bộ đặt ở thị xã Hà Đông, nắm tình hình tác chiến, theo quy định cứ hai giờ báo cáo với tôi một lần.

20 giờ...

20 giờ 03 phút. Đèn điện Hà Nội phụt tắt. Công nhân nhà máy điện Yên Phụ do đồng chí Giang phụ trách đã hoàn thành nhiệm vụ một cách tuyệt vời! Ngay sau đó, đại bác từ pháo đài Láng gầm lên, rồi cả Hà Nội rền vang tiếng súng. Chân mây dần dần rực màu hồng của những đám cháy...

Có thể thấy địch lập tức đối phó. Phần lớn những tiếng súng lúc này là của địch. Các chiến sĩ ta được lệnh tiết kiệm đạn ngay từ khi khởi đầu tiến công.

Anh Thái thông báo những diễn biến đầu tiên. Quân ta diệt nhiều ổ chiến đấu lẻ, nhiều tiểu đội địch trong các bộ phận gác hỗn hợp và đang vây đánh nhà Đề-lê-vô (...) Ở ngã ba Hồng Phúc, Hàng Đậu, vệ quốc quân và tự vệ chiến đấu tổ chức phục kích, giật bom phá xe tăng rồi xung phong diệt hàng chục địch (...)

Trong đêm, được tin Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vinh và Huế đã lần lượt nổ súng. Bộ đội Đà Nẵng 21 giờ mới nhận được lệnh, đề nghị cho nổ súng vào 8 giờ 30 ngày hôm sau.

Nhìn chung, ta đã giành được lợi thế trong những giờ giao chiến đầu tiên.

*

Sáng sớm ngày 20, tôi cùng anh Trần Quốc Hoàn, phái viên của Trung ương, và anh Hoàng Văn Thái có mặt ở Sở chỉ huy Mặt trận Hà Nội. Phái viên từ các nơi liên tiếp về báo tình hình chiến đấu đêm qua. Những bộ mặt trẻ măng. Ai cũng muốn nói nhiều về chiến tích đầu tiên của khu mình (...)

Tôi yêu cầu đi thăm mặt trận. Anh Vũ đưa trở lại phố Khâm Thiên.

Lần này, không đi trên đường, chúng tôi chui qua những lỗ đục tường từ nhà nọ thông sang nhà kia (...)

Ở đầu phố, đối diện với vị trí địch tại nhà dầu Shell, chiến lũy của ta vẫn đứng vững. Mùi thuốc súng khét lẹt. Anh em tự vệ, không ít người chỉ có trong tay một quả lựu đạn lọ mực, một thanh sắt hoặc con dao.

Chúng tôi đang đứng quan sát bên một ngách tường thì một viên đạn cối lao tới, nổ cách đó mấy nhà. Tiếp theo là những loạt liên thanh của quân Pháp. Anh Vũ đề nghị tôi xuống giao thông hào.

Giữa những loạt súng nổ ran, chợt nghe tiếng hát của chiến sĩ ta. Tôi định nói tiếng hát sẽ làm lộ vị trí, nhưng lại thôi. Trận dạ tập Đồng Mu trước ngày Tổng khởi nghĩa, giữa giờ phút khó khăn thì tiếng hát của quân giải phóng bật lên (...) Sau này đọc một cuốn sách của Pháp, tác giả kể lại khi tiến công vào Bắc Bộ Phủ, về cuối, quân Pháp đã nghe bên trong có tiếng hát và tiếng đàn măng-đô-lin. Vào những giờ phút ác liệt của chiến tranh, tiếng hát có tác dụng kỳ lạ.

Tôi nói với anh Vũ cần xây dựng tiếp vài lớp chiến lũy và đào thêm nhiều hầm hào. Bộ đội không chỉ chặn địch trước mặt mà phải có bộ phận cơ động bí mật đánh vào sườn. Nên phổ biến kinh nghiệm tự vệ đường Tràng Thi từ trên mái nhà ném lựu đạn, bắn súng xuống, học kinh nghiệm phục kích ở ngã ba Hồng Phúc tối qua. Nếu ta biết đánh, địch không dễ gì chiếm chiến lũy (...)

Trên đường về tôi cảm thấy yên lòng về tinh thần chiến đấu của bộ đội và tự vệ, nhưng cũng rất băn khoăn vì lực lượng bộ đội ta quá mỏng. Cả Khu 11 chỉ có 5 tiểu đoàn! Bộ Tổng chỉ huy không có lực lượng dự bị nào... Tôi nảy ra ý nghĩ có thể sáp nhập Khu 11 vào Khu 2. Hà Nội cùng với hai tỉnh Sơn Tây, Hà Đông sẽ trở thành tiền phương của Khu 2. Như vậy, mặt trận Hà Nội có nguồn bổ sung bộ đội và một hậu phương tương đối rộng để huy động sức người, sức của kéo dài cuộc chiến đấu.

*

Tối hôm đó, tại cơ quan Trung ương ở Do Lộ, anh Trường Chinh và tôi cùng nghe Bộ Tổng tham mưu tổng hợp tình hình chiến sự ngày đầu để chuẩn bị báo cáo với Bác.

Ở Hà Nội, ta đánh 30 trận vừa tiến công vừa chặn địch, diệt nhiều vị trí nhỏ và ổ chiến đấu lẻ. Ta không giải quyết được những nơi địch tập trung đông như ở trường Bưởi, Đồn Thủy... Ta đã giật một quả bom 250 ki-lô-gam ở cầu Long Biên nhưng không phá được cầu, cũng không đánh được vào sân bay Gia Lâm vì địch canh phòng cẩn mật.

Tại Bắc Bộ Phủ, vệ quốc quân đánh lui nhiều đợt xung phong. Đến khoảng giữa trưa, chính trị viên đại đội Lê Gia Định thấy không giữ cứ điểm được nữa, đã ra lệnh cho số bộ đội còn lại rút sang Nhà bưu điện. Anh ở lại với một trái bom, định giật nổ để tiêu diệt toán quân Pháp đầu tiên xông vào. Bom không nổ, chính trị viên Lê Gia Định đã anh dũng hy sinh (...)

Trong ngày đầu kháng chiến toàn quốc, ở Thủ đô đã có biết bao tấm gương chiến đấu oanh liệt. Ta tiêu diệt hàng trăm quân địch, phá hủy một số xe tăng, xe bọc thép (...)

Sau khi nghe báo cáo, chúng tôi trao đổi và nhất trí là qua một ngày đêm chiến đấu có thể thấy, nhìn chung, tuy ta yếu hơn địch nhiều nhưng vì giành được bất ngờ nên ở thế có lợi, còn địch ở vào thế bị động đối phó. Ta không nên tiếp tục tiến công vào những vị trí lớn nữa, mà tập trung đánh nhỏ, đánh du kích. Sau ba ngày chiến đấu, các liên khu có thể co lực lượng về khu vực tác chiến đã chuẩn bị (...)

Tôi quyết định điều ngay hai tiểu đoàn của Khu 2 tăng cường cho Hà Nội, gấp rút xây dựng một trung đoàn chủ lực trực thuộc Bộ (...)

Ngày 25 tháng 12, Thường vụ Trung ương họp nghe báo cáo tình hình chiến đấu ở Thủ đô. Anh Trường Chinh công bố quyết định sáp nhập Chiến khu 11 vào Chiến khu 2. Anh Hoàng Sâm và anh Lê Hiến Mai vẫn là chỉ huy trưởng và chính ủy. Anh Vương Thừa Vũ và anh Trần Độ là chỉ huy phó và phó chính ủy của Chiến khu 2, nhưng vẫn là chỉ huy trưởng và chính ủy của Mặt trận Hà Nội.


MỘT LỚP HỌC VỪA DẠY VỪA HỌC

Ngày 12 tháng 1 năm 1947, Hội nghị Quân sự lần thứ nhất họp ở gần Hà Nội.

Kháng chiến toàn quốc đã hơn ba tuần. Không riêng Hà Nội, tại một số tỉnh thành khác, lực lượng vũ trang của ta vẫn đứng vững (...)

Bộ chỉ huy Pháp vẫn chưa tìm ra cách thoát khỏi thế bị động, lúng túng. Tướng Moóc-li-e chỉ huy quân Pháp ở Bắc bộ mất chức. Đép-bơ, người đánh chiếm Hải Phòng tháng 11-1946 lên thay (...)

Tuy nhiên, ở một số mặt trận xa, quân Pháp nhanh chóng mở rộng phạm vi chiếm đóng. Ở Tây Bắc, địch chiếm Sơn La, Hát Lót, Yên Châu. Ở biên giới Việt – Lào, địch làm chủ tuyến sông Mã. Ở Đông Bắc, địch đã nối liền Tiên Yên, Đình Lập, Lạng Sơn và đang tiến từ Đình Lập xuống Phả Lại, nhằm chiếm đóng khu tứ giác Lạng Sơn – Móng Cái – Hải Phòng – Phả Lại (...)

Hội nghị Quân sự lần này nhằm bàn kế hoạch đối phó với tình hình mặt trận sẽ có những biến chuyển lớn nay mai.

Cuộc họp kéo dài từ ngày 12 đến ngày 16 tại Trúc Sơn, nơi năm thế kỷ trước đã diễn ra trận Chúc Động – Tốt Động lịch sử.

Anh Trường Chinh tới dự hội nghị. Các khu trưởng từ Khu 4 trở ra đều có mặt (...)

Tôi đọc bản báo cáo đánh giá những thành tích quân và dân ta đã thu được từ ngày nổ súng và nêu lên những khuyết, nhược điểm cần khắc phục về mặt tổ chức, chỉ huy và cách đánh của bộ đội.

Ta nhận định sau một thời gian bị động đối phó, địch đang chuyển sang phản công và tiến công. Dự đoán sau khi có thêm viện binh, địch sẽ chiếm và kiểm soát khu Hà Nội – Hải Phòng và Hà Nội – Ninh Bình – Phát Diệm, củng cố đường số 1, đường sông Hồng, phát triển mặt trận Sơn La, đổ bộ lên Đà Nẵng để có đủ lực lượng giải vây cho Huế, nối liền Huế - Đà Nẵng, và từ Sê Pôn (Lào) uy hiếp phía sau lưng quân ta.

Ta chủ trương kiên quyết nắm vững thế chủ động trên khắp các mặt trận, kịp thời chuyển sang thời kỳ mới. Cần tránh đưa lực lượng đối chọi với các mũi tiến công lớn. Dựa vào trận địa đẩy mạnh hoạt động du kích, ngăn chặn không cho địch phát triển mau lẹ. Tập trung lực lượng tiến công tiêu diệt từng bộ phận nhỏ. Cần tiếp tục vây hãm quân địch ở các tỉnh thành thêm một thời gian, có kế hoạch đánh địch giải vây, chủ động rút lui đúng lúc và có tổ chức để bảo toàn lực lượng, sẵn sàng đối phó với cuộc tiến công lan rộng của địch. Ta quyết định tổ chức mặt trận Tây tiến nhằm phá thế uy hiếp ở phía tây, buộc địch phải phân tán đối phó, và để mở rộng căn cứ địa.

Cách đó sáu ngày, đảng bộ Liên khu 1 Hà Nội có điện đề nghị thống nhất tất cả các bộ phận Vệ quốc đoàn, tự vệ chiến đấu, công an xung phong, tự vệ thành trong Liên khu 1 thành một trung đoàn, lấy tên là trung đoàn Liên khu 1. Bộ Tổng chỉ huy đã đồng ý. Tại Hội nghị quân sự lần này, tôi đề nghị tặng trung đoàn Liên khu 1 danh hiệu “Trung đoàn Thủ đô”. Hội nghị nhiệt liệt hoan nghênh.

Anh Vương Thừa Vũ báo cáo những kinh nghiệm phong phú tại mặt trận Hà Nội: tác chiến dựa vào chiến lũy, phục kích, cơ động lực lượng trong thành phố, sử dụng lực lượng dự bị.

Khu II giới thiệu cách đánh quân nhảy dù và quân tăng viện đường thủy tại Nam Định ngày 6 và 7 tháng 1 năm 1947.

Đồng chí Trần Đại Nghĩa, Cục trưởng Cục Quân giới, báo cáo về việc chế tạo súng và đạn ba-dô-ca để thay thế cho loại bom ba càng khó sử dụng và dễ đưa chiến sĩ tới tử vong.

Đồng chí Hoàng Đạo Thúy, vừa nhận chức Cục trưởng Giao thông Công chính, báo cáo về công tác phá hoại cầu đường.

Giờ nghỉ, tôi gặp anh Vũ trao đổi về những diễn biến sắp tới tại mặt trận Hà Nội. Chúng tôi dự kiến địch sẽ đẩy lui lực lượng ta ra khỏi các cửa ô trước, sau đó mới quay về đánh Liên khu 1. Do đó, cần điều chỉnh lại, xây dựng thêm và tăng cường chiến lũy, động viên bộ đội và tự vệ chiến đấu tích cực chặn địch trên các trục phố dẫn ra cửa ô. Đồng thời, củng cố những công trình phòng thủ tại Liên khu 1 sẵn sàng đánh địch.

Hội nghị đang họp thì có tin địch lại tiến công ra các cửa ô, anh Vũ xin về sớm để chỉ huy chiến đấu.

Chúng ta vừa chiến đấu vừa phải kịp thời rút kinh nghiệm trong chiến đấu. Cuộc họp trở thành một lớp học mà tất cả những người tham dự vừa là giảng viên, vừa là học viên. Đây chính là những lớp học ngắn ngày góp phần khắc phục trình độ non trẻ của cán bộ ta.


SƠ LƯỢC CHIẾN SỰ 37 NGÀY ĐẦU

Hà Nội chia thành ba liên khu. Theo đúng kế hoạch, sau ba ngày giao chiến trên khắp thành phố, lực lượng vũ trang các liên khu 2, 3, bắt đầu giãn dần ra các cửa ô, nơi đã được xây dựng chiến lũy để ngăn chặn quân địch. Bộ đội và tự vệ Liên khu 1 cũng thu hẹp phạm vi chiến đấu, rút vào khu vực cố thủ nằm tiếp giáp với thành Hà Nội.

Từ ngày 30 tháng 12, địch mở liên tiếp nhiều cuộc tiến công ra các cửa ô. Mỗi cuộc đều có xe tăng, xe bọc thép đi kèm và máy bay, pháo binh phối hợp.

Vệ quốc đoàn và tự vệ với chủ yếu súng trường, lựu đạn, dao kiếm, giáo mác, chai xăng cờ-rếp, bom ba càng v.v., dựa vào chiến lũy, chiến hào, lợi dụng nhà gác, mái nhà đã đánh chặn, giành giật từng quãng đường, từng ngôi nhà.

Ở Khâm Thiên, Hàng Bột, Đội Cấn, địch bị thiệt hại nhiều mà vẫn không vượt qua được chiến lũy. Quân Pháp cuối cùng phải bỏ ý định đánh thẳng vào chiến lũy mà đi vòng theo đường khác. Thiếu sót của ta ở một số nơi là chưa tính tới trường hợp địch đi theo đường vòng.

Trận đánh ở nhà thương Vọng ác liệt nhất. Lực lượng vũ trang ta dùng bom ba càng phá xe tăng, rồi rút lên gác đánh lui nhiều đợt xung phong của địch. Địch bị loại khỏi vòng chiến hàng trăm tên và mất một số xe tăng, xe cơ giới. Phía ta, hai trung đội vệ quốc đoàn và năm mươi tự vệ hy sinh.

Một số trận phục kích diễn ra ở Đống Đa, Hòa Mục, đường Nguyễn Công Trứ diệt từng trung đội địch. Kinh nghiệm trận ngã ba Hồng Phúc đã được vận dụng.

Mãi đến ngày 25-1-1947, địch mới đẩy được lực lượng Liên khu 2 và Liên khu 3 ra tới ngoại ô. Từ trung tâm thành phố ra tới đây chỉ khoảng 5 ki-lô-mét mà quân Pháp đã đi mất 27 ngày, tức tốc độ bình quân là 200 mét một ngày theo cách nhận xét của một nhà báo Pháp.

Khi bàn về trận Hà Nội, nhiều người đã quên hoặc ít nói tới Liên khu 2 và 3. Ở hai liên khu này, cuộc chiến đã diễn ra 37 ngày đêm, trong đó có 27 ngày vừa đánh địch trên các trục đường ra ngoại ô vừa luồn vào tập kích thường xuyên khu vực địch đã kiểm soát. Nếu không có sự phối hợp này, chiến sĩ Liên khu 1 khó trụ sát nách địch một thời gian dài như vậy.

Tuy nhiên, Liên khu 1 vẫn là tiêu biểu nhất cho cuộc chiến đấu ở Thủ đô.

Theo kế hoạch, sẽ có một tiểu đoàn vệ quốc quân cùng chiến đấu với tự vệ tại liên khu. Nhưng ngay từ những giờ đầu, tiểu đoàn này đã bị cắt làm đôi. Một đại đội ở khu vực phố Yên Phụ không rút vào được khu vực cố thủ. Như vậy, trong Liên khu 1 chỉ có hai đại đội vệ quốc đoàn cùng với một bộ phận tự vệ chiến đấu (là lực lượng vũ trang do Thành ủy Hà Nội tổ chức sau ngày Tổng khởi nghĩa) làm nòng cốt cho cuộc chiến đấu của hàng nghìn tự vệ khác gồm những người dân thuộc mọi thành phần, lứa tuổi, phần lớn là thanh niên, lần đầu làm quen với chiến trận. Quân và dân ở Liên khu 1, từ anh vệ quốc quân đến cô gái, em nhỏ, ngay giờ phút đầu tiên, đã hiên ngang tiến hành trận đánh “mặt đối mặt” với kẻ thù mạnh hơn mình không biết bao nhiêu.

Ngày 23-12-1946, anh Trần Quốc Hoàn và anh Lê Quang Đạo được Trung ương cử vào Liên khu 1 để xem xét tình hình tại chỗ. Khi trở về, các anh báo cáo với Bác và Thường vụ: Nếu được tiếp tế đều đặn về lương thực, đạn dược, thì lực lượng ta có thể trụ lại vượt thời gian dự định.

Các chiến sĩ nhanh chóng rút kinh nghiệm qua mỗi trận đánh và tỏ ra rất sáng tạo. Từ chia quân khắp nơi ngăn chặn địch với công sự giản đơn, họ chuyển sang chiến đấu cơ động, đánh địch cả trước mặt, bên sườn và phía sau. Họ biết nghi binh, nhử địch, biết tổ chức và sử dụng lực lượng dự bị. Một chiến thuật mới cùng với hình thức tổ chức thích hợp đã hình thành. Bộ đội chia thành những tổ nhỏ, dựa vào những đường hào, đường luồn trong nhà, thường xuyên di động theo vô số đường ngang lối tắt mà họ rất quen thuộc. Lực lượng ta trở nên gần như vô hình đối với địch. Chiến sĩ vô hình nhưng lại sẵn sàng ra đòn hữu hình: giặc luôn bất ngờ nhận được những chai cháy, quả lựu đạn, phát súng trường, súng săn lẻ tẻ nhưng rất trúng đích, không biết xuất phát từ đâu!

Tuy vậy, không phải không có những khó khăn mới đã nảy sinh. Khi lực lượng vũ trang ta thu hẹp phạm vi chiến đấu vào khu vực cố thủ thì dân chúng chưa tản cư ở vùng chung quanh cũng ùa vào theo, đưa số dân tại đây lên tới hàng vạn người. Số nhân khẩu đông đảo này nhanh chóng làm cạn nguồn lương thực dự trữ. Con đường tiếp tế bí mật nằm ở ven sông Hồng cũng đã bị địch chú ý. Không thể để tình hình này kéo dài. Chúng ta thống nhất với lãnh sự Trung Hoa, Anh và Mỹ thỏa thuận cùng phía Pháp một thời gian ngừng bắn 24 giờ, để đưa Hoa kiều, Ấn kiều và thường dân ra khỏi khu vực chiến sự. Bộ Tổng chỉ huy quyết định chỉ để lại Liên khu 1 một bộ phận nhỏ của Trung đoàn Thủ đô là 500 người, gồm những chiến sĩ chọn lọc, đại bộ phận sẽ rút ra cùng với dân trong ngày ngừng bắn. Nhưng qua ngày đó (15-1-1947) Trung đoàn báo cáo ra, vẫn còn lại 1200 người, trong số này có cả khoảng 200 phụ nữ và hơn 70 em nhỏ. Họ đã trốn ở lại để được tiếp tục chiến đấu!

Vòng vây các vị trí địch quanh liên khu ngày càng dày thêm. Sau khi ngoại kiều đã rời khỏi đây, máy bay, trọng pháo của địch không còn chút nào dè dặt trong những trận oanh tạc, pháo kích. Van-luy (Tổng chỉ huy quân viễn chinh) ra lệnh: “Đừng ngần ngại gì mà không đánh mạnh bằng bom và đại bác! Phải kết thúc sớm đi! Phải làm cho kẻ thù hiểu rõ ưu thế áp đảo của chúng ta”. Ngày 16-1-1947, tại tiểu khu Đông Thành, một tổ súng trường do đồng chí Bạch Ngọc Liễn chỉ huy đã bắn rơi một máy bay Xpít-phai đang lao xuống bắn phá. Đây là chiếc máy bay đầu tiên bị hạ bằng súng bộ binh tại Hà Nội. Bộ Tổng chỉ huy đã tặng Huân chương ngay cho chiến công này.

Con đường tiếp tế từ ngoài vào Liên khu 1 có thể bị địch phát hiện và cắt đứt bất cứ lúc nào. Khu Đông Thành có hai khẩu trung liên đều ọc ạch, vừa bắn vừa phải sửa. Một tiểu đội ở phố Cầu Gỗ chỉ có một khẩu súng khai hậu, anh em gọi đùa là khẩu “thần công”. Đạn càng lúc càng thiếu...


(Lược trích từ hồi ký
Chiến đấu trong vòng vây in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006. Tiểu đề tạm đặt. Những chỗ in đỏ đều do người trích.)