“HN60NĐ - Một chiến sĩ trẻ xuất sắc”




Đêm 19/12 đội tự vệ của tiểu khu 1 được lệnh tấn công một ổ tác chiến của địch ở phố Ngô Thì Nhậm. Sáng 20 thì vào được trong nhà, ở tầng một, nhưng trung đội trưởng Lê Quang Tôn hy sinh. Ta định đánh lên tầng hai nhưng địch ở trên bắn khống chế rất dữ nên không lên được, đã có vài người bị thương, Luyện phải gọi cứu thương đến khiêng đi.

Em gặp tôi và nói:

- Anh Giáp ạ, đánh thế này không được, em thấy ở chỗ Ban chỉ huy các anh ấy nói: Bên khu Bảy Mẫu và khu Lò Đúc các anh ấy cho phóng hỏa đốt là bọn chúng phải ra đầu hàng, nhưng ở đây ta đốt sẽ bị cháy lan sang bên thì làm gì còn chỗ mà bố trí đánh. Em đi bên ngoài thấy nhà này có một tầng mái bằng nối tiếp lên mái ngói mà ống máng lại bằng xi-măng, có thể lên được anh ạ.

Tôi và anh Việt Tử nghe em nói thế liền sang nhà bên quan sát thì quả đúng như vậy. Đêm hôm đó, đơn vị bố trí Phạm Quốc Bảo và một chiến sĩ theo ống máng lên tầng thượng dỡ mái xuống trần, ném lựu đạn, cùng lúc cho anh em xung phong lên cầu thang. Bọn địch buông súng đầu hàng. Ta bắt được sáu tên và thu một số vũ khí. Tự vệ được chia một khẩu Xì-ten, một khẩu súng trường và bốn mươi quả lựu đạn. Em Luyện xí phần ngay khẩu Xì-ten và nói:

- Khẩu này nhẹ, các anh để cho em.

Mọi người đều cười. Đồng chí Việt Tử bảo: “Đúng, phải thưởng cho chú Luyện vì chính chú ấy nghĩ ra cách đánh hiệu quả này”.

*

Ngày 21/12, địch tấn công Nhà máy Rượu.

Thời gian đó Nhà máy Rượu rất rộng, bao gồm một khu vực hình chữ nhật giới hạn bởi đường Lò Đúc, Hòa Mã, Ngô Thì Nhậm và Nguyễn Công Trứ, có tường cao bốn mét với nhiều lỗ đục thông ra các phố.

Trong Nhà máy Rượu có hai trung đội của tiểu đoàn 212 mà hơn một nửa là những người trước đây đã từng là lính của quân đội Pháp tham chiến bên Âu châu. Sau ngày Việt Nam độc lập, các anh trở về nước rồi gia nhập Vệ quốc đoàn.

Cuộc chiến đấu diễn ra suốt ngày. Với kinh nghiệm chiến trường, các chiến sĩ ta đã gây cho Pháp rất nhiều thương vong. Đến 14 giờ chiều, chúng cho ném bom vào nhà máy và cho xe tăng húc đổ tường xông vào. Bộ đội phải rút về Chùa Vua. Đến 15 giờ 30 một tên mũ đỏ ló ra khỏi lỗ thông từ Nhà máy Rượu sang phố Ngô Thì Nhậm. Hai phát đạn của ta quật nó ngã sấp, chân vẫn ở trong nhà máy nhưng gần cả người nằm trên hè đường Ngô Thì Nhậm, khẩu các-bin văng ra gần đó.

Chưa ai kịp nói gì đã thấy Luyện đặt khẩu Xì-ten xuống lao ra đường chạy như bay tới chỗ thằng Tây mũ đỏ. Một tràng đạn liên thanh từ đầu phố Ngô Thì Nhậm phía Hàm Long quét xuống, mọi người thấy Luyện chạy thêm ba bước rồi ngã xuống cạnh xác thằng Tây. Anh Chi kêu lên: “Luyện bị rồi!”. Ở lỗ thông, một cái mũ đỏ lấp ló, ta lại bắn, nó thụt mất, rồi bọn bên trong nắm chân thằng bị nạn lôi vào. Mọi người chợt thấy Luyện vùng dậy một tay cầm khẩu các-bin một tay kéo lê chiếc thắt lưng da trên có tám túi đựng băng đạn chạy như bay về. Thì ra em không phải ngã vì trúng đạn mà đã cố ý nằm xuống cạnh xác thằng Tây để cởi thắt lưng đạn của nó.

Chiều hôm ấy em mang súng, đạn lên báo cáo Ban chỉ huy. Khi về em kể: “Anh Quang Tuần khen anh em mình ghê lắm. Khẩu các-bin anh ấy giữ cho đội cảnh vệ và đổi lại cho đơn vị mình hai khẩu mút-cơ-tông với 100 viên đạn. Em vẫn giữ khẩu Xì-ten đấy nhé!”.

*

Ngày 23/12 địch phá ụ ở ngã năm Lò Đúc, đồng thời mở cuộc càn lớn vào khu Chợ Hôm, Lê Văn Hưu, Nguyễn Công Trứ. Chúng bố trí xe tăng và xe bọc thép đứng ở các ngã tư quét dọc các phố, cho bộ binh phá cửa xông vào nhà tiêu diệt quân ta.

Trong khu vực này ta có hai trung đội của đại đội Bảo Cường tiểu đoàn 77 và hai trung đội của tiểu đoàn Lê Tỵ tiểu đoàn 212 cùng năm đội tự vệ của khu Chợ Hôm.

Tiểu đội Phạm Văn Đăng giữ góc phố Hòa Mã - Phố Huế, tiểu đội Phạm Đường Bệ chặn ở góc Phố Huế - Trần Xuân Soạn. Em Luyện đi theo tiểu đội trưởng Bệ đến nhà góc phố số 77. Em thấy chỗ này không an toàn nên nói:

- Anh Bệ ạ, em thấy ở đây không an toàn, địch có thể đánh sau lưng mình và đánh thông sang chỗ Ban chỉ huy.

- Sao em lại nói thế?

Luyện đáp: “Anh có thấy không, lúc nãy khi qua nhà 81 em thấy ngoài lỗ thông qua nhà 79 ra còn một lỗ thông nữa trông sang phía Trần Xuân Soạn. Nếu bọn Tây nó vào được Trần Xuân Soạn thì coi như ta bị bao vây và chúng có thể đánh suốt dọc Phố Huế”.

Tiểu đội trưởng Bệ và tiểu đội trưởng Tâm vệ quốc đoàn quay lại nhà 81 xem thì thấy đúng như lời Luyện nói: Ngoài lỗ thông sang nhà 79, ở sân giữa còn một lỗ thông nữa qua lối đi nhà vệ sinh thông sang Trần Xuân Soạn. Hai tiểu đội trưởng tự vệ và vệ quốc đoàn liền rút quân về nhà 81 bố trí trên gác, cử hai tổ ba người cảnh giới hai lỗ thông.

Chiều hôm đó, lúc 3 giờ địch phá được một nhà ở phố Phùng Khắc Khoan đánh thông suốt dọc phố Trần Xuân Soạn. Tiểu đội Vũ Đình Tuân (con cụ Vũ Đình Tụng) của tiểu khu 3 hy sinh mất bốn người, số còn lại rút được về số nhà 81 và bố trí chiến đấu cùng với Tâm và Bệ. Địch lần đuổi theo nhưng bị quân ta bắn chặn lại, chúng ném lựu đạn, đưa súng phóng hỏa bắn nhưng bị quân ta đánh trả lại quyết liệt. Trong những tiếng nổ phát một của súng trường, thỉnh thoảng lại rộ lên tiếng nổ của khẩu tiểu liên của Luyện.

Cho đến 16 giờ chiều bọn địch không làm sao vào được nhà 81, xe cơ giới của chúng cũng không húc được cửa mà còn bị chai xăng của ta ném cháy ba chiếc trên đường Phố Huế.

*

Những ngày sau đó, các đội tự vệ khu Chợ Hôm được rút về dưới phố Bạch Mai và Việt Nam học xá, tập hợp lại thành đội tự vệ Duy Tân.

Luyện trở thành liên lạc viên của Ban chỉ huy trung đội. Những ngày này, khi thì em đi cùng anh Phạm Quốc Bảo lùng bắt bọn thám báo, khi thì đi cùng với Hoàng Thị Dung, Lưu Thị Hạnh mang cơm tiếp tế cho đơn vị, khi thì chốt trên đình Tô Hoàng tham gia giữ trận địa Ô Cầu Dền.

Trong trận đánh lớn ngày 15/01/1947, trong thế bị bao vây ba mặt, Ban chỉ huy tiểu đoàn đã ra lệnh cho bộ phận y tế và bộ phận cấp dưỡng rút khỏi trận địa từ mười hai giờ trưa. Tôi cũng cho mấy em liên lạc 14, 15 tuổi trong đó có Luyện rút theo hai bộ phận này. Nhưng không ngờ đến 15 giờ, tôi đến hầm chiến đấu của tiểu đội Bệ vẫn thấy Luyện cùng các chiến sĩ khác đang nhằm bắn bọn tây nhấp nhô trên đường số 1.

Đến 5 giờ chiều khi đơn vị rút thì Luyện trong số những người rút sau cùng. Về đến Huỳnh Cung nơi đóng quân của tiểu đoàn lúc 11 giờ đêm, Luyện đưa tôi hai cái ví và nói:

- Lúc anh Tri và anh Lục mất ở Lò Gạch, sau em có đến và tìm được trong túi các anh những vật này, em trao lại cho anh.

*

... Ngày 20/3/1947, tiểu đoàn 64 đóng dọc sông Nhuệ, trung đội tôi được bố trí thành một tuyến dài gần 700m. Từ đầu cầu xuống Mỗ Lao, các tiểu đội cách nhau khoảng 200m.

Trong ngày hôm đó em Luyện và em Lê là hai liên lạc viên phải chạy hàng chục lần từ tiểu đội này sang tiểu đội kia dưới làn đạn của địch.

Đến 6 giờ chiều đơn vị được lệnh rút và hành quân hơn 30 km về làng Hữu Bằng ở Thạch Thất, Sơn Tây. Bố trí chỗ ăn nghỉ cho các đơn vị xong đã gần 8 giờ sáng. Chúng tôi vừa trở về nhà đóng quân của Ban chỉ huy trung đội thì liên lạc viên từ trung đoàn xuống đưa cho tôi một công văn.

Mở ra xem, tôi bàng hoàng: đây là công văn đề nghị báo tin cho Trần Kim Luyện, chiến sĩ của tiểu đoàn 64, biết đồng chí Trần Kim Xuyến, Giám đốc Nha Thông tin, đã bị địch sát hại trong khi đi công tác ngày 2/3/1947. Chúng tôi nhìn nhau, tự hỏi tuy đã chứng kiến sự hy sinh của nhiều đồng đội nhưng không biết em Luyện có thể chịu đựng nổi nỗi đau đớn, mất mát này không.

Tôi và Đặng Thái - chính trị viên trung đội - xuống nơi tiểu đội của Luyện đóng quân thấy em đang nằm ngủ say sưa, miệng hơi hé cười. Chúng tôi không muốn đánh thức em dậy vì biết rằng sau một ngày chiến đấu gian khổ và một cuộc hành quân dài vất vả, em rất cần giấc ngủ này.

Tối hôm đó, lúc 8 giờ Luyện chạy vào chỗ chúng tôi hớt hải nói:

- Các anh ơi, có phải anh Xuyến em mất rồi không?

Tôi và Thái nhìn nhau. Thái lặng lẽ đưa tờ công văn cho Luyện. Luyện cầm đọc, nét mặt ngây đi. Hai dòng nước mắt từ từ lăn trên gò má sạm nâu, em đứng im. Tôi và Thái định lên tiếng thì Luyện nói:

- Anh Xuyến hy sinh, không biết mẹ em có chịu đựng nổi không. Em xin thề sẽ trả thù cho anh em. Anh Giáp, anh Thái đừng lo, em không sao đâu. Em sẽ hết sức rèn luyện để trả thù.

Nói xong em từ từ quay đi, bước ra khỏi văn phòng trung đội.

Khoảng cuối năm 1947, đầu năm 1948, theo điều động của trung đoàn, Trần Kim Luyện được cử đi học lớp mật mã và trở thành điện đài viên của Trung đoàn bộ. Tôi và Đặng Thái cũng chuyển công tác, mỗi người một nơi, không ở gần Luyện nữa.

Cuối năm 1950 tôi được tin Luyện được cử đi học trường Lục quân khóa 6. Đến năm 1954, sau khi hòa bình lập lại tôi mới được biết sau khi học ở Lục quân, Luyện được điều về đại đoàn 312 và tham gia nhiều chiến dịch như Tây Bắc năm 1952, Thượng Lào 1953, Điện Biên Phủ 1954. Em đã hy sinh tại mặt trận Điện Biên trong trận chiến đấu ở đồi E1 với cương vị đại đội trưởng.


(Hoàng Giáp (đội trưởng đội tự vệ khu Chợ Hôm, Liên khu II) kể, trang
quansuvn.net)